Năm 2020, QCG đặt kế hoạch doanh thu thuần 900 tỷ đồng và 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 5% và 28% so với kết quả đạt được năm trước.
Để hoàn thành kế hoạch, bà Loan chia sẻ, năm 2020, Công ty sẽ không đầu tư dàn trải mà chỉ tập trung nguồn lực vào một vài dự án đã hoàn thành pháp lý được 50% - 60% để bảo đảm nguồn thu.
QCG sẽ tiếp tục triển khai hoàn thiện dự án Lavida Plus (quận 7, TP.HCM) và dự kiến bàn giao cho khách hàng từ quý III/2020, hoàn thiện Block Thương mại Giai Việt (6 tầng thương mại, 21 tầng căn hộ bàn giao vào quý 2II/2020). Đồng thời, QCG cũng sẽ hoàn thành giao nhà dự án De Capella (quận 2) và dự án Premium Central (quận 8).
Ngoài các dự án dự kiến bàn giao trong năm 2020, QCG sẽ triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng và xây dựng nhà phố dự án Marina (TP. Đà Nẵng); hoàn thiện thủ tục điều chỉnh phê duyệt 1/500 đối với dự án Khu dân cư Đa Phước, Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh, TP.HCM); nộp hồ sơ xin phê duyệt mẫu nhà Dự án cụm B khu dân cư 13E; hoàn thiện pháp lý các dự án Khu Dân Cư Bắc Phước Kiển…
Bên cạnh mảng chính là bất động sản, Công ty cũng sẽ duy trì nguồn thu ổn định của các dự án thủy điện, vườn cao su cũng như mảng cho thuê trung tâm thương mại. Theo bà Loan, dù những mảng này không đem lại nguồn lợi nhuận vượt trội cho Công ty như bất động sản trong giai đoạn thuận lợi, nhưng trong bối cảnh hiện tại những mảng này giúp đem lại nguồn doanh thu ổn định cho Công ty.
Phần thảo luận
Dự án Bắc Phước Kiển, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, thì nay đang tới đâu. Công ty đầu tư vào đây đã chục năm rồi?
Công ty đã bỏ nhiều công sức vào đây. Trước khi đi đến đại hội, tôi đã gửi văn bản cho Thành uỷ, UBND Thành phố, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM. Đây là dự án tâm huyết, tôi xem đây là dự án như đứa con của mình.
Với dự án này, công ty cũng đã làm được 5/7 bước, chỉ định trúng thầu, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư năm 2015; duyệt quy hoạch 1/500 vào năm 2016; duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, được chấp thuận đầu tư dự án vào năm 2017. Bất kỳ một doanh nghiệp bất động sản nào thực hiện đến bước này đều rất vui mừng. Chấp thuận đầu tư này có thời hạn 3 năm, từ 1/8/2018 đến 1/8/2020, tức còn 1 tháng nữa là hết hạn.
Tháng 4/2019, dự án được chấp thuận đầu tư hạ tầng. Lý do vì phải có bước “chấp thuận đầu tư hạ tầng”, vì dự án lớn, tổng mức đầu tư 63.000 tỷ đồng, thì QCG phải ký quỹ 10% (theo Nghị định 71/2015) là 6.300 tỷ đồng. Không riêng dự án này của Công ty, mà tại TP.HCM còn có dự án Mũi Đèn Đỏ cũng được chấp thuận đầu tư hạ tầng.
Chúng tôi cũng đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường xin giao đất để thực hiện dự án, làm trước bước xây dựng hạ tầng, 1 năm sau chúng tôi mới nhận được câu trả lời, kết quả là chúng tôi vẫn chưa được giao đất.
Tháng 2/2020, thành phố có mời họp để tháo gỡ vướng mắc và sau đó có cuộc họp riêng giải quyết cho Quốc Cường Gia Lai, nhưng lại xảy ra một vấn đề mà khiến tôi cũng không biết đi về đâu với dự án này.
Cụ thể, Dự án không dược chấp thuận đầu tư hạ tầng mà chỉ mới chấp thuận đầu tư và Sở Tài nguyên và Môi trường không trả lời, chỉ hướng dẫn miệng rằng Sở Xây dựng trình chấp thuận đầu tư và đã được UBND Thành phố duyệt là chưa đúng quy trình.
Thậm chí, đối tác đã đồng ý đưa cho mình 2.800 tỷ đồng bởi vì mình đã có chấp thuận đầu tư, nhưng đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường nói không giao đất được, với lý do là có đất kênh rạch nằm trong đó, phải chờ ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
"Đến 1/8/2020, chấp thuận đầu tư hết hạn, khi đó xem như Quốc Cường Gia Lai không có năng lực làm, tới đó thì không biết dự án sẽ đi đâu về đâu. Đây không phải lỗi do QCG, các văn bản thủ tục đều có dấu đỏ. Giờ có chấp thuận đầu tư nhưng không giao đất, thì sao tính được tiền sử dụng đất và làm tiếp", bà Loan chia sẻ tại đại hội.
"Chưa kể đến vấn đề giải phóng mặt bằng, Công ty mới đền bù 30 – 40%. Từ 2015 đến nay, càng khổ hơn nữa, không có một ban ngành nào hỗ trợ. Đến nay, tôi rất đau khổ và lực bất tòng tâm, giờ không biết phải tiếp tục kêu ai", bà Loan cho biết thêm.
Theo bà Loan, đất nông nghiệp, người dân đòi 20 - 22 triệu đồng/m2, còn đất ở (Nhà nước cấp trên đường đi từ rất lâu, trong khi đất ở đúng nghĩa phải có lối vào, phải được cấp quyền sử dụng đất, phải xin được giấy phép xây dựng để xây nhà), người dân đòi 50 triệu đồng/m2.
Bà Loan cho biết, giờ đền bù xong dự án phải cần 2.000 - 2.500 tỷ đồng. Đất ở huyện Nhà Bè có đặc điểm là có kênh rạch, mà có kênh rạch thì không thể gỡ vướng được.
"Giờ có hướng theo tư vấn là Công ty xin huỷ Chấp thuận đầu tư, rồi tìm cách gỡ tiếp, còn không đến 1/8/2020, xem như Công ty không có khả năng thực hiện", bà Loan nói.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 không tích cực lắm. Năm 2019, Công ty đưa kế hoạch 1.200 tỷ đồng, thực hiện hơn 900 tỷ đồng. Nay đưa kế hoạch 900 tỷ đồng, thì có vẻ thụt lùi quá, trong khi năm nay có nhiều dự án có thể hạch toán doanh thu.
Ở những năm trước, Công ty đã đề ra kế hoạch kinh doanh cao nhưng không hoàn thành được. Đối với năm nay, Công ty lên kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng là mức tương đối an toàn để Công ty có thể hoàn thành hoặc vượt kế hoạch.
Tôi là cổ đông mua đất ở khu 6B Bình Chánh, trên hợp đồng kinh tế có ghi thời gian giao nền dự kiến 6 tháng từ ngày hợp đồng có hiệu lực, đến nay đã hơn 10 năm mà chưa nhận được. Tuy nhiên, trong tài liệu ĐHCĐ thì ghi dự án 6B là dự án xây dựng thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp lưu trú là sao?
Đây là câu hỏi mà năm nào tôi cũng được nhận từ vị cổ đông này. Tôi xin trả lời rằng, dự án 6B mà Công ty bán rơi vào 6 - 7 triệu đồng/m2 là đất đã đền bù xong. Thời điểm trước 2010, mức thuế đóng sử dụng đất rơi vào khoảng 300.000 đồng/m2, nhưng bây giờ đóng hơn mười mấy triệu/m2, Công ty không thể nào đóng để giao đất cho cổ đông và hiện tại đất khu 6B đã được xem là đất cây xanh. Nên công ty đã đề ra chính sách là đổi đất sang phường 7, quận 8.
Dù giá của phường 7, quận 8 đã lên đến 32 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại chúng tôi cũng không dám bán để có thể đổi nhà cho những người đã mua đất tại 6B. Hiện tại, số lượng người dân đồng ý đổi đất đã lên đến hơn 65/72 nền.