Chủ tịch HĐQT SHB: Ưu tiên chia cổ tức bằng tiền mặt trước, chia bằng cổ phiếu sau

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trả lời chất vấn của cổ đông tại ĐHCĐ thường niên năm 2024 liên quan đến nợ xấu ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, SHB luôn luôn minh bạch, phản ánh đúng thực trạng tình hình hoạt động.
Chủ tịch HĐQT SHB: Ưu tiên chia cổ tức bằng tiền mặt trước, chia bằng cổ phiếu sau

Theo ông Hiển, Bối cảnh kinh tế quốc tế và Việt Nam những năm gần đây rất khó khăn đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động doanh nghiệp, trong đó có hệ thống ngân hàng và điều này dẫn đến nợ xấu tăng. Tuy nhiên, SHB vẫn kiểm soát được tình hình tài chính và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngân hàng tập trung cao độ, toàn diện trong việc xử lý nợ xấu.

Chủ tịch SHB tiết lộ: “Từ nay đến hết tháng 9/2024, SHB sẽ thành lập các tổ từ hội sở đến từng chi nhánh để hỗ trợ xử lý nợ xấu. Kế hoạch tỷ lệ nợ xấu đưa ra là 2,7% nhưng ban lãnh đạo quyết tâm đưa xuống dưới 2,5%”.

Cũng theo ông Hiển, SHB là ngân hàng đầu tiên thực hiện chủ trương của Chính phủ khi thực hiện sáp nhập với một ngân hàng lâu đời và đã thành công (Habubank-PV). Đó là quá trình rất vất vả khi tập trung xử lý nợ. Đến bây giờ, Ngân hàng đã thực hiện sáp nhập và chuyển đổi thành công. “SHB tham gia vào các công trình trọng điểm thành công và giờ là ngân hàng có quy mô lớn của Việt Nam”, ông Hiển nói.

Về kế hoạch chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch SHB cho biết, cố gắng đàm phán, đảm bảo, thoả mãn yêu cầu của cả hai bên khi chuyển nhượng SHB nhưng luôn đặt lợi ích của cổ đông, Ngân hàng lên hàng đầu.

“Chuyển nhượng thấp sẽ rất nhanh nhưng lợi ích của các cổ đông lại bị thu hẹp. Chiến lược khi chuyển nhượng phải bền vững và ít nhất là trong trung hạn”, ông Hiển nói.

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển phát biểu tại ĐHĐCĐ 2024

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển phát biểu tại ĐHĐCĐ 2024

Đối với vấn đề chia cổ tức, Chủ tịch SHB cho biết, ưu tiên chia bằng tiền mặt trước, nhưng vẫn cần sự đồng ý của cơ quan nhà nước, sau đó chia bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ đông cũng có sự quan ngại khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu sẽ bị pha loãng.

Về vấn đề này, ông Hiển cho rằng: “Chúng ta là người chủ của Ngân hàng cũng cần phải chú ý đến việc nâng cao sức khoẻ của Ngân hàng, hay nói cách khác sự phát triển của Ngân hàng cần mang tính bền vững. Tăng vốn để đầu tư kinh doanh sẽ nâng được giá trị của ngân hàng và điều này giúp lợi ích của cổ đông được gia tăng bên cạnh sự phát triển, an toàn, bền vững. Mong muốn ngắn hạn nhưng tầm nhìn cần chiến lược trong trung và dài hạn”.

Liên quan đến câu hỏi về chiến lược năm 2024, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, kế hoạch kinh doanh, Ngân hàng đặt ra dựa trên cơ sở rõ ràng. Trong đó, có các sản phẩm cho từng phân khúc khách hàng, hoặc chuỗi cung ứng giá trị cho khách hàng doanh nghiệp hay khách hàng bán lẻ; phải giảm chi phí đầu vào… SHB cũng giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu đóng góp vào lợi nhuận 2024. Ngoài ra, Ngân hàng còn có dự án chuyển đổi số để tăng khách hàng, giảm chi phí vốn. Để minh chứng cho tính khả thi của kế hoạch 2024, bà Hà thông tin đến tháng 3/2024, lợi nhuận Ngân hàng đã đạt hơn 4.000 tỷ đồng.

Ông Hiển thông tin thêm, tăng trưởng tín dụng tiếp tục đảm bảo an toàn hệ thống, tuân thủ các tiêu chí, tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý nhà nước và Ngân hàng. SHB ký hợp tác chiến lược với các tập đoàn kinh tế hàng đầu của tư nhân và nhà nước trên nền tảng thế mạnh của hai bên trên cơ sở cùng nhau phát triển, mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn.

“SHB tập trung đưa những sản phẩm tiện ích hiện đại thoả mãn lựa chọn của khách hàng trên nền tảng tệp khách hàng lớn, chuỗi cung ứng giá trị, cải cách lấy khách hàng làm trung tâm, đẩy mạnh tài trợ chuỗi sinh thái và xuất nhập khẩu để tăng thu từ dịch vụ… Chúng tôi xác định bứt phá, đưa ra công nghệ chuyển đổi số cạnh tranh tạo ra sự khác biệt”, ông Hiển trả lời cổ đông.

Một vấn đề nhức nhối trong các mùa ĐHCĐ đó là câu chuyện về trụ sở chính, ông Hiển phân trần, SHB có khu đất kim cương đã mua 10 năm trước tại ngã tư Lý Thường kiệt, Hàng Bài… Ngân hàng đã làm thủ tục theo quy định của Nhà nước. Cơ bản các bước tiến độ tiếp theo được cơ quan quản lý chấp thuận theo quy định. Dự báo khả thi trong năm nay sẽ hoàn tất việc khởi công và khi hoàn tất, trụ sở sẽ là điểm nhấn.

“Trong năm nay SHB sẽ khởi công. Khoảng 3 năm nữa, SHB có trụ sở xứng tầm. SHB sẽ trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả cùng với trụ sở khánh thành khai trương”, ông Hiển nhấn mạnh

HĐQT của SHB nhận định, năm 2024, tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong bối cảnh đó, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22,2% so với mức thực hiện của năm 2023. Tổng tài sản dự kiến sẽ tăng 11,2%, lên 701.000 tỷ đồng; trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng tăng 14%, đạt 518.555 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức 3%.

Để thực hiện kế hoạch trên, Ngân hàng sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp, bao gồm: quản trị điều hành; thúc đẩy tài chính xanh, phát triển bền vững; phát triển khách hàng; cơ chế, chính sách quản trị rủi ro; tổ chức bộ máy, nhân sự và chuyển đổi số.

Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2023 và mức lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.900 tỷ đồng. HĐQT SHB thực hiện phương án chia cổ tức với tổng tỷ lệ 16% vốn điều lệ (tương ứng 5.859 tỷ đồng), gồm 5% bằng tiền mặt và 11% còn lại bằng cổ phiếu. Dự kiến sau khi hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên gần 40.658 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn tăng thêm sẽ được dùng chủ yếu vào mục đích cho vay doanh nghiệp, bao gồm cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định và cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án. Thời gian giải ngân dự kiến là quý 3 hoặc quý 4/2024 hoặc đến khi hoàn thành kế hoạch phát hành.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục