Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long cho biết, thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn mất thanh khoản, mất niềm tin. Nam Long đã nỗ lực nhưng có vấn đề pháp lý trong ghi nhận doanh thu lợi nhuận theo chuẩn mực chưa đáp ứng được nên chưa đạt kế hoạch dù doanh thu đó chuyển sang năm sau.
Điểm sáng năm 2023 là Nam Long từng bước hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng Dragon Growth Transformation. Nam Long có chính sách đột phá về bán hàng kết hợp với ngân hàng đối tác thi công nội thất đồng hành đưa sản phẩm Nam Long có giá thấp nhất và các cư dân của Nam Long được tận hưởng các tiện ích dịch vụ với giá tốt nhất.
Điểm lớn tiếp theo là phát triển các Khu đô thị tích hợp, phê chuẩn tiêu chuẩn các dịch vụ tiện ích cho đô thị Nam Long như trường học, bệnh viện, khu thể thao, xe bus.
Năm 2024, ông Quang cho biết, thách thức là lệch pha cung cầu tại các phân khúc bất động sản khác nhau, khủng hoảng niềm tin khi các vấn đề khủng hoảng nợ vẫn tiềm ẩn, thu nhập khách hàng suy giảm cộng hàng tồn kho. Khủng hoảng nợ vẫn còn đó, trái phiếu nợ vẫn còn dai dẳng đến 2025-2026. Pháp lý các dự án đều chậm.
Cơ hội thị trường, được Nam Long đánh giá là vấn đề nhập cư vấn đề đô thị hóa tăng nhanh nên nhu cầu ở thật tăng nhanh. Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà giảm còn thấp hơn lãi suất trước covid, có thể cạnh tranh với lãi suất các nước trong khu vực.
Nhưng điểm thuận lợi lớn là Chính phủ đang rất nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Năm 2024, Nam Long tiếp tục định hướng phát triển theo mô hình tập đoàn bất động sản tích hợp với các nhiệm vụ lõi ở 3 mảng kinh doanh chính:
Mảng Phát triển đất, dự án nhà ở và khu đô thị: Tiếp tục tập trung triển khai các dự án và dự án thành phần của các khu đô thị tích hợp gồm Mizuki Park 26 ha (Bình Chánh), Waterpoint giai đoạn 1 165 ha (Bến Lức, Long An), Akari City 8,5 ha (Bình Tân), EHome Southgate, Izumi City 170 ha (Đồng Nai), Nam Long Central Lake 43 ha (Cần Thơ). Song song đó, Tập đoàn cũng dành ra ngân sách để tiếp tục tạo quỹ đất sạch và phát triển quỹ đất đô thị mới trong dài hạn.
Mảng Phát triển bất động sản thương mại: Đẩy mạnh các kế hoạch phát triển tiện ích đô thị (city facilities) tại các khu đô thị tích hợp. Trong năm nay, một số tiện ích tại khu đô thị tích hợp Waterpoint sẽ được triển khai và đưa vào vận hành như trường song ngữ quốc tế EMASI Plus, Cửa hàng thực phẩm tiện lợi San Hà (SanHa Food), phòng khám đa khoa Sài Gòn- Waterpoint, trường mầm non Wisdomland…
Mảng đầu tư, huy động vốn: Nâng cao khả năng huy động vốn và tối ưu hóa nguồn vốn, duy trì nền tảng tài chính vững chắc. Duy trì sự hợp tác dài hạn với các đối tác lâu năm, mở rộng các cơ hội thu hút đầu tư từ bên thứ ba phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Tập đoàn.
|
Nam Long kiên định định hướng thị trường sản phẩm tập trung là dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, không chỉ là vừa túi tiền của giá bán nhà mà còn ở giá dịch vụ, ở các gói tài chính. Xử lý hàng tồn kho, nợ quá hạn và tình trạng khách hàng thanh lý hợp đồng. Nam Long sẽ tạo doanh thu lợi nhuận qua nhiều mảng kinh doanh khác nhau ngoài doanh thu từ bất động sản nhà ở (bá vốn, phân khu dự án, bất động sản thương mại).
Kế hoạch tài chính phải cân đối cấu trúc vốn, cân đối dòng tiền, tập trung công tác ưu tiên và công tác tiền phát triển dự án. Quản lý các khoản vay chuyên nghiệp, đa dạng hóa nguồn vốn. Về pháp lý, năm 2024, Nam Long sẽ tập trung mở khoá pháp lý các dự án trọng điểm gồm Izumi, Paragon, VCD Giai đoạn 2.
Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long cho biết, năm nay, Nam Long đặt kế hoạch đạt doanh thu 6.657 tỷ đồng, gấp 2,1 lần thực hiện năm 2023. Doanh thu chủ yếu đến từ việc ghi nhận từ bàn giao tại các dự án trọng điểm bao gồm: Akari City, Nam Long Cần Thơ, EhomeS Cần Thơ, EhomeS MR1, Izumi, Southgate; cung cấp dịch vụ quản lý dự án và bán hàng cho các công ty liên doanh, liên kết và bán các tài sản thương mại tại các dự án. Công ty ước tính doanh số pre sales sẽ đạt khoảng 9.554 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ kế hoạch tăng 5% so với năm 2023, ước đạt 506 tỷ đồng. Được biết, trong quý 1 vừa qua doanh số pre sale của Nam Long là 1.160 tỷ đồng.
Thông tin tích cực trong phần thảo luận là các dự án của Nam Long đang vướng về pháp lý đều đang có hướng tháo gỡ cụ thể. Dự án Izumi cùng 3 dự án doanh nghiệp khác trong tổng thể khu đô thị Long Hưng, Aqua City đang được Chính phủ lập ban chỉ đạo để trực tiếp tháo gỡ pháp lý. Kỳ vọng quý IV được phê duyệt quy hoạch 1/2000. Dự án Đại Phước tin vui là có thể được gia hạn giấy phép đầu tư đến 2027 và đang trình quy hoạch mới. Với dự án Cần Thơ, năm 2023 công ty đã đóng tiền sử dụng đất và sau khi khấu trừ sẽ đóng phần còn lại để ghi nhận doanh thu trong quý II này. Với dự án Southgate ở Long An trải đều ở các sản phẩm nhà phố biệt thự và dinh thự, công ty chuẩn bị đưa ra phân khu mới với giá và chính sách phù hợp với nhu cầu và khả năng của khách hàng.
|
Hiện tại, NLG sở hữu 681 ha quỹ đất nằm trong kế hoạch phát triển đến 2030 và ưu tiên tăng thêm quỹ đất.
Về việc niêm yết hay IPO các công ty chủ lực của Nam Long, ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long cho biết, Ban giám đốc đang xem xét. Để tối ưu hóa nguồn vốn, khi các công ty này lớn hơn thì cổ đông sẽ nghe chia sẻ vấn đề này nhiều hơn, còn hiện tại, Nam Long vẫn đang vận hành theo mô hình One Nam Long.