
Trong thư gửi nhân sự tại Masan, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn Masan cho biết, mức thuế quan được đề xuất của Mỹ sẽ có tác động rất hạn chế đến hoạt động kinh doanh và triển vọng của Masan (mã MSN).
Các nguyên nhân được đưa ra bao gồm: thị trường Mỹ hiện chỉ đóng góp chưa đến 1% vào tổng doanh thu của Masan Consumer (mã MCH) – mảng kinh doanh hàng tiêu dùng cốt lõi của tập đoàn.
Các sản phẩm chủ lực của Masan High-Tech Materials (mã MSR) (mảng vật liệu công nghệ cao) hiện đang được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan mà Mỹ đã công bố.
Về mặt cạnh tranh nội địa, giá các mặt hàng thiết yếu tại hệ thống bán lẻ WinCommerce (bao gồm WinMart/WinMart+/WIN) vẫn duy trì được tính cạnh tranh so với các kênh bán lẻ khác trên thị trường.
Việc Việt Nam đề nghị mức thuế 0% đối với hàng hóa từ Mỹ có thể mang lại lợi ích gián tiếp. Ông Quang cho rằng, điều này sẽ giúp giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho ngành thực phẩm tiện lợi và thịt của Masan, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất chung.
Chiến lược ứng phó với những diễn biến bất định từ thị trường được ông Quang đưa ra là triển khai chiến lược giá một cách linh hoạt, bám sát tình hình thực tế và cấu trúc danh mục sản phẩm phù hợp để giảm thiểu bất kỳ tác động nào đến tâm lý tiêu dùng.
Cũng trong ngày 8/4, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HALG - mã HAG) cũng gửi tâm thư tới các cổ đông và nhà đầu tư.
Ông Đức khẳng định, chính sách thuế được ông Donald Trump đề cập không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu chính của Công ty.
Cụ thể, mặt hàng Chuối của HAGL chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; theo đó, Công ty hoàn toàn không xuất khẩu hàng hóa qua thị trường Mỹ.
Đối với hàng hóa xuất khẩu đi Hàn Quốc và Nhật Bản, giá xuất khẩu được chốt ổn định theo năm. Đối với hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc, giá xuất khẩu được chốt bán theo tuần, đặc biệt giá xuất khẩu tuần này Công ty đã chốt hơn 12 USD/thùng, cao hơn tuần trước 10%. Điều này chứng tỏ chính sách áp thuế vào thị trường Mỹ hoàn toàn không ảnh hưởng đến giá xuất khẩu hàng hóa của Công ty.
Ngoài ra, việc tỷ giá USD liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua cũng mang lại kết quả tích cực đối với doanh thu xuất khẩu của HAGL khi phần lớn chi phí đầu vào của Công ty đều bằng tiền VND.
“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến chính sách quốc tế và sẽ chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh khi cần thiết để bảo vệ lợi ích chung của Công ty cũng như quý cổ đông. Đồng thời, các hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty vẫn đang diễn ra ổn định và đúng kế hoạch”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo báo cáo nhanh bình luận về động thái áp thuế từ Mỹ và tác động tới Việt Nam, VCBS cho rằng, ngành chịu tổn thương rõ nét nhất là dệt may. Các doanh nghiệp như May Sông Hồng (MSH), TNG và Tập đoàn Dệt May (VGT) có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lần lượt là 80%, 46% và 35%, nên việc mức thuế tăng lên đến 18,8% khiến khả năng cạnh tranh sụt giảm nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc Mỹ dành ưu đãi thuế thấp hơn cho Ấn Độ và Bangladesh khiến dệt may Việt Nam gặp thêm bất lợi.
Xây dựng và chứng khoán cũng chịu áp lực nặng nề. Trong đó, ngành chứng khoán (SSI, HCM, SHS, VIX) bị đánh giá từ tiêu cực đến rất tiêu cực. Lãi suất cao khiến dòng tiền đầu tư suy yếu, thanh khoản thị trường giảm mạnh. Một số công ty có vốn chủ sở hữu lớn hơn có thể trụ vững hơn, nhưng nhìn chung triển vọng ngành vẫn ảm đạm trong ngắn hạn.