Việc hoán đổi nợ tại 5 chủ nợ lớn của HHV thành cổ phần sẽ giúp HHV từ doanh nghiệp quy mô 80 tỷ đồng vốn điều lệ trở thành doanh nghiệp quy mô vốn gần 2.500 tỷ đồng. Việc này sẽ mang lại những giá trị gì cho HHV trong tương lai, thưa ông?
Trước hết, tôi xin trao đổi về Quyết định đầu tư và các khoàn đầu tư của HHV vào các dự án. Theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 26/07/2019 của Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ nhất năm 2019, HHV đã thực hiện đầu tư vào 5 dự án hạ tầng giao thông lớn.
Những dự án này đang trong giai đoạn hoàn thành và đi vào vận hành khai thác, đem lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế của đất nước và đảm bảo dòng tiền thu hồi của nhà đầu tư.
Về tài chính, các dự án HHV đầu tư có giá trị hiện tại ròng (NPV) dương và tỷ suất nội hoàn IRR trung bình 11,5% (xem bảng).
Thứ hai, về lợi ích của việc thực hiện đầu tư vào các dự án, ngoài các lợi ích tài chính từ tỷ lệ hoàn vốn nội bộ trên một đầu tư IRR của dự án cho các nhà đầu tư theo các hợp đồng đã ký với chính phủ Việt Nam (Khoản 50.7, Điều 50, Hợp đồng BOT), việc mở rộng đầu tư với tỷ lệ chi phối vào các dự án còn mang lại cho hoạt động kinh doanh chính (vận hành khai thác các công trình đường bộ) của HHV nhiều lợi ích khác.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đèo Cả
Cụ thể, nhà đầu tư (HHV) có quyền và nghĩa vụ quản lý, bảo trì toàn bộ công trình dự án trong thời gian quy định (Điều 41 Hợp đồng BOT) .
Nhà đầu tư (HHV) được thu phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng dự án; được tổ chức hoạt động thu phí (Điều 44, hợp đồng BOT); được đảm bảo cung cấp các dịch vụ công cộng (Điều 61, hợp đồng BOT); được sử dụng đất đai, đương giao thông và các công trình phụ trợ khác để thực hiện dự án…
Nhà đầu tư (HHV) cũng sẽ được ưu tiên cung cấp các dịch vụ hoặc ưu tiên cấp quyền sử dụng công trình công cộng để thực hiện dự án với sự hỗ trợ của Bộ Giao thông - Vận tải trong việc thực hiện các thủ tục cần thiết để được phép ưu tiên sử dụng dịch vụ và các công trình công cộng.
Thứ ba, quy mô lớn mang lại những giá trị mới cho HHV trong tương lai. Chúng ta nhìn lợi ích của HHV theo cách nhìn của một cổ đông (chủ doanh nghiệp), những lợi ích có được từ hoạt động đầu tư (như trình bày ở bảng) dẫn đến việc tăng quy mô của HHV là điều tất yếu.
Khi quy mô tăng, đồng nghĩa với việc Công ty sở hữu nguồn lực lớn, sẽ giúp HHV nắm bắt được các cơ hội trong kinh doanh và thêm năng lực để phát triển bền vững.
Trong phương án chuyển nợ thành vốn cổ phần, HHV chưa đề cập đến kế hoạch về hiệu quả hoạt động trong 3 hoặc 5 năm tới. Liệu cổ đông có thể kỳ vọng gì ở hiệu quả của HHV sau tái cấu trúc tài chính, thưa ông?
Theo các dự án tôi vừa chia sẻ, thì doanh thu năm 2020 của HHV dự kiến sẽ đạt 2.100 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 7%/năm trong các năm tiếp theo. Thu nhập từ hoạt động đầu tư trên 11%/ năm.
Vì sao HHV lại chọn thời điểm này mà không phải là từ một vài năm trước để tiến hành các thủ tục cần thiết nhằm chuyển đổi các công ty cho HHV vay nợ thành cổ đông lớn tại HHV?
Thực ra, kế hoạch tái cấu trúc tài chính chúng tôi đã ấp ủ lâu rồi, nhưng thực hiện bắt đầu tiến hành từ tháng 7 năm nay. Hội đồng quản trị HHV trình Đại hội đồng cổ đông của HHV xem xét và thông qua quyết định đầu tư vào các doanh nghiệp dự án hạ tầng giao thông trong Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ 1 năm 2019 vào ngày 26/07/2019 (Nghị quyết số 02/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 26/07/2019) và các cổ đông đã nhất trí tuyệt đối. Còn về thời điểm, tại sao lại chọn thời điểm này mà không phải từ vài năm trước, tôi xin chia sẻ vài ý như sau:
Tâm điểm của các quyết định HHV là tái cấu trúc tài chính và đầu tư vào 5 dự án hạ tầng giao thông lớn với tỷ lệ chị phối.
Hoạt động này làm thay đổi về cơ bản tỷ trọng các ngành nghề trong hoạt động kinh doanh chính của HHV; từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận hành khai thác các công trình đường bộ sang một doanh nghiệp đầu tư.
Qua đó các giá trị và lợi ích kinh tế sau đâu tư của HHV phụ thuộc rất nhiều vào cấc dự án mà HHV tham gia.
Thời điểm hiện nay là thời điểm như ta “vun trồng cây đến ngày quả chín”. Trong 5 dự án mà HHV đầu tư có 3 dự án (chiếm tỷ trọng 82% trên tổng mức đầu tư 49.864 tỷ đồng) đã đầu tư hoàn thành chuyển sang giai đoạn khai thác.
Một số dự án tiềm năng Đèo Cả tham gia cùng với các nhà đầu tư khác: Cao tốc Trung lương - Mỹ Thuận; Hữu nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Thu phí không dừng ETC.
Trong đó, các dự án đã khai thác từ năm 2016 gồm dự án Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, dự án Hầm Phước Tượng Phú Gia; năm 2017 có dự án Hầm dường bộ Đèo Cả; năm 2018 có dự án Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông và đặc biệt các dự án lớn đi vào vận hành khai thác như Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hầm đường bộ Hải Vân 2 mới thông xe tháng 11 vừa qua và kế hoạch đưa vào vận hành khai thác quý I năm 2020.
Với tiến trình các dự án như trên, chúng tôi cho rằng, việc HHV chuyển đổi khoản nợ từ các khoản đầu tư vào thời gian này là phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các cổ đông mới và cũ sau phát hành.
Lợi ích từ việc các dự án đi vào vận hành khai thác hạch toán về sẽ đảm bảo lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) trước và sau phát hành.
Cùng với việc tái cấu trúc Công ty, Đại hội đồng cổ đông HHV cũng quyết định sẽ mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Là doanh nghiệp có đặc thù là đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn của đất nước, những nhà đầu tư ngoại như thế nào sẽ được coi là phù hợp với nhu cầu tìm kiếm cổ đông chiến lược của HHV, thưa ông?
Xét trên bình diện chung, những lợi ích khi doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn để nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư là rất rõ.
Tuy nhiên, với HHV, để giải bài toán cho công tác huy động nguồn vốn lớn đầu tư trong các dự án mà HHV tham gia trong bối cảnh ngành hoạt độn có đặc thù là có thời gian hoàn vốn dài thường từ 10 năm đến 20 năm, nên chúng tôi cũng có những yêu cầu riêng cho nhà đầu tư chiến lược.
Thứ nhất, nhà đầu tư chiến lược phải có năng lực tài chính, có cam kết bằng văn bản về việc gắn bó lâu dài HHV.
Thứ hai phải hiểu rõ về HHV, có quan điểm đầu tư và có lợi ích chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của HHV.
Cùng với đó là việc tham gia không tạo ra sự xung đột lợi ích, đối tác không là cổ đông chiến lược, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập tại bất kỳ doanh nghiệp nào trong ngành đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam, là xu hướng của các nhà đầu tư hạ tầng tại các nước ASEAN đã thực hiện “Xác lập các hoạt động phục vụ công chúng phải thuộc về doanh nghiệp đại chúng”.
Hiện HHV có 365 cổ đông. Sau tái cấu trúc, ở vị thế doanh nghiệp vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, có số lượng cổ đông tăng lên, công tác quản trị tại HHV dự kiến sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
Khi quy mô và lĩnh vực hoạt động lớn hơn, chắc chắn công tác quản trị của Công ty sẽ có những cải tiến và thay đổi phù hợp.
Là một công ty đại chúng, với trách nhiệm của người quản trị tôi tin rằng, những thay đổi đó không ngoài mục đích bảo đảm sự phát triển bền vững trong dài hạn của HHV, vì lợi ích tốt nhất của cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác; tạo dựng sự tin tưởng của thị trường và đạo đức kinh doanh của HHV; góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh và danh tiếng của HHV, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường vốn…
Những thay đổi trong công tác quản trị của HHV trong tương lai sẽ được các cổ đông của HHV quyết định.