TTCK Việt Nam được đánh giá rất tích cực từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài
Tại Hội nghị phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 28/2, ông Johan Nyvene chia sẻ, TTCK Việt Nam đã hình thành và phát triển từng giai đoạn, cả về chất lẫn lượng. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù TTCK Việt Nam đang là thị trường Cận biên (Frontier Market), nhưng vẫn được đánh giá rất tích cực từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài quan tâm và đánh giá như TTCK mới nổi. Điều này đã được thể hiện qua việc một số quỹ đầu tư nước ngoài thường chỉ chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi cũng đã bắt đầu tìm hiểu và đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Với những điểm sáng của Việt Nam thể hiện sự tăng trưởng kinh tế và môi trường chính trị xã hội ổn định, chỉ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian vừa qua được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, các tổ chức tín dụng như S&P đã đánh giá Việt Nam hạng BB+, là triển vọng và ổn định. Tổ chức Moody’s trong 2 năm vừa qua đã xếp Việt Nam là Ba2 - triển vọng và ổn định. Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có các sở giao dịch là thành viên của Liên đoàn các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE).
Tổng vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán tại Việt Nam vào thời điểm gần đây nhất đã đạt gần 200 tỷ USD, lớn hơn nhiều thị trường châu Á khác như Philippines, Qatar, Kuwait hay châu Âu như Hy Lạp, Séc, Hungary..., và có thể so sánh với quy mô vốn hóa của một số thị trường mới nổi như Thái Lan là 475 tỷ USD, Indonesia là khoảng 720 tỷ USD, Malaysia là khoảng 390 tỷ USD.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP |
Về thanh khoản giao dịch, TTCK Việt Nam đã từng đạt thanh khoản trung bình dao động trên dưới 1 tỷ USD/phiên trong giai đoạn 2 năm trước đây và gần đây nhất đạt gần 700 triệu USD, tương đương với Indonesia, Malaysia và Singapore, chỉ đứng sau Thái Lan trong khối ASEAN.
Theo ông Johan, TTCK Việt Nam hiện vẫn đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) xếp vào Nhóm 3 - Thị trường Cận biên (Frontier Markets). Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi (Emerging Markets).
Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russell vẫn tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Mặc dù có nhận xét là tiến độ cải thiện những tiêu chí để nâng hạng còn chậm, FTSE Russell cũng đã ghi nhận việc khẳng định cam kết rất tích cực của các lãnh đạo cấp cao trong công tác nâng hạng thị trường. Một ví dụ cụ thể là qua một số cơ hội xúc tiến kêu gọi đầu tư và tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư đã phản hồi là họ nhận thấy các cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam như Bộ Tài chính và UBCK đã thể hiện nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm các giải pháp dài hạn và giải pháp trước mắt có thể triển khai để giúp đưa thị trường lên một chuẩn mực cao hơn, nhất là với định hướng giúp TTCK Việt Nam được nâng hạng.
Ở thời điểm hiện tại, HSC đánh giá TTCK Việt Nam đã đạt được phần lớn các tiêu chí của MSCI và FTSE đề ra cho việc nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, gần đây nhất vào quý IV/2023, qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các thành viên thị trường và UBCK với MSCI và FTSE, hai tổ chức xếp hạng này đã nêu ra một số tiêu chí cụ thể nhằm định hướng cho cơ quan chức năng và các thành viên thị trường nỗ lực đưa ra các giải pháp nhanh hơn.
Điều kiện tiên quyết nâng hạng Việt Nam cần làm
Theo ông Johan, việc TTCK Việt Nam chưa được nâng cấp lên thị trường mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản, mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài (tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam - room).
Hiện một số doanh nghiệp thuộc các ngành nghề như ngân hàng, bán lẻ, công nghệ... được nhà đầu tư tổ chức nước ngoài quan tâm nhiều, nhưng hiện đã hết room. Tuy nhiên, ngoài các ngành nghề đặc thù có yếu tố an ninh tài chính quốc gia hoặc an ninh công nghệ cao, khuôn khổ pháp lý của thị trường Việt Nam đã cho phép các công ty mở tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% đối với các doanh nghiệp không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, sự chủ động mở rộng room ngoại đã nằm trong tay phần lớn các doanh nghiệp niêm yết.
Ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) đọc tham luận tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Yếu tố thứ hai là cần điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Hiện nay, theo quy định, các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia giao dịch chứng khoán tại Việt Nam phải thực hiện các quy định về ký quỹ trước giao dịch. Loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và đương nhiên sẽ giúp cho việc nâng hạng thị trường Việt Nam gần với hiện thực hơn.
Với việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ, các định chế tài chính trung gian tại Việt Nam, bao gồm các ngân hàng lưu ký, thanh toán và các công ty chứng khoán cần nhận thức được những yếu tố rủi ro từ việc nhà đầu tư nước ngoài có thể không có khả năng thanh toán hoặc chậm thanh toán mang tính kỹ thuật. Việc xác định rủi ro này cần được các công ty chứng khoán có nguồn lực tài chính vững mạnh và có nhiều kinh nghiệm với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, cùng với các ngân hàng lưu ký nước ngoài hợp tác và cùng nhau giải quyết.
Đối với tiêu chí này, trong thời gian gần đây, các công ty chứng khoán hàng đầu trong đó có HSC, cùng với các ngân hàng lưu ký nước ngoài, đã khẩn trương hợp tác tìm hiểu và kiến nghị các cơ quan chức năng để đưa ra các phương pháp cụ thể, nhằm hạn chế tối đa các yếu tố rủi ro trong việc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, qua đó tạo điều kiện đầu tư và thanh toán thuận tiện tối đa cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
"Việc phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các định chế tài chính trung gian trong việc quản lý, hỗ trợ và điều tiết các tài khoản lưu ký, tài khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với việc UBCK cùng với các cơ quan chức năng khác quy định hóa, pháp lý hóa các phương án quản lý rủi ro đi kèm với sự giám sát chặt chẽ, HSC tin tưởng là thị trường chúng ta sẽ sớm vượt qua được và tháo gỡ rào cản này đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài", ông Johan Nyvene nhấn mạnh.
Một khi được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh, như tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia.
Một yếu tố nữa, theo Chủ tịch HSC là cần cải thiện và tăng cường việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, từ các cơ quan chức năng và các công ty niêm yết, cũng như các thành viên thị trường. Đây là nhóm công việc có thể triển khai sớm với điều kiện phải truyền thông tốt cho các doanh nghiệp niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin. Với quy định chặt chẽ hơn và sự giám sát từ UBCK và các sở giao dịch, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh đầy đủ hơn chắc chắn là một tiêu chí có tính khả thi cao.
Ngoài các điều kiện chính được nêu ra như các điều kiện tiên quyết, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng như MSCI và FTSE cũng vạch ra một số các tiêu chí khác mà TTCK Việt Nam có thể cải thiện thêm để tiếp tục thăng tiến trở thành một thị trường cao cấp hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Về tính thanh khoản, TTCK Việt Nam cơ bản đã đạt được mức thanh khoản khá dồi dào, tuy nhiên một số điều kiện trong giao dịch vẫn đang được các thành viên thị trường đề xuất để cải thiện, giúp cho việc mua bán thuận lợi hơn, chẳng hạn như điều kiện có thể bán chứng khoán đang chờ về, hoặc khả năng có thể vay và cho vay chứng khoán.
Bên cạnh đó, tính minh bạch và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp cũng cần được lưu ý. Các công ty niêm yết cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch trong báo cáo tài chính và quản lý doanh nghiệp. Đảm bảo thông tin về các công ty niêm yết được công bố đầy đủ và đúng đắn. Điều này giúp tạo ra một môi trường đầu tư uy tín cao. Đây là một tiêu chí hàng đầu trong khuôn khổ quản trị doanh nghiệp bền vững và xu hướng tất yếu là các công ty niêm yết sẽ cần đẩy mạnh các hoạt động quản trị doanh nghiệp qua quá trình hoạt động, quá trình niêm yết và tương tác với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
UBCK đã tăng cường giám sát và đánh giá các công ty niêm yết để đảm bảo tính minh bạch và chất lượng của thông tin tài chính được công bố. Đồng thời, các quy định và tiêu chuẩn về minh bạch đã được cập nhật và áp dụng một cách nghiêm ngặt. Với sự giám sát chặt chẽ và sát sao từ UBCK cũng như các sở giao dịch, năm 2023 đã chứng kiến những cải thiện.
Đối với sự phát triển của hạ tầng và các dịch vụ tài chính đi kèm, HSC cho rằng, thị trường cần có hạ tầng phát triển, bao gồm hệ thống giao dịch, các dịch vụ tài chính phái sinh và các công cụ hỗ trợ khác để hỗ trợ các hoạt động giao dịch. Việc hoàn thành cài đặt hệ thống KRX và triển khai các tính năng tích hợp với thanh toán bù trừ sẽ giúp TTCK Việt Nam đáp ứng tiêu chí này. Hệ thống KRX đã được tiến hành kiểm thử nhiều đợt và đa phần các công ty chứng khoán đã đáp ứng được các kịch bản kiểm thử.
Sự phát triển các sản phẩm tài chính mới cũng sẽ đi song hành với sự phát triển của hạ tầng công nghệ, cũng như hệ thống thanh toán chung, sẽ đa dạng hóa sản phẩm tài chính và dịch vụ giao dịch để thu hút thêm các nhà đầu tư và tăng cường hoạt động giao dịch trên thị trường.
Điều quan trọng nữa là tăng cường đào tạo và tăng cường ý thức đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư cá nhân. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp thông tin, tài liệu hướng dẫn và tổ chức các khóa đào tạo về đầu tư chứng khoán, với sự chủ động của các tổ chức tài chính trung gian trong thị trường (bao gồm các công ty quản lý quỹ và các công ty chứng khoán). Với một TTCK có tỷ trọng khá lớn từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước (thường xuyên chiếm trên dưới 90% toàn bộ giá trị giao dịch hằng ngày), việc tăng cường đào tạo kiến thức và nhận thức rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân là một việc làm hết sức cần thiết nhất là đối với một xã hội với thu nhập người dân tăng lên và đất nước đang tiến dần đến trở thành một nền kinh tế lớn trên thế giới.
Một khi được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh, như tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia. Theo nghiên cứu và ước tính từ Ngân hàng Thế giới, việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam.
TTCK được nâng hạng, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiềm năng. TTCK Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ tìm đến TTCK Việt Nam với quy mô lớn.
Hơn trên hết, theo ông Johan, việc nâng hạng TTCK còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một trung tâm tài chính quốc tế.