Hà Nội không bù giá nước cho sông Đuống
Cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp HĐND TP của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung diễn ra chiều 15/11, với trọng tâm là câu chuyện liên quan đến vấn đề nước sạch.
Các cử tri cho rằng, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Hà Nội diễn ra nhanh chóng, nhiều nhà cao tầng mọc lên, dân số tăng vọt, nhu cầu nước sạch là vấn đặc biệt quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu nước sạch, thành phố kêu gọi nhà đầu tư tư nhân vào xây dựng nhà máy nước để kinh danh. Song điều khiến cử tri thất vọng là nhà máy nước sạch sông Đà từ khi đưa vào sử dụng thì hết chuyện vỡ đường ống lại tới nhiễm bẩn. Còn nước mặt sông Đuống có giá cao khiến người dân dùng nước của nhà máy băn khoăn, nghi ngờ.
Về nhà máy nước mặt sông Đà, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả điều tra của Công an Hòa Bình cho thấy không ai thuê mướn các đối tượng đổ dầu thải xuống suối để gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất của nhà máy nước sạch sông Đà.
Ngoài ra, thành phố tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư vào lĩnh vực này, giải quyết nước cấp bách cho người dân. Không chỉ Nhà máy nước mặt Sông Đuống mà tất cả các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố ở các lĩnh vực đều được coi trọng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, để huy động các nguồn lực tham gia xây dựng hệ thống cấp nước cho thành phố. Cho đến nay, 23 nhà đầu tư đã thực hiện 38 các dự án trên địa bàn.
Trong đó, đối với CTCP nước mặt Sông Đuống, các cổ đông sáng lập của công ty bao gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch - Newtatco (5%), Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman 27%, CTCP nước Aqua One 58% . Đây là nhà máy nước sạch hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
“Aqua One là doanh nghiệp của chị Liên mà báo chí phản ánh vừa qua. Đây là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An. Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm nhà máy này. Vấn đề là như vậy, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây cả”, ông Chung khẳng định.
Ngoài ra, ông Chung cũng đưa ra thông tin, vừa qua, một doanh nghiệp của Thái Lan mua lại cổ phần của Công ty nước mặt sông Đuống, họ bán mấy tháng rồi, chứ không phải bây giờ”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình cụ thể là bình thường, nên khuyến khích. “Thực tế nên nhìn nhận là môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội phải thế nào thì nhà đầu tư mới vào đầu tư. Còn tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Châu Á”, ông Chung nói thêm.
Trả lời câu hỏi liên quan đến thông tin thành phố Hà Nội phải bù giá nước cho Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: "Thành phố chưa mất một đồng nào bù giá. Chắc chắn không bao giờ bù giá”.
Không có chuyện lợi ích nhóm
Với việc người dân đang băn khoăn giá nước sạch sông Đuống cao hơn nhiều giá nước sông Đà, Chủ tịch Hà Nội lý giải nhà máy nước sông Đà đã sản xuất nhiều năm và đương nhiên khi khấu hao nhiều thì giá thành thấp hơn. Chưa kể đến các tiêu chuẩn khác nhau về công nghệ.
Đồng thời ông Chung cho biết, đã đề nghị nhà máy sông Đà lắp thêm đường ống để tăng công suất, đồng thời, thay đổi công nghệ để nước cung cấp cho người dân có thể uống được tại vòi.
Đáng chú ý, khi đề cập đến nghi ngờ của dư luận trong vấn đề lợi ích nhóm, Chủ tịch Hà Nội khẳng định không có chuyện này.
“Tôi khẳng định là không có lợi ích nhóm ở đây cả. Thành phố chỉ làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về nước cho người dân trong những năm qua”, ông Chung nói.
Không chỉ riêng với nhà máy nước mặt sông Đuống, mà với tất cả nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố, ở các lĩnh vực, vị lãnh đạo Hà Nội khẳng định đều được coi trọng và tạo mọi điều kiện như nhau.
Trả lời thắc mắc của cử tri về việc dự án sông Đuống vay tới 80% số tiền đầu tư tác động đến giá thành bán nước như thế nào, ông Chung cho biết, doanh nghiệp vay vốn là chuyện bình thường và họ phải chấp nhận nếu có rủi ro. Tổng mức đầu tư doanh nghiệp đưa ra mới là dự toán, khi quyết toán công trình có thể sẽ thấp hơn, cũng có thể cao hơn, quyết toán xong mới cấu thành giá thành và thành phố mới ký chính thức.
"Đó cũng chính là bài toán của doanh nghiệp. Họ vay để hoạt động nhưng chẳng may có rủi ro hay bị thiên tai địch họa thì họ phải chấp nhận. Còn thành phố chắc chắn không bao giờ bù giá nếu doanh nghiệp lỗ", ông Chung nói.
Trước đó, ngày 13/11, bà Đỗ Thị Kim Liên - chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống trả lời Tuổi trẻ về giá nước 10.246 đồng/m3.
Theo bà Liên, câu chuyện về giá được cấu thành bởi tổng mức đầu tư, trong khi đây là dự án đầu tư lớn, số vốn vay cũng rất lớn. Kể cả nhà đầu tư, tư vấn, ngân hàng nếu dự án không minh bạch thì không ngân hàng nào bỏ tiền cho vay. Dự án này minh bạch ở chỗ nếu không đủ điều kiện thì ngân hàng không bao giờ cho vay, giải ngân và ngân hàng giải ngân theo tiến độ của dự án chứ không phải đưa một lúc mấy nghìn tỉ cho nhà đầu tư muốn làm gì thì làm.
Theo bà Liên, nếu so sánh nước sạch sông Đuống với nhà máy nước khác sẽ là so sánh khập khiễng vì khác biệt lớn nhất trong sản xuất nước là công nghệ, công đoạn xử lý làm sao ra giọt nước cuối cùng phải không mùi, không vị, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.