Bến Tre lần đầu đứng ở vị trí thứ tư trên Bảng Xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, ông nhìn nhận thế nào về vị trí này?
Tôi cám ơn doanh nghiệp đã ghi điểm. Doanh nghiệp kỳ vọng nhiều nên mới được như vậy. Khi doanh nghiệp đặt bút xuống chấm điểm, họ đã nghĩ về chúng tôi, ghi nhận đóng góp của chính quyền.
Sau khi nhận vinh dự này, tôi đã nói lời cám ơn các doanh nghiệp ngay tại Cà phê doanh nhân cuối tháng 3 vừa rồi.
Doanh nghiệp tại Bến Tre có kênh nào để gặp lãnh đạo địa phương, nhất là khi có vướng mắc cần tháo gỡ, thưa ông?
Chúng tôi có Chương trình Cà phê doanh nhân vào cuối tháng. Đây là hoạt động cố định, các doanh nghiệp có thể đến, cùng uống cà phê, trao đổi thoải mái. Mỗi tháng có một chủ đề, như về bất động sản, các vấn đề về môi trường... Ví dụ đợt vừa rồi, các doanh nghiệp sản xuất thạch dừa gặp khó khăn về việc di dời, mặt bằng..., chúng tôi đến và ngồi bàn cách xử lý...
Tất nhiên, trong các cuộc gặp này, có những vướng mắc không nằm trong chủ đề của tháng, như doanh nghiệp vướng thanh tra, kiểm tra..., có thể nêu ý kiến mà không phải đợi.
Mỗi quý, chúng tôi tổ chức một diễn đàn do các sở chuyên ngành thực hiện. Tháng Tư có diễn đàn về ngân hàng và doanh nghiệp, vào 24/4 tới.
Ngoài ra, chúng tôi có thêm chương trình đối thoại với công đoàn, công nhân trong doanh nghiệp, hoạt động với giới khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp muốn làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương, có thể đăng ký qua Trung tâm xúc tiến thương mại – đầu tư để có lịch làn việc. Doanh nghiệp yêu cầu gặp Chủ tịch, tôi sẽ bố trí.
Về mô hình cà phê doanh nhân, ở một số địa phương, doanh nghiệp kêu không hiệu quả do các kiến nghị không được giải quyết ngay, nên họ không mặn mà. Ông thấy ý kiến này thế nào?
Ở Bến Tre, tôi trực tiếp tham gia Chương trình Cà phê doanh nhân, không bao giờ để phó chủ tịch thay. Tôi luôn bắt đầu bằng câu hỏi, tháng qua doanh nghiệp nào có bức xúc gì không, cứ nói và tôi trực tiếp trả lời.
Vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành nào, có giám đốc sở đó có mặt trả lời. Nếu vì lý do nào đó giám đốc sở vắng, tôi trực tiếp điện yêu cầu trả lời luôn. Tương tự với lãnh đạo các huyện, xã.
Các vấn đề doanh nghiệp đưa ra đều phải có người trả lời, có cách xử lý, nếu cần phối hợp thì sẽ phối hợp ngay. Như vậy thì doanh nghiệp mới đến và nói.
Theo ông, doanh nghiệp đang cần nhất điều gì ở chính quyền địa phương?
Đa số họ cần thông tin. Hai là gỡ vướng về hồ sơ. Ba là các vấn đề về xử phạt.
Doanh nghiệp luôn muốn tận dụng cơ hội nhanh, nhiều khi phải tranh thủ, gấp rút về đơn hàng nên có khi không tuân thủ đúng thủ tục, bị phạt... Chúng tôi hiểu, nên cố gắng hỗ trợ để có thể nhanh nhất về thủ tục, tư vấn cho doanh nghiệp tốt nhất....
Tôi từng làm doanh nghiệp nên cũng hiểu.
Ông nghĩ thế nào khi trong đánh giá PCI 2018, doanh nghiệp vẫn trả lời có chi phí không chính thức?
Cũng buồn cười, nhiều doanh nghiệp đến làm việc với chúng tôi, cứ đăng ký gặp rồi kẹp phong bì vào sổ, chứ chúng tôi đâu có đòi hỏi gì. Nhưng đó là thực tế! Có vẻ nhiều doanh nghiệp coi cần phải như vậy, xác định tiếp cận là phải tốn chi phí. Nhiều khi thành thông lệ, như đi đám cưới, đám ma là phải có cái phong bì. Không có cái gì đưa hình như mọi người thấy thiếu thiếu.
Tôi thực sự không hiểu và thấy rất kỳ kỳ.
Ông có chia sẻ vấn đề này với các doanh nghiệp không?
Nói chớ. Tôi nói thẳng với doanh nghiệp trong tỉnh việc này. Doanh nghiệp Bến Tre không có chuyện này, không doanh nghiệp nào cho tôi đồng nào.
Doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin với ông qua mạng xã hội không? Ông có dùng facebook không?
Có chứ, tôi có facebook. Nhiều ý kiến đưa lên facebook, như các vấn đề về giải tỏa, đền bù, tôi cũng đưa lên, trao đổi. Nhưng cũng thẳng thắn nói rõ, có những thông tin phải bỏ qua, không comment, không tham gia tranh luận...