Chủ tịch HBC kể chuyện “trong nguy có cơ”, được chỉ định 5 dự án tại Kenya và mục tiêu lãi 433 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 12 năm theo đuổi tham vọng chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán HBC) đã được Kenya gửi thư mời làm tổng thầu 5 dự án nhà ở xã hội.
Chủ tịch HBC kể chuyện “trong nguy có cơ”, được chỉ định 5 dự án tại Kenya và mục tiêu lãi 433 tỷ đồng

Thông tin được ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình chia sẻ tại cuộc gặp mặt nhà thầu phụ, nhà cung cấp chiến lược tại Hà Nội của Tập đoàn Hoà Bình ngày 14/3 vừa qua.

“Nếu không có sự thấu hiểu, cảm thông và tương trợ của những nhà thầu phụ, nhà cung cấp, Tập đoàn Hòa Bình đã không thể vượt qua năm 2023 đầy sóng gió vừa qua”, ông Hải cho hay.

Tham dự buổi gặp gỡ có hơn 100 nhà thầu phụ, nhà cung cấp. Đó đều là những đơn vị đã chia sẻ cùng HBC lúc gian khó và cả hiểm nguy khi HBC trong tình hình “ngàn cân treo sợi tóc” trong năm 2023.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cam kết rằng với tất cả những dự án kể cả trong nước hay nước ngoài, Hoà Bình sẽ ưu tiên chọn thầu và nhà cung cấp theo chính sách với đối tác chiến lược.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC chia sẻ tại Hà Nội ngày 14/3. Ảnh Hải Yến

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC chia sẻ tại Hà Nội ngày 14/3. Ảnh Hải Yến

Vừa qua Hoà Bình đã trúng thầu 5 dự án liên tiếp tại Keneya. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng sau 12 năm kiên trì, bền bỉ theo đuổi khát vọng xuất khẩu xây dựng sang nước ngoài của cá nhân ông Lê Viết Hải cũng như toàn thể thành viên của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Ông Lê Viết Hải vừa trở về từ Kenya, đi thăm 5 dự án nhà ở xã hội mà Kenya có thư mời Tập đoàn Hoà Bình làm tổng thầu. Hoà Bình nhận được sự ủng hộ lớn của chính quyền Kenya.

“Trong nguy có cơ. Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó Hoà Bình mới xác định rõ những người bạn trung thành thực sự là đối tác chiến lược và trở thành cổ đông của Tập đoàn. Chỉ trong tình trạng khó khăn của thị trường trong nước chúng ta mới nhận ra con đường sáng lạng, đại lộ thênh thang của thị trường nước ngoài. Chỉ trong tình trạng thất nghiệp ở thị trường trong nước chúng ta mới có thể huy động nhiều thanh niên sẵn sàng xông pha ra mặt trận xây dựng ở nước ngoài”, Chủ tịch HĐQT HBC chia sẻ và tham vọng Hoà Bình sẽ xây dựng được vị thế ở thị trường nước ngoài.

Ông khẳng định, hiện nay HBC đang đứng trước một cơ hội tuyệt vời, nắm trong tay rất nhiều lợi thế để có thể chinh phục được việc xuất khẩu công nghiệp xây dựng Việt Nam sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là châu Phi. Thị trường bất động sản tại Kenya nói riêng và châu Phi nói chung cực kỳ tiềm năng, bởi theo dự báo của Liên Hiệp quốc, dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và chiếm 1/4 dân số thế giới. Trong khi thực tế, số lượng nhà ở xây dựng hiện nay còn rất thiếu.

Chinh phục thị trường nước ngoài và câu chuyện cây tre

Chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài của Hòa Bình được ông Lê Viết Hải ví như câu chuyện của cây tre. Cây tre khi được trồng xuống đất chỉ mọc lên vài centimet trên mặt đất trong một thời gian dài. Trong suốt 4 năm đầu tiên nó dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét dưới lòng đất. Khi gốc rễ đã đủ chắc thì từ năm thứ 5 nó mới bứt phá với tốc độ đáng kinh ngạc 30 centimet mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để đạt chiều cao 15 mét.

“Trải qua hơn 12 năm nỗ lực triển khai chiến lược xuất khẩu xây dựng, Hòa Bình đã đi “cắm rễ” tại các thị trường nước ngoài, khắp các châu lục và hiện giờ Hoà Bình đã có những điều kiện thuận lợi nhất để ước mơ xuất khẩu xây dựng đó trở thành hiện thực”, ông Lê Viết Hải cho biết.

Tuy nhiên, bước chân ra thị trường nước ngoài, HBC xác định gặp nhiều khó khăn đến từ hàng rào kỹ thuật và pháp lý trong việc nhập khẩu nguồn nhân lực, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị thi công, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu lao động.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, Hòa Bình đã hợp tác với những nhà quản lý chuyên nghiệp để thành lập công ty chuyên về xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. Công ty này sẽ đảm trách việc cung ứng lao động cho chiến lược phát triển thị trường ở nước ngoài của Hòa Bình và kế hoạch chi tiết sẽ được trình bày trong phần tiếp theo của chương trình.

“Nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp ra thế giới”, ông Hải khẳng định. Bước sang năm 2024, HBC với khát vọng khôi phục vị thế, đang kỳ vọng sẽ có cơ hội tốt ở thị trường nước ngoài.

Mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng

Chia sẻ về bức tranh kinh doanh năm 2024, ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoà Bình cho biết, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 433 tỷ đồng.

Với kế hoạch này, doanh thu của HBC năm nay lần lượt tăng trưởng 42% về doanh thu và tăng trưởng mạnh về lợi nhuận trong khi năm ngoái công ty thua lỗ.

Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc HBC chia sẻ kế hoạch kinh doanh 2024-2026. Ảnh Hải Yến.

Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc HBC chia sẻ kế hoạch kinh doanh 2024-2026. Ảnh Hải Yến.

Về kế hoạch chi tiết của doanh thu năm nay, CEO HBC cho hay, Công ty ghi nhận 5.400 tỷ đồng blacklog năm 2023 chuyển sang, 2.600 tỷ đồng từ các dự án chỉ định thầu và 2.800 tỷ đồng từ các dự án đấu thầu.

Tổng giá trị các Dự án chỉ định thầu là 34.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 - 5 năm. Trong đó kế hoạch ký hợp đồng các dự án chỉ định thầu trong năm 2024 là 7.000 tỷ đồng, kế hoạch ghi nhận doanh thu các Dự án chỉ định thầu trong năm 2024 là 2.600 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh các năm 2024-2026 HBC đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, doanh thu năm 2024 là 10.800 tỷ đồng, năm 2025 đạt 12.000 tỷ đồng và năm 2026 đạt 15.900 tỷ đồng.

Mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 433 tỷ đồng, năm 2025 đạt 600 tỷ đồng, năm 2026 đạt 954 tỷ đồng.

Hoà Bình đặt mục giai đoạn 2024-2033 tổng doanh thu đạt 192.000 tỷ đồng.

“Khi chia sẻ kế hoạch này nhiều người hỏi chúng tôi mục tiêu của Hoà Bình có khả thi không, Hòa Bình có đặt mục tiêu vượt quá khả năng không? Chúng tôi khẳng định Hoà Bình làm mọi thứ đều có cơ sở của mình. Mục tiêu trong ba năm tới Hoà Bình khôi phục lại vị thế. Hoà Bình đã vượt qua khó khăn, chúng tôi đang trên đường quay trở lại tăng trưởng, duy trì vị trí số 1 tại thị trường và tránh lặp lại vết xe đổ, hướng tới hoàn thiện và phát triển bền vững”, ông Lê Văn Nam cho hay.

Phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ

Trước đó, ngày 17/11, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thông qua kế hoạch phát hành 252.484.528 cổ phiếu. Trong đó, 220 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ và 32.484.528 cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ.

Đối với kế hoạch chào bán riêng lẻ 220 triệu cổ phiếu, giá chào bán tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu và giá chào bán cao nhất là 14.500 đồng/cổ phiếu, số tiền huy động dự kiến từ 2.640 - 3.190 tỷ đồng và cổ phiếu chào bán bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày phát hành.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục