Petroland (PTL) xin hủy niêm yết tự nguyện, cổ phiếu tăng phi mã dù Công ty chìm trong thua lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 11 năm lên sàn, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị Dầu khí Petroland (mã HOSE: PTL) lấy ý kiến cổ đông về việc xin hủy niêm yết.
Petroland (PTL) xin hủy niêm yết tự nguyện, cổ phiếu tăng phi mã dù Công ty chìm trong thua lỗ

Được thành lập vào năm 2007, Petroland niêm yết 100 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán PTL trên sàn HOSE từ cuối năm 2010, với mức giá trong phiên giao dịch đầu tiên là 25.000 đồng/cổ phiếu.

Sau khi lên sàn và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận kỷ lục vào năm 2011, hoạt động kinh doanh của Petroland lao dốc không phanh kể từ năm 2012 với lý do thị trường bất động sản trầm lắng, và tính cạnh tranh cao. Tính cuối quý III/2021, lỗ luỹ kế PTL là 275 tỷ đồng tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh tụt dốc cùng lùm xùm, tai tiếng liên quan tới lãnh đạo Công ty khiến cổ phiếu PTL lao dốc sau đó. Có thời điểm xuống dưới 2.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó chủ yếu giao dịch trên dưới 4.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7/2021, đến đầu tháng 8/2021, cổ phiếu này nổi sóng tăng dựng đứng từ ngưỡng 4.000 đồng lên trên mệnh giá.

Hiện thị giá PTL đang ở mức 10.100 đồng/cổ phiếu. Trong nhiều năm liền, cổ phiếu Petroland liên tục nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là con số âm.

Đến thời điểm hiện tại, Petroland chỉ mới hoàn thiện được 4 dự án lớn là chung cư Petroland quận 2, chung cư Mỹ Phú, Trung tâm Thương mại Tài chính Dầu khí Phú Mỹ Hưng (Petroland Tower) và Khu phức hợp 30/4. Hoạt động kinh doanh của Petroland những năm gần đây khá nghèo nàn, các dự án tiềm năng hầu như đóng băng, buộc doanh nghiệp tính đến chuyện thoái vốn, bán đất tại nhiều dự án mới.

Gần đây, doanh nghiệp này trầy trật mãi mới hoàn tất công tác đấu giá chuyển nhượng các lô đất còn lại thuộc dự án Khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu (diện tích 69,5 ha, TP. Vũng Tàu) sau hơn 10 năm (góp phần mang lại kết quả kinh doanh đột biến trong quý II/2021).

Nguồn thu chủ yếu của Petroland đến từ hoạt động cho thuê văn phòng, hợp tác kinh doanh, quản lý tòa nhà, quản lý chung cư và kinh doanh bất động sản thứ cấp. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của các hoạt động này không cao, lợi nhuận mang về chẳng đáng là bao...

Hồi tháng 4/2021, Petroland còn bị Cục thuế TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính và truy thuế 6,6 tỷ đồng.

Nhân sự cấp cao của Petroland cũng dính nhiều tai tiếng, lùm xùm. Ông Bùi Minh Chính, cựu Chủ tịch HĐQT Petroland bị bắt từ cuối năm 2019 và để lại khoản lỗ “khổng lồ”. Ông Bùi Minh Chính đã bị tuyên án 7 năm tù vì tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và đang chờ xử phúc thẩm.

Cuối năm 2020, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp tiếp tục có nhiều biến động sau khi PV Oil thoái vốn. Hiện Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) vẫn là cổ đông lớn nhất tại Petroland, nắm giữ 36% vốn.

Mới đây, nhằm mục đích giảm tỷ lệ sở hữu, CTCP Dịch vụ và Đầu tư bất động sản Ngôi sao Phương Nam đăng ký bán 11 triệu cổ phiếu PTL từ ngày 05/11- 04/12/2021.

Nếu thương vụ thành công, Ngôi sao Phương Nam sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại PTL từ 11,22% xuống còn 0,2% (228.200 cổ phiếu). Với thị giá hiện nay, cổ đông lớn này có thể thu về khoảng 110 tỷ đồng.

Được biết, ông Nguyễn Tấn Thụ - Chủ tịch HĐQT PTL, hiện đang là Tổng giám đốc tại Ngôi sao Phương Nam.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục