Chủ tịch Richemont tạm “rời lái” dưỡng già?

(ĐTCK) “Sau 25 năm làm việc liên tục, quần quật, đi công cán như con thoi, tôi nghĩ, mình hoàn toàn có quyền được nghỉ ngơi” - Johann Rupert, Chủ tịch Compagnie Financière Richemont.
Johann Rupert. Johann Rupert.

Trong tuần qua, ông Johann Rupert, 62 tuổi, quốc tịch Nam Phi, người sáng lập, Chủ tịch Compagnie Financière Richemont, tập đoàn sản xuất đồng hồ cao cấp, đồ trang sức, kim hoàn lớn thứ 2 thế giới có trụ sở chính tại Thuỵ Sỹ (chỉ sau Louis Vuitton Moet Hennessy - LVMH của Pháp) đã có một quyết định bất ngờ. Đó là ông đình lại việc lãnh đạo, quản lý, bàn giao lại công việc cho người khác để nghỉ ngơi, đi du lịch trong một năm.

Phát biểu với báo giới, ông Johann Rupert thông báo sẽ dành toàn bộ thời gian cho các sở thích riêng của mình là đọc sách, du lịch và cái đích mà ông ưa thích là Nam Cực.

“Sau 25 năm làm việc liên tục, quần quật, đi công cán như con thoi, tôi nghĩ, mình hoàn toàn có quyền được nghỉ ngơi. Hay đúng hơn là có thể dành trọn thời gian 24/24h mỗi ngày trong cả năm cho cá nhân và gia đình. Trước hết để vui thú theo sở thích cá nhân là đọc sách, đánh golf và đi du lịch tuỳ hứng bất cứ đâu”, ông Johann Rupert nói và giới thiệu luôn 50 cuốn sách mà ông dự định sẽ đọc trong thời gian nghỉ an dưỡng.

Nhiều người cứ đoán già đoán non, không biết đằng sau động thái này còn có mục đích sâu xa gì nữa không và tại sao ông lại chọn đúng thời điểm này?

Một số người cho rằng, do bị sức ép công việc quá lớn lại triền miên, nên ông buộc phải nghỉ để xả stress. Một số khác lại nghi ngờ, không biết chừng có khi ông bị một bệnh nặng gì đó, nên muốn giấu và tìm cách đi chữa trị một cách bí mật để khỏi ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh lẫn giá cổ phiếu của Tập đoàn. 

Cũng có ý kiến cho rằng, ông muốn tách mình ra khỏi công việc hàng ngày để tư duy tìm ra chiến lược phát triển mới của Richemont. Lúc này, Richemont đang rất cần phải tái cơ cấu.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm tới 41% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đã ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại một cách trông thấy. Trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 31/3/2013), doanh thu của Richemont ở khu vực này chỉ tăng 5%, thấp hơn hẳn so với con số 46% của năm tài chính trước.

Tại Trung Quốc, một trong số 2 thị trường chính ở châu Á (bên cạnh Hồng Kông), Richemont đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm thuộc đẳng cấp cao. Đầu năm nay, ngay sau khi lên nắm quyền Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã ra lệnh cấm quan chức Trung Quốc tiêu xài các đồ hàng hiệu xa hoa, nên doanh thu của Richemont tại đây sụt giảm hẳn. Bút máy hạng sang Montblanc, đồng hồ IWC, Piaget, Cartier… đều bán chậm hơn trước nhiều.

Ra đời năm 1988, Richemont hiện sở hữu 19 thương hiệu nổi tiếng, trong đó hơn 50% có lịch sử tồn tại hơn 1 thế kỷ. Richemont đã phát triển dần thông qua việc M&A nhiều thương hiệu. Richemont hiện có 1.740 cửa hàng trên khắp thế giới, trong đó 1.014 do chính Tập đoàn điều hành, số còn lại hoạt động dưới dạng nhượng quyền thương mại.

Hiện Richemont có 4 mảng kinh doanh chính: Mảng thứ nhất là đồ trang sức, kim hoàn: gồm 3 thương hiệu lẫy lừng thế giới Cartier, Van Cleef và Arpels. Mảng đồng hồ gồm các thương hiệu A. Lange & Sohne, Baume & Mercier, IWC, Jaeger-LeCoultre,  Piaget, Roger DuBuis, Vacheron Constantin, Ralph Lauren... Mảng thương hiệu Monblanc.

Mảng cuối cùng là mảng tổng hợp, gồm các thương hiệu Alfred Dunhill, Chloé, Lancel, The Net-A-Porter Group, James Purdey & Sons, Shanghai Tang…

Bất luận vì lý do sâu xa gì, thì ông Johann Rupert cũng đã chuẩn bị, sắp xếp đâu vào đấy bộ máy nhân sự điều hành thay mình. Cách đây 2 tháng, ông thôi chức Giám đốc điều hành (CEO), nhường lại cho 2 đồng CEO mới là Bernard Fornas và Richard Lepeu. Còn nay chức Chủ tịch, ông trao cho Yves-Andre Istel, Phó chủ tịch đảm nhiệm.

Đầu tuần trước, theo Bloomberg Billionaires Index (Mỹ), với tổng tài sản ước đạt 8,2 tỷ USD, Johann Rupert đã vượt Nicky Oppenheimeras (với 7,4 tỷ USD), trở thành tỷ phú giàu nhất Nam Phi. Tức là tiền với ông bây giờ không phải là vấn đề.  Kết quả kinh doanh của Richemont cũng vẫn khá khả quan. Trong năm tài chính vừa qua, doanh thu của Richemont đạt 10,1 tỷ euro (gần 13 tỷ USD), tăng 14% so với năm tài chính trước; lợi nhuận cũng tăng 18% đạt 2,4 tỷ euro. Ngay sau khi có thông tin Johann Rupert nghỉ an dưỡng, giá cổ phiếu của Richemont tại Sở GDCK Zurich (Thuỵ Sỹ) lại tăng mạnh tới hơn 6%, lên mức trên 88 franc Thuỵ Sỹ/cổ phiếu. Với kết quả này, giá  trị vốn hoá thị trường của Richemont ước đạt 50,6 tỷ franc Thuỵ Sỹ (52 tỷ USD). Vậy nếu chỉ xét trên khía cạnh tài chính, kinh doanh, thì rõ ràng Johann Rupert chẳng có lý do nào phải lo lắng, buồn phiền.

Trước những lời đồn đoán, suy diễn của dư luận, ông chỉ nói bâng quơ rằng: “Tôi muốn làm chủ thời gian của mình. Thật là nực cười, khi người kinh doanh đồng hồ mà chẳng kiểm soát được thời gian quý báu của chính mình”.   


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục