Đại gia vào cuộc
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam – đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) nói rằng, cách đây 10 năm, khi dẫn đoàn doanh nghiệp đến tỉnh Quảng Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, anh Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải – Thaco) đã thấy đây là nơi “đất lành chim đậu” và 10 năm sau, Thaco trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Rất có thể, trong 10 năm tới, sẽ có doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là doanh nghiệp về nông nghiệp.
“Hy vọng Thủ tướng sẽ giúp điều này trở thành hiện thực”, ông Bình dí dỏm nói.
Một cách thức làm nông nghiệp hoàn toàn mới, với vai trò đầu tàu là các doanh nghiệp đã được thực hiện từ trước đây khá lâu, nhưng rời rạc. Nay những “mắt xích” đã tự tìm đến và liên kết với nhau, bắt đầu một giai đoạn mới.
Ông Trần Bá Dương cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có một số đặc điểm như: không thể tiếp tục phát triển nếu không đưa công nghiệp vào nông nghiệp; không có các ngành khác kiếm ra tiền để bù lỗ cho nông nghiệp... Bởi vậy, các doanh nghiệp thành công trong công nghiệp phải có trách nhiệm dấn thân vào nông nghiệp.
“Chúng tôi nghiên cứu làm nông nghiệp không chỉ có nuôi trồng, mà còn có cả vận chuyển và thu hoạch, bởi những khâu này đang xảy ra thất thoát và làm suy giảm mạnh chất lượng sản phẩm. Do đó, rất cần những doanh nghiệp có vốn, có khả năng tổ chức quản trị, dấn thân vào nông nghiệp, để tạo ra mô hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp. Một khi đã dấn thân phải chọn cái khó để làm và tôi quyết định sẽ chọn cây lúa, đồng thời lấy miền Bắc để làm, để tạo ra mô hình chuẩn”, ông Dương chia sẻ.
Đã và đang triển khai nhiều dự án công nghiệp, song ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco, tự nhận là “lính mới” trong lĩnh vực này. Ông kể rằng, ở Thái Bình quê ông chỉ có lúa, mà làm lúa như vậy thì không ăn thua, bởi nông dân chỉ thu về trung bình 500.000 đồng/1 ha/1 vụ, trong khi lên Hà Nội làm thuê được 3 triệu đồng/tháng. Vậy là nông dân lũ lượt bỏ ruộng đất mà đi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn
“Nhà ở xã hội có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ. Vậy nên gói tín dụng cho nông nghiệp phải cần gấp mấy lần, vì 70% người dân Việt Nam làm nông nghiệp”, ông Tiền nói và đề nghị Chính phủ triển khai gói 50.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp.
Có ai đó nói, làm nông nghiệp chỉ kiếm “bạc lẻ”? Câu chuyện thành công của những “nhà nông nghìn tỷ” là câu trả lời rõ nhất.
“Vua chuối triệu USD” Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An (tỉnh Long An), đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lớn, khi năm 2015 đã xuất khẩu trên 3.000 tấn chuối sang thị trường rất “khó tính” là Nhật Bản, Hàn Quốc, năm 2016 là 5.000 tấn và dự kiến 2017 là 10.000 tấn.
Hay Công ty TNHH Đầu tư thuỷ sản Nam Miền Trung đầu tư hàng ngàn bể ươm tôm giống, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống, đầu tư theo chuẩn công nghệ Mỹ, với những đội tàu lấy nước biển sạch từ sâu ngoài khơi, phòng thí nghiệm với trang thiết bị tối tân, kiểm soát, khống chế tất cả các loại bệnh trên tôm giống. Mỗi năm, doanh nghiệp cung cấp 6 tỷ con tôm giống và rất nhiều tôm thịt…
Nhiều rào cản
Nút thắt lớn nhất trong đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, theo phản ánh của các doanh nghiệp, đó là tích tụ ruộng đất. Ông Võ Quan Huy nói rằng, để doanh nghiệp vươn tầm thế giới, phải có quy mô sử dụng đất đai rất lớn. Ví dụ, để trồng chuối xuất khẩu, doanh nghiệp cần tối thiểu diện tích 100 ha, ở đó có nhà đóng gói, đường cáp tải chuối…
Đầu tư quy mô lớn, để áp dụng khoa học công nghệ thì suất đầu tư sẽ thấp hơn so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Ông cũng chia sẻ thẳng thắn rằng, doanh nghiệp ông đang phải “lách luật” để canh tác trên 1.000 ha đất tại 6 tỉnh.
Một khi đã dấn thân phải chọn cái khó để làm và tôi quyết định sẽ chọn cây lúa, đồng thời lấy miền Bắc để làm, để tạo ra mô hình chuẩn.
- Ông Trần Bá Dương,Chủ tịch HĐQT Thaco.
Ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Hòa Bình, đã kể về dự án của mình, với kế hoạch xây dựng 10 vùng sản xuất, nhưng mới làm được 3 vùng thì đã gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến tích tụ ruộng đất. Ông Thắng cho biết, theo Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân, khi người dân đồng ý mới được thu hồi đất. Nếu người dân không đồng ý thì không có biện pháp xử lý.
“Chính phủ có hành động gì để giúp doanh nghiệp trong việc tích tụ đất đai phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh?”, ông Thắng nêu câu hỏi.
Một nút thắt nữa mà các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cho rằng cần sớm được tháo gỡ, đó là việc tiếp cận vốn. Ông Trương Gia Bình cho biết, đầu tư vào nông nghiệp không có sản phẩm để cầm cố, nên nhiều doanh nghiệp không có cách nào để có vốn. Còn ông Võ Quan Huy cho hay, chỉ có đất thế chấp được tại ngân hàng, còn tài sản trên đất không được coi là tài sản đảm bảo.
Trong khi nói về thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch, lãnh đạo Công ty Hùng Nhơn cho biết, đó là vấn nạn hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, với giá rẻ mạt đang tràn lan trên thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất trong nước.
Nút thắt trong đầu tư nông nghiệp còn đến từ những thủ tục hành chính rườm rà. Đơn cử như trường hợp doanh nghiệp của ông Hà Văn Thắng, 3 trang trại chỉ cần đầu tư khoảng 10 ha đất, nhưng cơ quan quản lý đòi hỏi phải lập quy hoạch 1/500, vừa mất thời gian, vừa rất tốn kém…
Cần cơ chế xử lý đặc biệt
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam phải tập trung để tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng: hạt nhân là doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã. Chỉ có như vậy mới hình thành nông nghiệp tập trung, hàng nông sản Việt mới đi ra thế giới.
Thông điệp về định hướng chính sách của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, các doanh nghiệp có thể kỳ vọng về sự chuyển biến lớn trong thời gian tới đây. Chẳng hạn, Thủ tướng đồng ý cho DAA Việt Nam đầu tư khu công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; cho phép mở rộng diện tích tôm, để ứng phó lại với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long...
Thủ tướng yêu yêu cầu phải có gói tín dụng nông nghiệp với quy mô 50.000-60.000 tỷ đồng, với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, cùng với đó là nhiều ngân hàng thương mại được phép tham gia cho vay gói hỗ trợ để đảm cạnh tranh lành mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất cho nông nghiệp, để thực hiện chủ trương đưa công nghiệp vào nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy hoạch công nghệ cao theo hướng mở, hiệu quả, bền vững… Đáng chú ý, Chính phủ đang xem xét thành lập ngân hàng quỹ đất nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến cấp, thu hồi quyền sử dụng đất; cùng với các tổ chức tín dụng thành lập một số quỹ bổ trợ nông dân, quỹ phát triển nông nghiệp; tăng cường liên kết xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất…
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành trung ương nghiên cứu thể chế, chính sách ưu đãi cho các khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường: rà soát hoàn thiện chính sách đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Bộ Công thương: xây dựng các rào cản kỹ thuật về nhập khẩu nông sản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; phát triển cơ khí và khoa học trong nước nhằm giảm giá thành đầu tư thiết bị công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích các siêu thị sản phẩm tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao…
Bộ Khoa học và Công nghệ: hoàn thiện các chính sách chuyển giao công nghệ trong phát triển nông nghiệp; hoàn thiện cơ chế cho Quỹ Phát triển quốc gia trong phát triển khoa học nông nghiệp công nghệ cao, trong đó 2% ngân sách cho nghiên cứu phát triển cần phải được đầu tư đúng chỗ…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.