Chủ đầu tư khu công nghiệp tăng tốc đón 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà phát triển khu công nghiệp đang đẩy nhanh mở rộng quỹ đất, xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp mới… nhằm đón đầu nhu cầu khách thuê dự báo tăng nhanh trong năm 2022.
Lĩnh vực bất động sản công nghiệp còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ảnh: Việt Hương Lĩnh vực bất động sản công nghiệp còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ảnh: Việt Hương

Gấp rút chuẩn bị

Ngay trong thời điểm Covid-19 diễn biến căng thẳng nhất, TNI Holdings Vietnam vẫn triển khai kế hoạch phát triển thêm 3 khu công nghiệp mới tại Gia Lộc - Hải Dương (198 ha), Sông Lô 1 - Vĩnh Phúc (177 ha), Đông Bình - Vĩnh Long (350 ha).

Chia sẻ với phóng viên, đại diện TNI Holdings Vietnam cho biết, hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp của doanh nghiệp này không bị ảnh hưởng nhiều trong mùa dịch bởi đã tìm hiểu thị trường từ trước đó. Theo vị này, bên cạnh kho xưởng xây sẵn, nhu cầu đối với đất công nghiệp và hậu cần sẽ vẫn là nhu cầu chính của thị trường trong năm tới và TNI Holdings Vietnam đang đẩy nhanh việc xây mới các khu công nghiệp để đón đầu nhu cầu này.

Thông tin từ KCN Việt Nam cho hay, nhà phát triển khu công nghiệp này đã nhận bàn giao 2 lô đất tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II (TP. Hải Phòng) với diện tích lần lượt là 10,6 ha và 12,6 ha. Hiện KCN Việt Nam đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng khu công nghiệp mới dự kiến vào tháng 4/2022, qua đó cung ứng ra thị trường khoảng 71.000 m2 nhà xưởng xây sẵn và 81.000 m2 nhà kho trước tháng 12/2022.

Theo bà Trân Huỳnh, Giám đốc điều hành KCN Việt Nam, đơn vị này sẽ phát triển sản phẩm với tiêu chí đáp ứng được đa dạng nhu cầu của khách hàng về chất lượng và tiêu chuẩn vận hành. Với định hướng phát triển bền vững, KCN Việt Nam sẽ đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời áp mái để cung cấp nguồn năng lượng sạch cho khách thuê.

Tương tự, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cho biết, từ đầu tháng 11/2021, Khu công nghiệp Hựu Thạnh do IDICO làm chủ đầu tư đã đủ điều kiện tiếp nhận khách thuê với diện tích khoảng 120 ha, đồng thời hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa và giải phóng mặt bằng giai đoạn II Khu công nghiệp Cầu Nghìn (Thái Bình). Những khu công nghiệp khác của IDICO như Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng cũng đang tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình để chuẩn bị đón khách thuê.

“Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với IDICO sau khi thoái hết phần vốn nhà nước và chuyển sang mô hình hoạt động mới. Do đó, việc đẩy mạnh và phát triển các lĩnh vực kinh doanh then chốt như khu công nghiệp, bất động sản nhà ở khu công nghiệp, năng lượng và kho bãi, nhà xưởng cho thuê... là mục tiêu hàng đầu IDICO hướng tới trong giai đoạn tới”, vị đại diện IDICO nói.

Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) cũng đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng để xúc tiến cho thuê lại đất khi dự án Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II quy mô gần 346 ha hoàn thành hồ sơ pháp lý.

Ông Hà Trọng Bình, Tổng giám đốc Công ty cho hay, định hướng của Nam Tân Uyên là thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, quy mô đầu tư lớn.

Bắt mạch đầu tư

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài khiến thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam nhiều phen chao đảo, nhưng với nhà đầu tư quốc tế, đây vẫn là thị trường rất hấp dẫn nhờ nhiều yếu tố thuận lợi như nền kinh tế tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn, nhiều hiệp định thương mại tự do mới được ký kết...

Số liệu của Savills Việt Nam cho thấy, nhiều khu công nghiệp mới đã được thành lập ngay trong dịch và các dự án công nghiệp trọng điểm bắt đầu hoạt động trở lại ngay sau giãn cách. Tính từ đầu năm 2021 tới nay, có 25 khu công nghiệp mới được thành lập, tăng 19 khu so với cùng kỳ năm 2020.

Về tỷ lệ lấp đầy và giá thuê, theo Savills Việt Nam, nhìn chung vẫn duy trì sự tăng trưởng so với năm trước. Chẳng hạn, ở khu vực phía Bắc, giá thuê đất công nghiệp tại Bắc Ninh đạt 106 USD/m2 (tăng 11%), tỷ lệ lấp đầy 99%; Hưng Yên là 101 USD/m2 (tăng 22%), tỷ lệ lấp đầy 88%; Hải Dương là 79 USD/m2 (tăng 4%), tỷ lệ lấp đầy 86%...

Ở khu vực phía Nam, giá thuê đất cao nhất tại TP.HCM là 161 USD/m2 (tăng 9%), tỷ lệ lấp đầy 100%; tiếp đến là Long An với 138 USD/m2 (tăng 12%), tỷ lệ lấp đầy 84%; Bình Dương là 108 USD/m2 (tăng 1%), tỷ lệ lấp đầy 91%; Đồng Nai là 104 USD/m2 (tăng 6%), tỷ lệ lấp đầy 95%. Đặc biệt, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá thuê đất tăng tới 45% lên mức 94 USD/m2, tỷ lệ lấp đầy đạt 80%.

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định, việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Chính phủ một cách khá “thông đồng bén giọt” hơn 1 tháng qua đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Từ tháng 11, những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố hứa hẹn thúc đẩy lĩnh vực bất động sản công nghiệp tăng tốc trong quý IV/2021, tạo nền tảng cho một năm 2022 thành công.

“Cùng với kế hoạch mở cửa trở lại, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình các nhà đầu tư nước ngoài, hứa hẹn khả năng phục hồi và thích ứng của các doanh nghiệp địa phương. Điều này cho thấy kỳ vọng kinh tế Việt Nam nói chung, lĩnh vực bất động sản công nghiệp nói riêng không chỉ phục hồi, mà còn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, ông John Campbell nhấn mạnh.

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam quý IV/2021 công bố gần đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá rất cao triển vọng của ngành bất động sản công nghiệp, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đã cho thấy các nhà sản xuất cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam được xem là điểm đến thích hợp.

Theo một khảo sát từ Gartner, 33% nhà cung ứng dự định sẽ dời một phần nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc vào năm 2023 và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhờ lợi thế về vị trị địa lý khi nằm ngay cạnh Trung Quốc và chi phí nhân công rẻ (252 USD/tháng, bằng 1/4 Trung Quốc). Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp của Việt Nam ngày càng được cải thiện cũng là điểm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

“Đây sẽ là các yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI trong dài hạn, đồng thời là yếu tố tích cực với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất lớn với giá vốn rẻ, có đất đai tại các khu vực hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy cầu đầu tư công, dịch chuyển chuỗi cung ứng…”, báo cáo KBSV đánh giá.

Theo ghi nhận của phóng viên, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex) hiện là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn nhất cả nước với hơn 1.400 ha, cũng là đơn vị phát triển khu công nghiệp lớn nhất tại miền Nam, tập trung chủ yếu tại tỉnh Bình Dương với 7 khu công nghiệp.

Đứng sau Becamex là Sonadezi Châu Đức khi sở hữu Khu công nghiệp Châu Đức với tổng diện tích 1.215 ha, trong đó tỷ lệ lấp đầy mới đạt 30%. Ở phía Bắc, Tổng công ty Viglacera - CTCP sở hữu quỹ đất công nghiệp lớn nhất trong các công ty bất động sản công nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán với 10 khu công nghiệp và diện tích sẵn sàng cho thuê là hơn 1.100 ha.

Theo các thành viên thị trường, giai đoạn khó khăn nhất đối với các nhà phát triển bất động sản công nghiệp đã đi qua, khi nhiều địa phương bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ tháng 10/2021, đặc biệt là TP.HCM và Bình Dương. Với việc hoạt động sản xuất công nghiệp được mở cửa trở lại, sự bứt phá của nhóm doanh nghiệp này chỉ là vấn đề thời gian, cho dù các quy định về phòng, chống dịch vẫn được duy trì ở các khu công nghiệp.

Ninh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục