Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 15/7, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV nhận định, mặc dù có nhiều độ trễ nhất định nhưng các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có tác động tích cực, thị trường tiền tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản dồi dào, tỷ giá ổn định, lãi suất được kéo giảm, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tiếp cận lẫn nhau, gia tăng tín dụng, phục vụ hỗ trợ phục hồi kinh tế.
“BIDV luôn thấu hiểu những trăn trở của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo NHNN làm thế nào để khơi thông dòng vốn, để các doanh nghiệp có vốn để kinh doanh. Chúng tôi cũng hiểu và nhận thức được, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN không chỉ là chấp hành các chỉ đạo của cấp trên mà còn là cơ hội để chúng tôi triển khai các kế hoạch phát triển kinh doanh, cơ hội tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, gia tăng giao dịch với khách hàng khi khách hàng đã vượt qua các khó khăn để phục hồi và phát triển kinh doanh”, ông Tú cho biết.
Theo đó, ông Tú tiết lộ, BIDV đã đưa ra nhiều giải pháp trong 6 tháng đầu năm như:
Thứ nhất, rà soát thủ tục cấp tín dụng, đơn giản hoá và áp dụng công nghệ vào quy trình cấp tín dụng, tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật số hoá, đặc biệt xây dựng cơ chế cấp tín dụng theo phương thức phương tiện điện tử…
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng cơ chế chương trình riêng cho từng đối tượng khách hàng, triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Thứ ba, thu hút các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay (cả cho vay mới và vay cũ).
Thứ tư, phối hợp với Hiệp hội DNNVV triển khai các chương trình kết nối kết hợp tư vấn, tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ…
Với những giải pháp trên, trong 6 tháng đầu năm, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484.000 tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5%/năm - 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1%/năm - 1,5%/năm. Từ ngày 11/05/2023, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế với mức giảm từ 0,3%/năm - 0,8%/năm.
Đến ngày 30/06/2023, BIDV đang thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN đối với hàng trăm khách hàng, doanh số cho vay lũy kế là gần 16 nghìn tỷ đồng và dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5 nghìn tỷ đồng.
Triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 và văn bản 2308/NHNN-TD của NHNN với quy mô số tiền giải ngân 30.000 tỷ đồng, BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố việc phê duyệt cấp tín dụng đối với 01 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ vào chương trình.
Đồng thời, BIDV tích cực, triển khai kịp thời các chương trình ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay của Chính phủ, NHNN. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV đã có 4 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay từ 1,1-1,3%/năm
Về các giải pháp tín dụng trong 06 tháng cuối năm 2023, ông Phan Đức Tú cho biết, BIDV sẽ tập trung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN để đưa ra các giải pháp như: tiếp tục ưu tiên tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN; tiếp tục rà soát các quy trình, nghiệp vụ, gia tăng hạn mức công nghệ, tiếp tục hạ lãi suất cho vay, tiếp tục tiết giảm các chi phí, để giảm thiểu lãi suất cho vay; tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất…
Để duy trì kết quả đạt được trong thời gian qua và hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chủ tịch BIDV đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo có hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường vốn. Để tăng khả năng phục hồi cho nền kinh tế cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả cung và cầu, thực hiện chính sách tài khoá mạnh mẽ, mở rộng, giảm áp lực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho DN triển khai các kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước.
"Tăng cường tạo niềm tin thị trường, theo đó tăng cường phổ biến các kiến thức về hoạt động kinh doanh, về tài chính – ngân hàng, để tạo ra sự hiểu biết chung, chia sẻ cơ hội, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia các thị trường, các hoạt động đầu tư, mua bán chứng khoán, bảo hiểm…", ông Tú nói.