Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank nói gì về đại án gây thiệt hại hơn 2.755 tỷ đồng?

(ĐTCK) Liên quan đến việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa tống đạt cáo trạng truy tố 18 bị can trong vụ án Lifepro, gây thiệt hại lớn tại Agribank, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank chia sẻ với ĐTCK rằng: “Ngân hàng đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra”.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank

Ông có thể cho biết, quan điểm của Agribank về vụ án Lifepro?

Thực ra hôm nay mới có cáo trạng là muộn, vụ án được khởi tố từ ngày 19/9/2012 đến nay đã hơn 3 năm. Chúng tôi mong không chỉ bản cáo trạng này. mà các bản cáo trạng còn lại được cơ quan công tố công bố sớm hơn.

Thời gian qua thật là nặng nề đối với Agribank, biết bao nhiêu sự kiện đau buồn dồn dập đến với chúng tôi. Ngoài sự mất mát về con người, tài sản, thì uy tín và thương hiệu cũng ảnh hưởng đáng kể. Gần 40.000 cán bộ, nhân viên, người lao động Agribank đã và đang vật lộn ngày đêm thắt lưng buộc bụng khắc phục hậu quả.

Các bản cáo trạng công bố muộn càng làm cho nỗi đau của chúng tôi bị kéo dài thêm, người nghe tưởng như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua, lại càng cho việc lấy lại uy tín, thương hiệu thêm phần khó khăn. Cái gì đã xảy ra thì cũng xảy ra rồi, người vi phạm cũng đã bị bắt,  chúng tôi mong mọi vụ án đều được kết thúc minh bạch, khách quan, rõ người, rõ tội và đúng thời hạn để quá khứ sớm được khép lại, tập trung khắc phục hậu quả, hàn gắn viết thương hướng về tương lai để tồn tại và phát triển.

Về việc từng bước khắc phục hậu quả, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Sự việc được Agribank phát hiện ngay sau khi Thống đốc NHNN có quyết định điều chuyển Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc đi nhận nhiệm vụ khác. Với sự chỉ đạo của NHNN, Agribank đã chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra quyết liệt, tích cực xử lý hậu quả, truy tìm tài sản để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Chúng tôi đã thành lập các đoàn công tác tổ chức niêm phong, quản lý, bảo vệ nhà máy và các máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu và một số tài sản khác.

Bằng tài chính của mình, Agribank đã chủ động trích lập dự phòng và xử lý rủi ro để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Đến 31/12/2014, đã thu hồi và xử lý rủi ro được 2.947 tỷ đồng (trong đó thu hồi 5,39 tỷ đồng), dư nợ nội bảng còn 235 tỷ đồng. Có thể nói, về góc độ tài chính toàn ngành thì hậu quả đã cơ bản khắc phục.

"Tội phạm quốc tế trong quá trình hội nhập cũng là một tất yếu với các thủ đoạn tinh vi. Đây không chỉ là bài học cho Agribank mà cho các ngân hàng khác, các nhà quản lý"

Dư nợ nội bảng còn 235 tỷ đồng, nhưng tài sản bảo đảm là máy móc, thiết bị và vật tư hàng hóa Agribank đang quản lý được cơ quan thẩm định giá do Cơ quan cảnh sát điều tra trưng cầu, xác định trị giá 624 tỷ đồng. Kết thúc việc xét xử, Agribank sẽ tập trung phát mại để thu hồi nợ.

Về xử lý trách nhiệm cá nhân, trước khi khởi tố vụ án, Agribank đã kiểm điểm và xử lý các cán bộ có liên quan đến vụ việc. Toàn bộ cán bộ có liên quan đều bị kỷ luật như cách chức, miễn nhiệm chức vụ. Ngoài những cá nhân bị khởi tố, truy tố trong cáo trạng, toàn bộ 100% thành viên Hội đồng thành viên thời điểm đó đã bị Thống đốc NHNN thay thế.

Vậy, giải pháp phòng ngừa (quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả quản lý...) được Agribank đặt ra như thế nào sau vụ Lifepro?

Có câu “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại” hay “Thất bại là mẹ thành công”, thất bại của người đi trước là bài học cho người đi sau. Để khắc phục và chủ động phòng ngừa, Agribank đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, có thể khái quát một số việc như sau:

Một là, rà soát lại quá trình cho vay đối với Công ty Liên doanh Lifepro (đặc biệt là việc cho vay mua thương hiệu và quá trình chuyển tiền ra nước ngoài) khắc phục ngay những yếu kém trong nghiệp vụ cũng như trong quan hệ với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Hai là, Ngân hàng đã thuê công ty kiểm quốc tế đánh giá và thực hiện xây dựng dự án quản trị rủi ro toàn diện của Agribank; dự án nâng cao năng lực hoạt động của các chi nhánh do Ngân hàng Thế giới tài trợ được triển khai (hoàn thành năm 2013).

Ba là, trên cơ sở tư vấn của các dự án, Agribank xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện. Từ đối tượng đầu tư, phân khúc thị trường, công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt là cơ cấu lại mô hình tổ chức, nhân sự bộ máy của Hội đồng thành viên, Ban điều hành, kiểm tra, kiểm  soát và Bộ phận kiểm toán độc lập. Bộ máy quản trị điều hành, kiểm tra, kiểm soát của Agribank hiện nay cơ bản là mới được Thống đốc NHNN bổ xung từ tất cả các nguồn lực có thể của ngành ngân hàng, kể cả từ NHNN và các NHTM nhà nước khác.

Bốn là, ban hành mới hầu hết các cơ chế về quản trị, điều hành và quy chế nghiệp vụ cấp tín dụng như: quy định, quy trình cho vay, quy định về phân cấp quyết định cấp tín dụng, quy định về Hội đồng tín dụng, quy định về đảm bảo tiền vay..., đảm bảo cơ chế “ba tay” có người đề xuất, người kiểm soát, người phê duyệt, không ai một mình có thể giải quyết được tất cả các công đoạn.

Mỗi chức danh công việc, mỗi khâu trong quy trình nghiệp vụ đều được xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm pháp lý. Đặc biệt xác định trách nhiệm trong mối quan hệ giữa Trụ sở chính với chi nhánh, nâng cao vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Trụ sở chính đối với hoạt động của Chi nhánh. Các văn bản được ban hành bước đầu đã phát huy hiệu quả tốt.

Đến nay, Agribank đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu Đề án tái cơ cấu theo Quyết định của Thống đốc NHNN, hệ thống kiểm tra, kiểm soát được hoàn thiện, tỷ lệ nợ xấu còn 2,5%, tài chính ổn định. Agribank đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Cũng phải nói thêm rằng, để khắc phục các tổn thất trong thời gian qua Agribank hoàn toàn sử dụng bằng tài chính và sự chắt chiu “thắt lưng buộc bụng” của chính mình.

Vụ việc này một lần nữa cho thấy hoạt động của ngân hàng bên cạnh các quy trình quản lý chặt chẽ còn là câu chuyện nhân sự. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này tại Agribank giai đoạn hiện nay?

Đúng thế, kinh doanh ngân hàng là một ngành nghề kinh doanh đặc biệt. Rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào và có vô vàn nguyên nhân dẫn đến rủi ro. Thực tế trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, tăng trưởng nóng của nền kinh tế vừa qua nhiều khi kinh doanh bằng tiền cá nhân (có nghĩa là loại trừ yếu tố tham ô, tham nhũng, tiêu cực..) cũng nhiều người mất vốn, sạt nghiệp.

Ngay cán bộ ngân hàng có đồng tiền nhàn rỗi nhiều người cũng chỉ biết gửi ngân hàng chứ đâu có phải ai cũng biết kinh doanh, kể cả biết kinh doanh thì không phải lúc nào cũng có lãi. Cho nên câu chuyện nhân sự đối với ngành dịch vụ đầy rủi ro này cần phải được nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện hơn. Đánh giá khách quan về vụ án Lifepro này thôi cũng đã nói lên điều đó.

Tôi không phủ nhận nguyên nhân xảy ra vụ việc có yếu tố quy trình, quy chế chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, có yếu tố thiếu kiểm tra, kiểm soát và cả với một số trường hợp có yếu tố do lòng tham của con người, nhưng không thể phủ nhận hoạt động mua bán, chuyển nhượng thương hiệu là phổ biến trên thị trường thế giới và giá trị thương hiệu chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản phẩm nhưng lại quá mới mẻ đối với Việt Nam và hoàn toàn mới đối với Agribank. Dự án đã từng được cơ quan điều tra yêu cầu tạm ngừng triển khai để kiểm tra xác minh, kể cả nhân thân của chủ đầu tư sau đó tiếp tục cho phép.

Tôi không tin và nhiều người cũng không tin rằng. chỉ vì lợi ích cá nhân mà nguyên Tổng giám đốc Phạm Thanh Tân, Thành viên HĐTV Hoàng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Kiều Trong Tuyến... đã quyết định cho vay hàng chục triệu USD để mua thương hiệu. Ở đây có sự chủ quan do quá tự tin là khách hàng trung thực, thương vụ thành công, dự án sẽ hoạt động tốt và tiền ngân hàng cho vay sẽ thu được cả gốc và lãi...

Nhiều ý kiến cho rằng, vụ Lifepro không chỉ là bài học đối với riêng Agribank. Nhận định của ông như thế nào?

Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam là công ty có vốn nước ngoài do các cá nhân nước ngoài sở hữu. Việc quan hệ với công ty có vốn đầu tư nước ngoài và các giao dịch thương mại quốc tế là tất yếu trong quá trình hội nhập.

Đương nhiên, bọn tội phạm lợi dụng những sở hở, thiếu sót, yếu kém trong quá trình hội nhập để hoạt động đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Đây không chỉ là bài học cho Agribank mà cho tất cả các nhà quản lý và các ngân hàng khác. Nếu công tác cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài được kỹ lưỡng hơn thì cá nhân người nước ngoài không thể thực hiện được hành vi lừa đảo.

Vụ án sắp kết thúc nhưng kẻ chủ mưu, chiếm đoạt tài sản là cá nhân người nước ngoài vẫn ngoài vòng pháp luật. Agribank mong muốn cơ quan điều tra bằng nghiệp vụ riêng có và quan hệ hợp tác quốc tế chặt chẽ của mình sớm truy bắt được những bị can là người nước ngoài, truy tìm và thu hồi tài sản đã chiếm đoạt, giảm tổn thất cho Nhà nước.

Vụ việc kéo dài, máy móc, hàng hóa để lâu hư hỏng, không thanh lý được, thiệt hại tăng lên. Từ vụ án này chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan tố tụng sớm có quyết định xử lý tang, tài vật khi pháp lý đã rõ ràng để hạn chế thiệt hại không mong muốn cho các ngân hàng không may mắn như Agribank.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục