Xuất khẩu ngành da giày, túi xách năm 2018 đạt 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2017, trong đó 5 thị trường lớn chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành lần lượt là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nếu như Hoa Kỳ, EU là 2 thị trường dẫn đầu chỉ duy trì mức tăng đều đều, không có sự đột biến, thì 2 thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc lại có mức tăng rất mạnh, trên 20%/năm.
Với riêng thị trường Trung Quốc, hết 11 tháng 2018, giá trị xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 8,5%, trong đó giày dép đạt 1,35 tỷ USD, tăng 29,8%, chiếm tỷ trọng 9,2%, còn lại là cặp túi.
Nếu tính cả năm 2018, xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 1,65 tỷ USD.
So với con số 1,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu có được trong năm 2017, mức tăng trưởng xuất khẩu của 2018 sang thị trường Trung Quốc khá tốt.
Tập đoàn Động Lực, doanh nghiệp xuất khẩu giày dép, bóng, quần áo thể thao... sang thị trường này trong nhiều năm qua cho biết, thị trường Trung Quốc rất triển vọng cho xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam.
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Động Lực cho biết, 30 năm phát triển, Động Lực khởi nghiệp bắt đầu từ quả bóng và đến bay giờ cũng vẫn trung thành với sản phẩm này. Cùng với thời gian, sự phát triển của công nghệ sản xuất, nhưng bóng của Động Lực đã xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó nhiều công ty lớn của Trung Quốc đều đánh giá cao sản phẩm bóng khâu tay của Động Lực.
“Xuất khẩu đi các nước đã khó, xuất khẩu sang Trung Quốc càng khó khăn hơn, nhưng nếu vào được thị trường này rồi thì giá xuất khẩu sẽ rất cao”, ông Thành nói.
Đồng thời, ông Thánh kiến nghị, các cơ quan quản lý nên tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tham dự các Hội chợ triển lãm tại Trung Quốc để tìm hiểu xu hướng và tìm kiếm khách hàng.
“Trung Quốc hàng năm đều có các Hội chợ chuyên ngành da giày rất lớn, quy tụ hàng nghìn nhà cung cấp trên thế giới. Bởi vậy, các chương trình xúc tiến thương mại thường niên cần duy trì để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Hội chợ triển lãm, qua đó tìm kiếm khách hàng để tăng nhanh giá trị xuất khẩu”, ông Thành nhấn mạnh.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành da giày, túi xách và chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa. Không chỉ là đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, việc gia tăng xuất khẩu sang thị trường này cho thấy được những lợi thế của Việt Nam trong ngành giày dép hiện đang rất tốt.
"Một động lực quan trọng là hiện thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm da giày Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia đã về 0%", bà Xuân thông tin.
Năm 2019, mục tiêu của ngành da giày, túi xách nhắm đến con số 21,5 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc chắc chắn đang trong tầm ngắm chinh phục của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó lợi thế là một loạt doanh nghiệp da giày vốn Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.