Mảng kinh doanh cốt lõi của Petroland không chỉ là bất động sản thương mại, mà còn là bất động sản đô thị, sẽ M&A quỹ đất từ 500 - 1.000 ha ngay trong năm 2022. Hiện Petroland cũng đang nhận được lời đề nghị hợp tác từ nhiều đối tác là quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Tấn Thụ, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí – Petroland (mã chứng khoán PTL) chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về kế hoạch tái cấu trúc toàn diện, đưa Công ty hồi phục trở lại và sẽ bứt phá về mọi mặt, hướng đến Top 10 đơn vị phát triển bất động sản, và vốn hoá tỷ USD vào năm 2025.
|
“Tôi muốn xây dựng nên một doanh nghiệp mà ở đó, mọi người đều có tham vọng và ước mơ lớn” – Ông Nguyễn Tấn Thụ, Chủ tịch HĐQT Petroland |
Petroland bất ngờ công bố mục tiêu vốn hoá tỷ USD trong khi hiện nay vốn hoá mới hơn 1.800 tỷ đồng, cơ sở nào, thưa ông?
2 yếu tố chính giúp Petroland đổi mới và bứt phá đến từ tiềm lực sẵn có của Petroland và sự đồng thuận cao của nhóm cổ đông mới.
Kế hoạch tái cấu trúc toàn diện Petroland đã chính thức khởi động, từ chiến lược phát triển quỹ đất, đến tái định vị thương hiệu và gia tăng giá trị vốn hoá thị trường. Qua đó Petroland sẽ được củng cố nền tảng, tăng năng lực cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Giai đoạn 2022 - 2025 là tiền đề cho sự phát triển bền vững của công ty, với mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 200%/năm về doanh thu và lợi nhuận trước thuế.
Trong đó, thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ điều hành cấp cao có tâm có tầm là “chìa khoá” để hiện thực hoá các tham vọng và chiến lược đề ra. Sắp tới, cổ đông sẽ nhìn thấy các nhân vật từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Vingroup, Novaland, Keppel Land, Mapletree… đầu quân về Petroland. Đây sẽ là một trong các lợi thế cạnh tranh của công ty sắp tới.
Nhiều người không thành công vì bởi họ cứ nghĩ mình không làm được. Petroland sẽ phát triển mạnh mẽ, không phụ thuộc vào hoàn cảnh khó khăn hiện tại.
Vậy bất động sản có tiếp tục là mảng cốt lõi và tiến trình tái cấu trúc sẽ được thực hiện ra sao?
Ngành nghề cốt lõi của Petroland vẫn là bất động sản, tập trung loại hình bất động sản thương mại và bất động sản đô thị.
Điều cần làm trước tiên là đưa công ty hồi phục trở lại, làm tiền đề để bứt phá về sau. Các chiến lược tổng thể cũng như lộ trình chi tiết đã được hoạch định. Cụ thể, với bất động sản thương mại, sẽ khai thác hàng loạt các tài sản đang sở hữu, triển khai xây dựng tiếp các toà nhà với quỹ đất hiện hữu để tạo dòng tiền ổn định.
Với bất động sản đô thị, Petroland lên kế hoạch mua vài dự án đô thị có quy mô tương đối lớn, phát triển các quỹ đất lớn sẵn có trên cả nước. Năm 2022, công ty sẽ mua, M&A quỹ đất từ 500 - 1.000 ha.
Song song đó, Công ty đẩy mạnh huy động nguồn vốn từ thị trường, mở rộng cơ cấu danh mục dự án và đầu tư sâu các dự án sẵn có nhằm gia tăng lợi nhuận.
Nhằm phù hợp với giai đoạn phát triển mới, Petroland cũng có chiến lược tái định vị và cấu trúc thương hiệu, thông qua việc thay đổi nhận diện thương hiệu, đổi tên công ty, thay đổi bộ tiêu chuẩn về giá trị cốt lõi.
Mục tiêu hướng đến là từng bước nâng cao vị thế thương hiệu, nâng cao năng lực tài chính, tăng trưởng quy mô tài sản, cải thiện hiệu quả kinh với tỷ suất lợi nhuận cao theo hướng tăng trưởng bền vững.
Đến thời điểm hiện tại, Petroland đã hoàn thiện việc tái cấu trúc mô hình quản trị, gồm nhân sự, hệ thống, vận hành… tiên tiến, minh bạch, qua đó tạo điều kiện để kết nối, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư dự án cùng đồng hành.
Còn chiến lược phát triển quỹ đất thì sao, thưa ông?
Đây là chiến lược xuyên suốt của Petroland, chúng tôi không ngừng tìm kiếm cơ hội mở rộng quỹ đất nhằm đảm bảo cho chiến lược phát triển trung và dài hạn.
Hiện tại, Petroland đang triển khai kế hoạch phát triển quỹ đất có quy mô lên đến vài ngàn ha tại các thành phố lớn và các tỉnh vệ tinh. Đây là quỹ đất tiềm năng để phát triển BĐS thương mại, đô thị quy mô lớn mang tính dấu ấn kiểu mẫu.
Petroland sẽ đẩy mạnh hợp tác đầu tư toàn diện với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm nhanh chóng thu gom quỹ đất lớn trong thời gian ngắn. Công ty sẽ ưu tiên những quỹ đất có vị trí đắc địa, pháp lý minh bạch, các đại đô thị đã và đang được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng trên cả nước để có thể bắt tay vào triển khai dự án ngay.
Điểm khác biệt của Petroland chính là “vai trò cầu nối” cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam – đối tượng không có lợi thế thông tin về quỹ đất, pháp lý…nên đây là rào cản lớn trong đầu tư của họ. Chính vì thế, Petroland sẽ hợp tác, đồng hành cũng các nhà đầu tư là quỹ đầu tư, đối tác phát triển bất động sản có tên tuổi trên thị trường như Deutsche Bank, Credit Suisse, Nomura Real Estate, Mitsubishi Corporation, Hankyu Hanshin,…
Ông có thể chia sẻ dự kiến kết quả kinh doanh năm 2021 và lộ trình cụ thể cho vốn hoá tỷ USD ra sao?
Như năm nay, dù mới tiếp nhận công ty nhưng HĐQT mới đã quyết liệt giải quyết các vấn đề tồn đọng, cấu trúc lại mô hình kinh doanh. Để thực hiện cam kết với ĐHCĐ, chúng tôi nỗ lực cải thiện kết quả kinh doanh ngay trong quý 4, ước tính lợi nhuận tăng gần 15 lần so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm 2021, dự kiến doanh thu gấp 2,3 lần và lợi nhuận đạt khoảng 343% mục tiêu lợi nhuận của năm 2021.
Petroland có lộ trình rõ ràng cho chiến lược vốn hóa tỷ USD, và cụ thể hóa bằng từng hành động chiến lược cho mỗi giai đoạn như 1 tỷ USD vào năm 2023 và 5 tỷ USD vào năm 2030.
Nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng trung và dài hạn, Petroland hướng đến đa dạng hóa cách thức huy động vốn, như từ quỹ đầu tư, thông qua thị trường chứng khoán, hợp tác kinh doanh cùng các đối tác.
Hiện Petroland có ít nhất 3 lời đề nghị hợp tác từ các nhà đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây.
HĐQT Petroland hiểu rằng, để tạo được niềm tin, uy tín với các bên có liên quan, thì tính minh bạch là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi đang trao đổi và sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với một trong bốn công ty tư vấn chiến lược và tư kiểm toán hàng đầu thế giới - Big4 - nhằm mang tới sự minh bạch, khách quan và công tâm, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào Petroland.