Cẩn trọng với đà tăng mã QCG

(ĐTCK) Giá cổ phiếu QCG trên đà leo dốc trở lại sau một đợt tăng mạnh diễn ra hồi đầu năm được kỳ vọng vào thương vụ chuyển nhượng 35% vốn tại CTCP Bất động sản Sông Mã. Trong khi đó, thương vụ này mang lại lợi ích rất nhỏ và hoạt động kinh doanh cốt lõi của QCG chưa có tiến triển tích cực hơn.
Cẩn trọng với đà tăng mã QCG

Ngày 29/5/2020, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) thông báo đã chuyển nhượng 35% vốn tại CTCP Bất động sản Sông Mã với giá trị 121,65 tỷ đồng, bên nhận chuyển nhượng là cá nhân bà Lê Thị Thanh Thuý.

Tại thời điểm 31/3/2020, QCG sở hữu 49,9% vốn của Công ty Sông Mã với giá trị khoản đầu tư là 166,4 tỷ đồng. Theo đó, giá vốn của 35% cổ phần đã chuyển nhượng là 116,7 tỷ đồng.

Sau giao dịch trên, QCG còn sở hữu 14,9% vốn tại Công ty Sông Mã và ghi nhận mức chênh lệch chỉ 4,94 tỷ đồng.

Trước đó, HĐQT QCG đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 49,9% vốn, tương đương gần 4 triệu cổ phần tại Công ty Sông Mã với giá chuyển nhượng tối thiểu 172 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu đặt ra, thương vụ chuyển nhượng đã không đạt lợi nhuận kỳ vọng.

Cùng kỳ năm ngoái, quý II/2019, QCG đạt doanh thu tài chính 11,4 tỷ đồng, lợi nhuận tài chính 10,9 tỷ đồng. QCG đạt 31,4 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý II/2019, trong đó hoạt động tài chính đóng góp tỷ trọng khá lớn.

Sang quý II năm nay, nếu không có hoạt động tài chính đáng kể nào khác, lợi nhuận của QCG sẽ đến thuần túy từ hoạt động kinh doanh.

Trong quý I/2020, QCG ghi nhận doanh thu 81,3 tỷ đồng, giảm 78,5% so với cùng kỳ 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 441%, đạt 30,3 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tài chính đạt 35,98 tỷ đồng, tăng 2.299% so với cùng kỳ.

Theo QCG, doanh thu tài chính tăng đột biến chủ yếu đến từ lãi chuyển nhượng vốn góp, đạt 32,8 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh của QCG vẫn âm tới 156,1 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu QCG diễn biến trồi sụt theo thông tin về kết quả kinh doanh. Cụ thể, từ 26/2 đến 1/4, thị giá QCG đã tăng từ 3.710 đồng/cổ phiếu lên 10.800 đồng/cổ phiếu, trước khi giảm trở lại về mức 5.000 đồng/cổ phiếu.

Từ đó đến nay, cổ phiếu này đang trên đà leo dốc, đóng cửa phiên giao dịch 3/6 ở mức 7.700 đồng/cổ phiếu.

Trong 2 năm gần đây, QCG liên tục thoái vốn tại các đơn vị thành viên. Lần gần nhất vào ngày 7/4, Công ty công bố đã hoàn tất chuyển nhượng 56% cổ phần tại CTCP Bất động sản Hiệp Phúc, đơn vị sở hữu dự án Sông Đà Riverside. Chính nhờ thương vụ thoái vốn này mà QGC ghi nhận mức lãi ròng đột biến quý đầu năm nay.

Để lợi nhuận có thể tăng trưởng ổn định, bên cạnh tinh giản bộ máy, QCG cần phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là hàng tồn kho lớn.

Tính đến 31/3/2020, tồn kho của QCG là 8.045,6 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản. Mặc dù không thuyết minh cụ thể dự án nào, nhưng số liệu báo cáo tài chính cho thấy, QCG có giá trị hàng tồn kho là 7.766 tỷ đồng, trong đó 7.290,8 tỷ đồng là bất động sản dở dang tại các dự án Phước Kiển, Tân Thuận (Lavida), Thủ Thiêm (De Capalla Quận 2), Central Premium, Marina Đà Nẵng, Sông Đà Riverside..., trong đó dự án Phước Kiển chiếm trọng số lớn nhất.

Thực tế, dự án Phước Kiển gặp nhiều khó khăn do vướng thủ tục pháp lý kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng tới quá trình khai thác và sử dụng vốn. Nếu chưa tìm được lối thoát, rất khó để QCG duy trì hiệu quả.

Trong khi đó, việc thoái vốn tại các công ty liên kết ghi nhận doanh thu chỉ giúp cải thiện và tinh gọn bộ máy, giải quyết vấn đề bên ngoài, chứ không phải là câu chuyện lõi của hiệu quả doanh nghiệp.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục