Giải mã đà tăng phi mã cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai

(ĐTCK) Chỉ trong 8 phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai đã tăng phi mã lên tới hơn 56%, kết thúc phiên giao dịch 5/3, cổ phiếu dư mua trần 812.720 cổ phiếu và chưa có dấu hiệu ngừng tăng.
Giải mã đà tăng phi mã cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai

Một trong những nguyên nhân chính tạo cú hích cho QCG là kỳ vọng TP.HCM sẽ giúp Quốc Cường Gia Lai tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản bế tắc đã lâu sau cuộc gặp UBND thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp bất động sản của Thành phố vào cuối tháng 2 vừa qua.  

Hiện nay, QCG còn 6 dự án chờ được gỡ vướng, trong đó đặc biệt là dự án Phước Kiển với diện tích 91 ha, đây là dự án lớn, với doanh thu lên tới 50-70 nghìn tỷ đồng.

Giới đầu tư đang kỳ vọng dự án Phước Kiển hoặc 1 trong các dự án của QCG sẽ sớm được tiếp tục triển khai để doanh nghiệp có thể chuyển nhượng cho đối tác thu dòng tiền về hoặc ghi nhận doanh thu lợi nhuận.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận tính tại thời điểm cuối năm 2019, giá trị sổ sách của cổ phiếu QCG lên tới 15.619 đồng/CP, trong khi đó, mặc dù tăng trần 8 phiên liên tiếp nhưng giá cổ phiếu này hiện chỉ mới dừng lại tại 5.580 đồng/CP khi kết phiên 5/3. Đây cũng có thể là một tác nhân giúp nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu QCG sẽ tiếp tục tăng cao.

Trước đó, vào năm 2017, cổ phiếu QCG đã có một nhịp tăng mạnh từ vùng giá 4.400 đồng/CP lên gần 28.000 đồng/CP nhờ vào việc doanh nghiệp kỳ vọng sẽ triển khai được dự án Phước Kiển khi có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và được phê duyệt triển khai.

Được biết, dự án khu dân cư Phước Kiển có giá trị tồn kho tại thời điểm cuối năm 2016 là 4.201 tỷ đồng, chiếm 51,1% tổng tài sản của doanh nghiệp. Đây được coi là dự án trọng điểm duy trì đà tăng trưởng cho QCG trong dài hạn.

Đến quý I/2017, doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận 4.300 tỷ đồng tồn kho dự án Phước Kiển, tuy nhiên, đáng chú ý trong thời gian này QCG có nhận cọc 50 triệu USD chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho Tập đoàn Sunny.

Điều này đã làm nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng rằng QCG có thể khai thác được tài sản hiện hữu nhờ dòng tiền từ Công ty Sunny. Tuy nhiên, sau đó dự án gặp khó khăn về pháp lý, dự án Phước Kiển đã không thể triển khai và cổ phiếu QCG bắt đầu lao dốc trở lại.

Tính tới quý IV/2019, doanh nghiệp ghi nhận tồn kho dự án bất động sản là 8.032,6 tỷ đồng, chiếm 70,3% tổng tài sản. Mặc dù doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể từng dự án, tuy nhiên có thể nhìn vào lịch sử, đa phần hàng tồn kho vẫn là dự án Phước Kiển. Đối ứng, doanh nghiệp vẫn đang ghi nhận tiền của Sunny cho dự án Phước Kiển 2.882,8 tỷ đồng.

Sự thành hay bại của QCG phụ thuộc rất lớn vào dự án Phước Kiển có hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng và pháp lý hay không. Vướng mắc về giải phóng mặt bằng phụ thuộc vào quá trình đàm phán của QCG và người dân, ít liên quan đến Thành phố và QCG đã tắc ở khâu này nhiều năm nay. Nhưng với QCG còn nỗi lo ngại nhất định khi doanh nghiệp có tổng cộng 1.042 tỷ đồng mượn tiền từ 9 cá nhân và tổ chức liên quan.

Cá nhân cho QCG mượn tiền nhiều nhất là Lầu Đức Duy 412 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Quốc Cường 193 tỷ đồng… cho thấy các giao dịch khó lường nội bộ công ty. Trong khi đó, do đặc điểm là Công ty gia đình, nên việc quản trị doanh nghiệp không được đánh giá cao, kết quả kinh doanh và sự đi xuống của doanh nghiệp mấy năm qua cũng một phần vì sự thiếu hiệu quả trong mô hình gia đình như vậy.

Mặc dù là doanh nghiệp có tiếng ở Sài Gòn, tuy nhiên kết quả kinh doanh mấy năm gần đây của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) liên tục đi xuống từ cuối tháng 6/2017 tới nay, điều này cũng được phản ảnh vào giá chứng khoán khi cổ phiếu QCG giảm từ vùng 28.000 đồng/CP về 3.500 đồng/CP.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục