Chủ tịch Agribank: 9/10 mục tiêu cơ bản tại phương án cơ cấu đã hoàn thành vượt mức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank đã chia sẻ về Đề án tái cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Agribank.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank

Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, căn cứ Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg và hướng dẫn, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Theo đó, 9/10 mục tiêu cơ bản tại phương án của Ngân hàng đã hoàn thành vượt mức, trừ mục tiêu tăng vốn điều lệ không đạt.

“Kết quả nổi bật là lợi nhuận trước thuế tăng trên 200%, nợ xấu giảm từ 8,1% xuống còn 1,86%, chất lượng quản trị, điều hành được nâng cao, tiếp tục là Ngân hàng chủ lực thực hiện chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên”, Chủ tịch Agribank nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề xây dựng và triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, ông Ấn thông tin, thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Agribank đã xây dựng và trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; trong đó tập trung vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là, cơ cấu lại toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tích cực thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro; cơ cấu lại hệ thống mạng lưới hiện có, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và tuân thủ quy định của pháp luật; tăng vốn điều lệ đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II; và hiện đại hóa ngân hàng, phát triển mô hình ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, phát triển sản phẩm dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ số nhằm tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng.

“Trên cơ sở phương án đã xây dựng Agribank đã chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại, đến 30/6/2023, Agribank cơ bản đạt và vượt tiến độ mục tiêu đã đề ra, trong đó nổi bật là: Tổng tài sản đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng; Nguồn vốn huy động đạt 1,75 triệu tỷ đồng; Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,45 triệu tỷ đồng; Lợi nhuận tiếp tục đạt theo kế hoạch đề ra, đồng thời vẫn tiếp tục dành hàng ngàn tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vượt qua khó khăn; tiếp tục là doanh nghiệp đi đầu trong công tác an sinh xã hội”, Chủ tịch Agribank cho biết.

Mặc dù đã có những kết quả khả quan nhưng ông Ấn cho biết, còn đúng một nửa thời gian để thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2021-2025, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Agribank xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Một là, về nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dầu Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ. Thực tế tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn.

Hai là, sự phát triển công nghệ, số hóa trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra với tốc độ rất nhanh, xóa nhòa ranh giới về mặt không gian, các công ty fintech vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh đầy tiềm năng cũng như các ngân hàng thương mại cổ phần sẵn sàng đầu tư nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ một cách mau lẹ để chiếm ưu thế so với ngân hàng thương mại nhà nước, đặc biệt là ngân hàng 100% vốn nhà nước như Agribank, với trình tự, thủ tục đầu tư các dự án về công nghệ mất rất nhiều thủ tục và thời gian.

Ngoài ra, khi các ngân hàng thương mại phát triển mạnh ứng dụng cho vay bằng phương tiện điện tử, sẽ là thách thức trực tiếp về tính hiệu quả và khả năng tồn tại của mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng lớn và số lượng cán bộ đông tại nông thôn của Agribank.

Ba là, về đảm bảo vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II vẫn là thách thức lớn mặc dầu theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ tối đa là 17.100 tỷ đồng cho Agribank giai đoạn 2021-2023. Tuy nhiên, với số vốn tăng thêm này cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Agribank đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Agribank, trong thời gian chống chọi với Covid-19, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn, chính sách cấm vận, cạnh tranh chiến lược kéo dài, đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, sức cầu cả trong nước và quốc tế giảm thấp, hàng tồn kho tăng cao, quan hệ kinh tế, thương mại suy giảm nghiêm trọng.

“Vì vậy, mặc dù Agribank đưa rất nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, đến 30/6 mới chỉ đạt khoảng 1,2% so với đầu năm 2023 dù lãi suất cho vay của Agribank đã giảm từ 2-4% tuỳ theo đối tượng khách hàng và Agribank tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc trực tiếp các Chi nhánh trong toàn hệ thống để đánh giá nguyên nhân, tìm ra giải pháp tăng trưởng tín dụng”, ông Ấn nói.

Theo ông Ấn, việc tăng trưởng thấp của Agribank vừa do tính chất mùa vụ trong hoạt động nông nghiệp nhưng bên cạnh đó còn do những nguyên nhân cơ bản như: khách hàng không đáp ứng các điều kiện cho vay như các đại biểu khác đã đề cập, như có khách hàng vay để đảo nợ tránh nợ xấu tại ngân hàng khác, để cơ cấu lại tài chính, thanh toán trái phiếu đã phát hành nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay, hoặc là khách hàng trong tình trạng hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu vay vốn vì không có thị trường tiêu thụ, thậm chí khi có nguồn sẵn sàng trả để giảm dư nợ để chờ thời cơ phục hồi kinh doanh.

Chủ tịch Agribank nêu quan điểm: “Trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo cơ chế tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước, qua đó ưu tiên quản lý mục tiêu thay cho quản lý hành vi, để ngân hàng thương mại nhà nước chủ động, linh hoạt, có nhiều giải pháp sáng tạo trong đầu tư vào công nghệ, phối hợp với các công ty Fintech để tạo các sản phẩm dịch vụ mới một cách nhanh nhất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.

“Cuối cùng, chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của Agribank”, ông Ấn nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục