Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam: “Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn cần giãn ra”

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tại hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8. Ảnh: Chí Cường

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, đối với các nước phát triển thường áp dụng phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo mức thuế tuyệt đối (mức tiền cụ thể cho một lít rượu, bia) hoặc phương pháp hỗn hợp (kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối). Đối với các nước đang phát triển thường áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp hoặc theo tỷ lệ tương đối. Hiện nay các nước Lào, Campuchia, Myanmar… áp dụng thuế theo tỷ lệ tương đối như Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai, Việt Nam sẽ nghiên cứu chuyển sang phương pháp tổng hợp.

“Ban soạn thảo đã quyết định tính thuế theo phương pháp tương đối theo tỷ lệ. Trong điều kiện thực tiễn hoạt động kinh doanh của ngành rượu, bia của Việt Nam hiện nay, tôi đồng thuận với dự thảo luật lần này, lựa chọn sản phẩm thuốc lá áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp; đối với các sản phẩm khác, trong đó có rượu, bia, áp dụng phương pháp tương đối và sẽ áp dụng phương pháp hỗn hợp trong tương lai gần theo lộ trình”, bà Cúc chia sẻ.

Về thuế suất, theo Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, đối với mặt hàng rượu, bia quy định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

“Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận quan điểm tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm đối với rượu, bia theo lộ trình trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia, hạn chế tiêu dùng, góp phần giảm thiểu mặt tác hại của sử dụng rượu bia quá liều; đảm bảo sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Nhằm tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc do tăng nhanh, đột ngột”, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam kiến nghị.

Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Chí Cường

Bà Cúc cho rằng, đưa ra chính sách thuế cực kỳ khó để hài hòa các mục tiêu, nên cần làm rõ các yếu tố để lựa chọn phương án. Mục tiêu hạn chế tiêu dùng, tăng giá rượu bia, tăng ngân sách nhà nước nhưng nếu đưa ra chính sách bất hợp lý thì mục tiêu không đảm bảo được. Nếu giá tăng cao, người tiêu dùng có thể chuyển sang dùng hàng lậu như bài học ở Malaysia, quốc gia này tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cao và ba nhà máy sản xuất thuốc lá của nước này phải đóng cửa vì hàng lậu tăng lên.

Hiện nay, nhiều trường hợp người tiêu dùng bị ngộ độc do dùng rượu dẫn đến tử vong chủ yếu từ sử dụng rượu phi chính thức. Vì vậy, cần tăng cường thêm biện pháp quản lý rượu bia nhập lậu và đặc biệt là rượu do dân nấu, rượu sản xuất, mua bán bất hợp pháp, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng; kể cả pha chế bằng cồn Methanol công nghiệp có thể gây độc với các cơ quan nội tạng, hệ thần kinh và thị giác có thể gây chết người. Đối với rượu tự nấu đảm bảo chất lượng, cấp đăng ký sản xuất kinh doanh, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng...

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị khi luật đưa ra phải rõ ràng, minh bạch để chính sách đi vào cuộc sống, hài hòa các mục tiêu. Tăng thuế phải có lộ trình.

Bà Cúc phân tích, thuế tiêu thụ đặc biệt đã được nhiều lần điều chỉnh tăng lên, năm cao nhất là tăng 11%, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước, như năm nay đóng góp khoảng 60.000 tỷ đồng, không phải khoản thu lớn. Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn là rượu từ 20 độ trở lên và bia theo phương án 1 năm 2026 tăng từ 65% lên 70% (năm đầu tiên tăng lên 5%), mỗi năm sau đó tăng 5%, đến năm 2030 là 90%

Phương án 2, năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 80 % (tăng 15% so với hiện hành), mỗi năm sau đó tăng 5%, đến năm 2030 là 100%.

“Lộ trình tăng thuế như vậy dày quá, tôi cho rằng cần giãn ra để nhà sản xuất và chuỗi cung ứng có thời gian chuẩn bị để không bị sốc vì tăng nhanh. Chúng ta thống nhất tăng thuế nhưng cần có lộ trình”, bà Cúc chia sẻ.

Theo bà Cúc, thời điểm bắt đầu tính thuế tăng năm 2027, lùi lại một năm theo đề xuất năm 2026, đó là ý kiến hay. Các doanh nghiệp đều mong muốn kéo dài thời gian áp dụng ra, giúp họ ổn định phục hồi sau Covid-19 nhưng cần tính toán đến các yếu tố ngân sách, các thuế khác.

“Tôi nghĩ khó được chấp nhận, nhưng nếu được chấp nhận sẽ có lợi cho doanh nghiệp để có thời gian chuẩn bị tốt”, bà Nguyễn Thị Cúc bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh tính thuế cao với sản phẩm đồ uống có cồn, cần phải quản lý rượu bất hợp pháp, xây dựng các thương hiệu rượu đặc sản vùng miền như rượu Làng Vân, nếu đủ tầm sẽ là thương hiệu tốt, tiến tới nộp thuế để có công bằng trong sản xuất kinh doanh cùng một ngành hàng, tránh tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, thiếu tính ổn định.

Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đề nghị chọn phương án 1 của dự Luật, đồng thời cho giãn thời gian điều chỉnh tăng thuế suất 5% từ hàng năm lên tối thiểu là 2 năm. Thuế suất theo đề nghị như sau:

Rượu từ 20 độ trở lên và bia

- Năm 2026 điều chỉnh thuế suất từ 65% lên 70 % (tăng 5% so với hiện hành)

- Năm 2028 lên 75%

- Năm 2030 lên 80%

Rượu từ dưới 20

- Năm 2026 điều chỉnh thuế suất từ 35% lên 40 % (tăng 5% so với hiện hành)

- Năm 2028 lên 45%

- Năm 2030 lên 50%

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục