Thủy điện nhỏ chờ giá mới
Nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện nhỏ đang lo lắng cho dòng tiền khi tới tháng 3/2023, Biểu giá chi phí tránh được năm 2023 vẫn chưa công bố.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một số doanh nghiệp cho hay, họ khá lo lắng vì nếu không có giá chính thức thì việc thanh toán tiền bán điện sẽ khó khăn. Chưa kể, tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện phải đương đầu với lỗ lớn do giá bán điện ra cho các hộ tiêu dùng đã đứng im trong 4 năm qua, mà giá đầu vào một số nguồn điện chạy nền khá cao do giá nhiên liệu chịu tác động của chiến tranh và khủng hoảng kinh tế thế giới.
“Nếu dòng tiền bị đứt 2-3 tháng thì các nhà đầu tư gặp khó khăn”, một nhà đầu tư nói và cho hay, giá bán điện của các nhà máy thủy điện nhỏ theo Biểu giá chi phí tránh được cũng không có thay đổi gì từ năm 2020 tới nay.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về lo lắng này, đại diện Công ty Mua bán điện (EPTC) cho hay, hiện mức giá tạm thanh toán cho các chủ đầu tư thủy điện nhỏ vẫn tính theo mức của năm 2022 và đang chờ quy định chính thức cho năm 2023.
Được biết, mục đích của cơ chế chi phí tránh được nhằm khuyến khích các nhà máy điện phát điện tại các khung giờ có nhu cầu sử dụng điện cao với mục đích góp phần giải quyết bài toán thiếu công suất, quá tải lưới điện, điện áp thấp, giúp vận hành ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, đó là với các nhà máy thủy điện nhỏ chưa hết thời gian được quy định trong hợp đồng mua bán điện (PPA), còn với các nhà máy đang ở cảnh hết hạn hợp đồng mua bán điện hoặc có hợp đồng mua bán điện nhưng giá điện đã hết hiệu lực thì mối lo còn lớn hơn.
Nguyên do, theo Thông tư số 13/2017/TT-BCT, Thông tư số 56/2014/TT-BCT, Thông tư số 30/2014/TT-BCT và Thông tư số 57/2014/TTBCT, cũng như Văn bản số 12158/BCT-ĐTĐL, EVN chỉ được phép vận hành các nhà máy điện này trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Như vậy, dù các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn còn vận hành được, nhưng lại không thể bán điện cho EVN để tận dụng nguồn tài nguyên trời cho.
Ngay chính EVN cũng đã thấy sự cần thiết của việc huy động thêm các nguồn thủy điện nhỏ nhằm giảm áp lực cho hệ thống trong những tình huống liên quan, nên cũng đã kiến nghị, trong khi chờ đàm phán giá điện theo hướng dẫn của Cục Điều tiết điện lực, cho phép EVN ký hợp đồng với giá điện bằng chi phí vận hành và bảo dưỡng, các khoản thuế, phí theo quy định (thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước) để có cơ sở vận hành các nhà máy điện trên, tránh lãng phí tài nguyên.
Dẫu vậy thì mọi chuyện vẫn đang chờ cơ quan chức năng hướng dẫn.
Theo thống kê, tổng công suất đã phát điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cả nước ước đạt 3.600 MW, đóng góp trung bình hàng năm hơn 14 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia.
Tính đến tháng 6/2021, trên toàn hệ thống điện quốc gia có 457 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt là 4.698 MW.
Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện nhỏ cũng lo ngại khi EVN đã đề xuất Bộ Công thương sửa đổi Thông tư 32/2014/TT-BCT theo hướng quy định, hàng năm, EVN sẽ tính toán báo cáo Bộ Công thương xem xét, phê duyệt giờ được hưởng giá công suất tránh được cho các nhà máy thủy điện nhỏ, theo từng miền và theo từng mùa.
Mặc dù điều này xuất phát từ thực tế miền Trung và miền Nam thời gian qua đã có thêm các nguồn điện mặt trời, điện gió với quy mô lớn, dẫn tới có những thời điểm hệ thống điện xảy ra hiện tượng thừa nguồn miền Trung, Nam, hoặc quá tải lưới điện liên kết giữa các miền Nam, Trung và miền Bắc do các nguồn điện mặt trời/ điện gió phát cao.
Vì vậy, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phải thực hiện tiết giảm công suất phát của tất cả các loại hình nguồn điện, trong đó có các nhà máy thủy điện nhỏ.
Song các nhà đầu tư cũng lo ngại, thay vì quy định thống nhất và áp dụng công bằng, công khai, minh bạch giữa các nhà máy điện như hiện nay, thì EVN sẽ áp dụng với mỗi nhà máy một kiểu, mỗi vùng miền một cơ chế khác nhau.
Điều này khiến nhiều nhà máy thủy điện nhỏ sẽ luôn trong cảnh “lo ngay ngáy” vì mỗi năm, mỗi thời điểm lại phải thực thi và tuân thủ các quy định khác nhau, không thể lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh chủ động.
|
Điện gió và điện mặt trời dở dang chờ đàm phán
Cũng liên quan tới năng lượng tái tạo còn có các dự án điện gió và điện mặt trời đầu tư không kịp các mốc giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) được quy định.
Để phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện của một phần nhà máy điện/toàn bộ nhà máy điện chưa có giá điện, ngày 9/3, Công ty Mua bán điện cũng đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời rà soát hồ sơ pháp lý của dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng. Đặc biệt là các hồ sơ đánh giá của đơn vị vận hành hệ thống điện về khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia, cũng như khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến dự án.
Cụ thể, Công ty Mua bán điện đề nghị các nhà đầu tư xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư 57/2020/TT-BCT.
Trước đó, ngày 2/3/2023, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện theo chỉ đạo của cơ quan.
Mặc dù nguyên tắc xác định giá phát điện là “bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực” và “không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt”, nhưng việc này cũng được các chủ đầu tư cho là thách thức lớn.
Nguyên do, khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khá thấp so với các mức giá FIT giai đoạn liền trước đó.
Đại diện một chủ đầu tư có dự án hụt FIT cho rằng, mọi chuyện vẫn là quả bóng đưa qua đưa lại cho hết trách nhiệm. Hiện các dự án dở dang đang hoàn thiện bản kiến nghị tập thể để gửi các cơ quan chức năng.