Chủ tịch SCIC: Thoái vốn nhà nước quá khó khăn

Qua 2 tháng đầu năm, cả nước mới thoái được vỏn vẹn 79 tỷ đồng vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đức Chi dự báo, dù SCIC rất nỗ lực, nhưng thoái vốn nhà nước năm nay quá khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đức Chi dự báo, dù SCIC rất nỗ lực, nhưng thoái vốn nhà nước năm nay quá khó khăn. Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đức Chi dự báo, dù SCIC rất nỗ lực, nhưng thoái vốn nhà nước năm nay quá khó khăn.

Thoái vốn nhà nước năm nay chắc chắn là quá khó khăn, thưa ông?

Không chỉ năm nay, mà năm 2019 thoái vốn cũng rất khó khăn.

Năm 2019, SCIC chỉ thoái được 82 tỷ đồng tại 12 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 11 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại một doanh nghiệp khác), thu về cho Nhà nước 314 tỷ đồng, gấp 3,8 lần giá trị vốn bán ra. Các bộ,  ngành, địa phương cũng chỉ thoái được vốn tại 13 doanh nghiệp. So với các năm trước, hoạt động thoái vốn của SCIC năm 2019 đạt được rất thấp, cả về số lượng doanh nghiệp lẫn số vốn bán ra.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động thoái vốn không đạt mục tiêu, nhưng có 2 nguyên nhân chính là thị trường chứng khoán khó khăn và cơ chế thoái vốn chặt chẽ hơn. Cả 2 nguyên nhân này vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2020.

Thậm chí, năm nay, thị trường còn khó khăn hơn rất nhiều do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống của người dân, trong đó thị trường chứng khoán bị tác động rất nặng nề. Vì vậy, dù chúng tôi liên tục thông báo bán vốn, thực hiện các quy trình bán vốn công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật, nhưng rất nhiều thương vụ bất thành do không có nhà đầu tư quan tâm.

Bán 82 tỷ đồng, SCIC thu về cho Nhà nước 314 tỷ đồng, tức là gấp 3,8 giá vốn bán ra. Như vậy, có thể thấy, vốn nhà nước bán ra khá hấp dẫn?

Chỉ có một số ít doanh nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư, nên bán được giá cao, còn lại bán được đúng giá trị đầu tư đã là tốt. Có tới 40 doanh nghiệp tổ chức bán vốn nhiều lần đều không bán được, thậm chí có doanh nghiệp bán đến 8 lần đều “mang đến lại mang về”.

Điều đáng nói là, nhiều doanh nghiệp không bán được vốn không phải do hoạt động yếu kém, kế hoạch sản xuất, kinh doanh không sáng sủa, mà là do cơ chế. Cụ thể là những doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ nắm giữ 10-20% vốn, nhà đầu tư nắm giữ trên 51%.

Khi nhà đầu tư nắm giữ cổ phần chi phối thì họ có quyền rất lớn trong quyết định mọi vấn đề của doanh nghiệp. Đại diện phần vốn nhà nước chỉ là cổ đông thiểu số, tiếng nói không có trọng lượng, nên nhà đầu tư mua thêm cũng được, không mua cũng được, rẻ thì mua, đắt thì thôi. Trong những trường hợp này mà bán vốn cứng nhắc, không linh hoạt, thì khó có thể bán được, kể cả thị trường có tốt lên.

Sao không mạnh dạn hạ giá để bán, thưa ông?

Theo quy định trước đây, trường hợp bán đấu giá không thành công, SCIC được quyền điều chỉnh giảm giá khởi điểm tối đa 3 lần, mỗi lần được giảm giá không quá 10% so với giá khởi điểm lần bán vốn trước đó để đấu giá bán tiếp. Trong trường hợp đặc biệt, có phát sinh làm ảnh hưởng đột biến đến giá trị của doanh nghiệp, SCIC được quyền chủ động xác định lại giá khởi điểm trên nguyên tắc phản ánh đủ các yếu tố biến động về giá trị cổ phần.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 32/2018/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 1/5/2018), các cơ chế bán vốn linh hoạt này không được áp dụng. Theo quy định mới, sau khi thực hiện các phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận để chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ nhu cầu thị trường lựa chọn thời điểm để tiếp tục thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước.

Quy định mới có ưu điểm là rất chặt chẽ, nên các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước không thể vận dụng một cách quá mức cơ chế giảm giá có thể dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Nhưng thực tế cho thấy, cơ chế mới không tạo điều kiện để xử lý những trường hợp thực sự cần phải linh hoạt mới thoái được vốn, như cơ chế giảm giá khởi điểm chẳng hạn, nên không hấp dẫn nhà đầu tư.

Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ, xác định giá khởi điểm quá cao, nên không hấp dẫn nhà đầu tư?

Theo quy định, giá trị doanh nghiệp được xác định làm giá khởi điểm phải phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước đầu tư, bao gồm giá trị được tạo ra bởi quyền sử dụng đất, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ. Trường hợp giá khởi điểm thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán, thì lấy giá tham chiếu làm giá khởi điểm chuyển nhượng vốn. Việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải đảm bảo giá giao dịch (giá sàn) không thấp hơn giá khởi điểm.

Tóm lại, trong trường hợp thị trường chứng khoán tăng, giá sàn khi đem đấu giá phần vốn nhà nước phải lấy theo giá thị trường giao dịch bình quân 30 ngày liên tiếp. Ngược lại, khi thị trường giảm như trong nhiều tháng qua, thì giá sàn không được thấp hơn giá khởi điểm, trong khi giá khởi điểm và giá giao dịch trên thị trường luôn có khoảng cách.

Cách xác định giá sàn quá chặt chẽ không tạo kẽ hở để thất thoát tài sản nhà nước, nhưng không linh hoạt theo nguyên tắc thị trường trong việc bán vốn tại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và các doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ là cổ đông thiểu số.

Ông dự báo thế nào về hoạt động bán vốn nhà nước trong thời gian tới?

Dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi, hoạt động sản xuất, kinh doanh qua thời kỳ khó khăn sẽ phục hồi và phát triển, thị trường chứng khoán sớm muộn cũng sẽ phục hồi khi nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo phát triển.

Nhưng muốn thoái được vốn nhà nước, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thì phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về thoái vốn, xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá khởi điểm vốn nhà nước khi đem bán…, làm sao vừa bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, không để thất thoát tài sản nhà nước, nhưng cũng phải bảo đảm linh hoạt theo nguyên tắc thị trường.

Chỉ có như vậy mới có thể thoái được vốn nhà nước tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần đầu tư, đặc biệt tại những doanh nghiệp hiện Nhà nước là cổ đông thiểu số, chỉ nắm giữ 10-20% tỷ lệ cổ phần.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục