Kiên trì quan điểm cần thiết xây dựng Luật Hành chính công, Luật Dịch vụ công, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cùng lúc chất vấn cả Thủ tướng và đại biểu Quốc hội về thời điểm ban hành.
Sáng 9/11 từ vị trí điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng dậy trả lời chất vấn trực tiếp. Đây cũng có thể coi là điểm nhấn trong hoạt động chất vấn của Quốc hội, bởi thông thường, người lên "ghế nóng" thường là các thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Người chất vấn, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng là đại biểu hiếm hoi có sáng kiến lập pháp về Luật Hành chính công, và cũng từng làm trưởng ban soạn thảo dự án luật này. Hai năm trước, việc này đã được xem như một dấu ấn rất mới trong công tác lập pháp của Việt Nam, trong bối cảnh hầu hết các dự luật do Chính phủ trình và bộ trưởng làm trưởng ban soạn thảo.
Nhưng sau đó, dự án Luật Hành chính công phải dừng, vì chưa đủ điều kiện trình Quốc hội. Không nản, đại biểu Khánh tiếp tục đề xuất xây dựng Luật Dịch vụ công, nhưng cũng chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Chiều 6/11, đại biểu Khánh đăng ký chất vấn và nêu vấn đề: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các quốc gia phải ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong công tác lập pháp, quản lý, điều hành nền hành chính và tổ chức cung ứng dịch vụ công chưa nghiên cứu, ứng dụng các luận cứ khoa học quản lý về hành chính công và dịch vụ công nên hệ thống pháp luật chưa thực sự minh bạch, rõ ràng về công và tư, chồng chéo, chưa đồng bộ với pháp luật về đầu tư công, quản lý tài chính công và tài sản công. Đó là nguyên nhân cốt lõi để giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn thời gian vừa qua.
Đại biểu Đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho biết, bao giờ sẽ thống nhất chỉ đạo các Bộ chức năng xây dựng, trình dự án Luật Hành chính công, Luật Dịch vụ công đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo nghị quyết của Đảng?
Trả lời đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Tất cả đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV đều nhận biết được sự kiên trì của đại biểu trong sáng kiến đề xuất xây dựng pháp luật, đó là Luật Hành chính công và sau này chuyển thành Dịch vụ công. Sau nhiều lần trao đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất, thấy rằng chưa thể ban hành luật này.
Lý do được Chủ tịch Quốc hội nêu sau đó là, các quy định về hành chính công đều đã được quy định trong từng dự án luật. Trong dự thảo luật mà đại biểu Khánh đã chuẩn bị chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm và vì thế chưa thể ban hành được, chưa thể trình Quốc hội.
"Tuy nhiên, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao sự kiên trì của đại biểu và lúc đầu chúng tôi đã tổ chức bố trí đầy đủ điều kiện để cho Ban soạn thảo nghiên cứu làm việc. Tuy nhiên, vì những lý do trên cho tới nay chưa trình Quốc hội được" - Chủ tịch Quốc hội trả lời.
Chủ tịch cũng nói thêm, nếu như đại biểu thấy chưa thỏa đáng thì Thủ tướng sẽ tiếp tục trả lời vào sáng 10/11.
Tiếp tục đăng đàn, đại biểu Khánh nhấn mạnh vấn đề hành chính công, dịch vụ công cần được luật hóa như các nước có nền kinh tế thị trường.
"Chúng ta đang triển khai nghị quyết của Đảng nên cần phải thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về hành chính công, dịch vụ công để hoàn thiện thể chế pháp lý trong cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tránh việc nhiều đồng chí đang ở lĩnh vực doanh nghiệp mà vào làm lãnh đạo quản lý là bị vi phạm rất nhiều" - đại biểu Khánh nhấn thêm sự cần thiết ban hành luật Dịch vụ công.