Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Khi luật sư làm doanh nhân

(ĐTCK) "Khi là luật sư, điều khách hàng cần không phải đơn giản là tư vấn đúng theo luật, mà phải là… không sai luật. Nhưng khi làm lãnh đạo DN, điều cổ đông cần là đúng luật, hiệu quả và quản trị rủi ro tốt”, ông Quyết nói về vai trò luật sư và vị trí chủ tịch HĐQT.
Ông Trịnh Văn Quyết: “Đối với tôi, FLC là cả sự nghiệp. Và khi bạn dồn tất cả tiền của, tâm huyết của mình vào đó, bạn sẽ phải thận trọng hơn" Ông Trịnh Văn Quyết: “Đối với tôi, FLC là cả sự nghiệp. Và khi bạn dồn tất cả tiền của, tâm huyết của mình vào đó, bạn sẽ phải thận trọng hơn"

Là 1 trong 5 luật sư tiêu biểu năm 2012, ông là Tổng giám đốc một công ty luật danh tiếng với nhiều giải thưởng trong nghề, sở hữu tới 67% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn FLC với vốn điều lệ gần 800 tỷ đồng… Với một người ở độ tuổi 37, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đó là một thành công lớn. Thạc sỹ, luật sư Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC, Chủ tịch HĐQT FLC cho rằng, mình đã may mắn khi lựa chọn nghề luật sư.

Từ một luật sư được vinh danh

Là 1 trong 5 luật sư được vinh danh là Luật sư tiêu biểu năm 2012 trên tổng số hơn 7.200 luật sư đang hoạt động khắp cả nước trong chương trình bình chọn “Vinh danh Hãng luật và luật sư tiêu biểu” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đối với nhiều người, đó là niềm mơ ước. Nhưng khi được góp mặt ở cả 2 hạng mục bình chọn: 10 hãng luật tiêu biểu và 5 luật sư tiêu biểu của năm, ông Trịnh Văn Quyết với tư cách là Tổng giám đốc SMiC lại chia sẻ: điều khiến ông quan tâm nhất là sự hài lòng của khách hàng và kỳ vọng phát triển của SMiC trong tương lai, còn giải thưởng là hệ quả của sự hài lòng ấy, của những ghi nhận từ khách hàng, xã hội đối với công việc của mình.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Khi luật sư làm doanh nhân ảnh 1

5 luật sư được vinh danh Luật sư tiêu biểu 2012  

Quả thực, khi tiếp xúc với ông, ấn tượng đầu tiên là sự tự tin và thái độ chân thành lắng nghe ý kiến người đối diện. Ông Quyết cho rằng, khi khách hàng tìm đến mình, họ muốn được thấu hiểu để từ đó nhận được những tư vấn, gỡ rối pháp lý…, cho nên việc lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu khách hàng luôn được ông coi là nguyên tắc làm việc đầu tiên. Yếu tố đó, khi kết hợp với khả năng am hiểu tường tận pháp luật sẽ góp phần mang lại những tư vấn tốt nhất cho khách hàng. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty trong và ngoài nước, các ngân hàng có tên tuổi trong nước tìm đến SMiC như một địa chỉ tin tưởng để tư vấn, hỗ trợ thông tin.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên, những thành tích đóng góp, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý của ông Quyết và SMiC được ghi nhận. Gần 11 năm trong nghề luật sư, ông cùng SMiC đã đạt được nhiều bằng khen, giải thưởng có uy tín. Đó là nhiều năm nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Kỷ niệm chương Bảo vệ công lý của Đoàn luật sư Hà Nội, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, giải thưởng “Hãng luật & luật sư của năm” do Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2009 - nay là giải thưởng “Hãng luật & luật sư tiêu biểu” được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tổ chức thành giải thưởng chính thống hàng năm; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011…

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Khi luật sư làm doanh nhân ảnh 2Ông Trịnh Văn Quyết nhận Cúp và Bằng chứng nhận Hãng luật tiêu biểu từ Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Đến triết lý kinh doanh bền vững

Trong câu chuyện bên lề, ông Quyết nói rằng, ước mơ trở thành luật sư  đã “ngấm vào máu”, từ khi ông còn rất nhỏ. Tuy nhiên, “máu kinh doanh” trong ông cũng xuất hiện từ những ngày ông còn chưa trở thành luật sư. Hiện phòng khách trong gia đình ông vẫn trưng bày một cái điện thoại thuộc dòng… đồ cổ - là một kỷ vật của thời đi buôn điện thoại. Ông kể rằng, từ khi còn đang học Đại học Luật Hà Nội, ông đã chuyển từ ký túc xá ra thuê trọ bên ngoài để kết hợp mở văn phòng gia sư - một trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội và sau đó là đi buôn điện thoại. Đối với ông, chiếc điện thoại cũ kỹ ấy không chỉ gợi nhớ đến những kỷ niệm về một thời gian khó, mà còn là vật chứng đánh dấu mốc khởi nghiệp kinh doanh gần 20 năm về trước.

Ở Trịnh Văn Quyết, rất khó để phân biệt rạch ròi hai vai: doanh nhân và luật sư. Những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình hành nghề luật đã giúp ông tận dụng cơ hội kinh doanh, để mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản. Nhưng chính phong cách luôn luôn lắng nghe để tìm hiểu, chia sẻ với người đối diện, giống như cách mà ông luôn thể hiện trong vai trò một luật sư khi gặp gỡ khách hàng, khiến những người gặp ông lần đầu khó có thể ngờ, ngoài vai trò Tổng giám đốc một công ty luật có uy tín, ông còn là Chủ tịch HĐQT một công ty niêm yết lớn.

Làm tròn vai một vị trí đã khó, làm tốt cả hai vị trí ở hai công ty lớn lại càng khó hơn. Nhưng ông cho rằng, mình đang có ưu thế khi đảm nhiệm vai trò “kép” ấy. Theo ông, luật sư hay chủ tịch HĐQT của một DN, suy đến cùng cũng là làm kinh tế. Quá trình làm nghề luật cho ông nhiều thứ: tiền bạc, kinh nghiệm, mối quan hệ, cơ hội kinh doanh… và cả sự cẩn trọng. Còn làm Chủ tịch HĐQT công ty, ông biến những cơ hội kinh doanh ấy thành tiền và duy trì nó hoạt động trên cơ sở làm đúng và rút kinh nghiệm từ chính những vấp ngã của khách hàng mà ông tiếp xúc khi hành nghề luật sư. Có lẽ vì thế, ông khiến không ít người tại lễ Tôn vinh Hãng luật và luật sư tiêu biểu năm 2012 phải ngạc nhiên khi một luật sư tiêu biểu của năm lại chính là 1 trong 30 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.

Điểm khác nhau lớn nhất giữa vai trò luật sư và vị trí chủ tịch HĐQT, theo ông, đó là phong cách hành xử trước các vấn đề liên quan đến pháp luật. “Khi là luật sư, điều khách hàng cần không phải đơn giản là tư vấn đúng theo luật, mà phải là… không sai luật. Nhưng khi làm lãnh đạo DN, điều cổ đông cần là đúng luật, hiệu quả và quản trị rủi ro tốt”, ông Quyết nói.

Một năm trở lại đây, công chúng đầu tư nhắc nhiều đến những sai lầm trong các quyết định kinh doanh tại không ít công ty niêm yết, khiến các DN này rơi vào tình trạng điêu đứng, có nguy cơ phá sản. Trong số những sai lầm ấy, có những trường hợp sai lầm đến từ sự không chặt chẽ trong các hợp đồng kinh tế. Ông Quyết cho rằng, trong kinh doanh, rủi ro là điều khó tránh. Nhất là khi đứng trước một cơ hội lớn, người lãnh đạo DN thường bị kỳ vọng lợi nhuận trước mắt làm lu mờ đi những rủi ro hiện hữu. Tuy nhiên, với FLC, rủi ro pháp lý là điều không được phép xảy ra, bởi Công ty được sự hậu thuẫn của đội ngũ luật sư hùng hậu, và được điều hành trong sự cẩn trọng tối đa của một người có thâm niên trong nghề luật.

“Đối với tôi, FLC là cả sự nghiệp. Và khi bạn dồn tất cả tiền của, tâm huyết của mình vào đó, bạn sẽ phải thận trọng hơn. Chính bạn sẽ là người muốn nó được khỏe mạnh, phát triển tốt hơn bất cứ người nào khác”, ông Quyết nói.  

Ngày 27/8/2012, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Lễ trao danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu cho 10 tổ chức, 5 cá nhân được bình chọn. Theo đó, Công ty Luật SMiC được nhận danh hiệu Hãng luật tiêu biểu năm 2012 và Thạc sỹ, luật sư Trịnh Văn Quyết nhận giải Luật sư tiêu biểu năm 2012.

Năm 2012, lần đầu tiên việc bình chọn danh hiệu cho các luật sư được thực hiện theo Quyết định 51/2010/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý việc xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho DN, doanh nhân, nhằm vinh danh các tổ chức hành nghề luật sư, cá nhân luật sư có thành tích tiêu biểu trong hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nghề luật sư.

Đề án được tổ chức bình chọn định kỳ 3 năm một lần và không thu phí của các tổ chức, cá nhân tham gia bình chọn. Ban tổ chức bình chọn bao gồm các thành viên là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ... Ban tổ chức có nhiệm vụ ban hành Quy chế bình chọn, thành lập Hội đồng bình chọn với sự tham gia của các cơ quan, gồm: đại diện Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Hội Luật gia Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội và Đoàn luật sư TP. HCM.

Uyên Phạm
Uyên Phạm

Tin cùng chuyên mục