Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị khẩn trương cho các doanh nghiệp FDI đáp ứng điều kiện được niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 28/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, TTCK Việt Nam đã có bước phát triển đáng khích lệ trong năm 2023 dù bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới có nhiều thách thức.

Kinh tế Việt Nam phát triển dù bối cảnh vĩ mô nhiều khó khăn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, kinh tế đầu tư suy giảm, lạm phát leo ở mức cao, nhiều đồng tiền mất giá, nợ công toàn cầu gia tăng, thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang trong nền kinh tế chuyển đổi, quy mô hạn chế, độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chọi của nền kinh tế còn bất cập. Tất cả điều này tạo nên áp lực rất lớn đến công tác quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, tác động đến việc phục hồi phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống kinh tế…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024. Ảnh VGP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024. Ảnh VGP.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, của Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, trong năm vừa qua, kinh tế đã đạt được kết quả quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Năm 2023 đạt mức tăng trưởng 5,05%, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Thị trường ngoại hối ổn định, lạm phát giảm, bội chi ngân sách, nợ nước ngoài, nợ quốc gia đều nằm dưới ngưỡng cảnh báo.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức uy tín đều đánh giá cao kết quả triển vọng của kinh tế Việt Nam. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới… Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2%, dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang ở mức kỷ lục đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn này đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm là nỗ lực lớn của Việt Nam.

“Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều thách thức như năm vừa qua, TTCK Việt Nam có bước phát triển đáng khích lệ. Năm 2024 xác định còn nhiều khó khăn thách thức hơn nữa, đồng thời là năm tăng tốc, có ý nghĩa quan trọng trong kế hoạch phát triển 2021-2025, việc huy động sử dụng các nguồn lực có hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham luận về triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 - Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham luận về triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 - Ảnh: VGP

Thiếu vắng công ty đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp

Đánh giá thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, để TTCK phát triển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc kiến nghị, UBCK, Bộ Tài chính cần tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, khẩn trương nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Thời gian gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều.

Thứ hai, Bộ Tài chính, UBCK cần khẩn trương ban hành kế hoạch Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Thủ tướng ban hành ngày 29/12/2023. Đặc biệt, nhấn mạnh đến các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đổi mới, cải cách thế chế và ban hành các quy phạm làm cơ sở cho phát triển thị trường trái phiếu, TTCK ổn định lành mạnh và dần đáp ứng chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế. Kế hoạch này xây dựng sớm, ban hành sớm sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để đồng bộ hiệu quả không bị chồng chéo.

Thứ ba, cần phải chuyên nghiệp hơn nữa hoạt động của TTCK. Hiện nay, TTCK chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, các quỹ, thiếu vắng các công ty đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Luật Chứng khoán đã ban hành, nhưng cho đến nay các công ty đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chưa được thành lập. Chúng ta cần phải đánh giá, rà soát, vì sao các công ty không mặn mà thành lập các công ty đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Thứ tư, tăng hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực và tạo thêm sản phẩm mới cho TTCK đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cần chú ý tới tài chính xanh, phát triển xanh. Nội dung này gần đây được các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt quan tâm. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK. Năm 2023, doanh nghiệp cổ phần hóa gần với niêm yết trên TTCK gần như không có, đây là vấn đề cần được tập trung trong năm 2024.

Thứ năm, khẩn trương cho các doanh nghiệp FDI đáp ứng điều kiện được niêm yết trên TTCK. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được rất nhiều văn bản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị sớm triển khai nội dung này, vì Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021. Bên cạnh đó, cần xem xét điều kiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết để có một số điều kiện mở hơn so với doanh nghiệp không niêm yết.

Thứ sáu, công tác nâng cao hiệu quả quản lý, công tác kiểm tra giám sát đặc biệt công tác cảnh báo sớm đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của UBCK đã tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư, theo đó tiến hành giám sát ở cả 3 tuyến: các công ty chứng khoán, sở giao dịch, UBCK. Tuy nhiên năm 2024, việc đẩy mạnh giám sát có vai trò quan trọng đưa hoạt động vào nề nếp thường xuyên để cảnh báo sớm, xử lý sớm, tránh việc kéo dài có hệ lụy không tốt cho TTCK.

Thứ bảy, UBCK, Bộ Tài chính cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để đảm bảo kết nối, đảm bảo hoạt động trên môi trường điện tử và đặc biệt là kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và các hệ thống khác, ví dụ như hệ thống dữ liệu doanh nghiệp theo Đề án 06.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ