Vừa qua, TP. HCM đã quyết định ngưng giải quyết các dự án phát triển đô thị mới cho CTCP Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (Công ty 584) cho đến khi giải quyết xong tồn tại của dự án cũ.
Động thái mạnh mẽ này của TP. HCM được nhiều người đánh giá cao và cần áp dụng với nhiều chủ đầu tư “lởm khởm” khác. Tuy nhiên, việc này cũng không thể giúp người mua nhà lấy lại được tiền hoặc có được căn hộ mà họ đã bỏ tiền ra mua tại Dự án 584 Lilama SHB Trịnh Đình Trọng.
Thực tế, dự án này được Lilama SHB xây dựng và sau này, khi những bê bối xảy ra, thì Công ty 584 mới tiếp quản lại dự án. Nhiều phương án đã được Công ty 584 và khách hàng đưa ra như ký hợp đồng mới, trả lại tiền cho khách hàng. Thế nhưng, điểm mấu chốt là Công ty 584 và Lilama SHB không giải quyết được vướng mắc nội bộ, như việc Lalama SHB bán căn hộ cho các sàn, các sàn bán lại cho người mua. Khi khách hàng mua nhà muốn lấy lại tiền, Công ty 584 yêu cầu Lilama SHB xác nhận căn hộ thuộc sàn hay của khách hàng, để tránh tình trạng 1 căn hộ phải hoàn tiền 2 lần, nhưng Lilama SHB không xác nhận.
Tranh chấp giữa nội bộ chủ đầu tư mới và cũ khiến khách hàng không đòi lại được tiền và khiếu kiện, dẫn đến việc ngân hàng dừng giải ngân để làm sáng tỏ vấn đề này.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty 584 cho biết, sẽ giải quyết tranh chấp tại dự án này theo luật pháp. Như vậy, thời gian chờ đợi để giải quyết vụ việc sẽ còn kéo dài và thiệt thòi nhất vẫn là người mua nhà.
Dự án 584 Lilama SHB Trịnh Đình Trọng chỉ là một trong số hàng trăm dự án mà khách hàng là nạn nhân do lục đục nội bộ giữa các chủ đầu tư.
Không chỉ khách hàng mua nhà tại các dự án chưa hoàn thành, đang có tranh chấp như Dự án 584, mà ngay cả tại các dự án đã hoàn thành, cư dân cũng chịu thiệt thòi do sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư.
Chẳng hạn, tại Dự án Thái An (quận 12, TP. HCM) của Công ty Địa ốc Đất Lành có nhiều hộ dân vẫn chưa làm được sổ đỏ khi vấn đề có hay không các hộ dân phải đóng từ 1,5 - 2,5 triệu đồng tiền phí “bôi trơn” để làm sổ đỏ được mỗi bên giải thích theo một cách khác nhau.
Bên cạnh đó, chung cư này còn diễn ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan đến quản phí quỹ bảo trì chung cư. Hiện dự án chưa có quỹ này do chủ đầu tư va cư dân tranh cãi nhau về trách nhiệm bên nào sẽ nộp.
Lý giải nguyên nhân của việc để 2% phí bảo trì theo quy định ngoài hợp đồng, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết: “Khi thực hiện dự án thì quy định về phí vảo trì, cũng như quản lý chung cư chưa rõ ràng. Để cho căn hộ có giá thành thấp nhất đúng với ý nghĩa nhà giá rẻ, nên phần phí này Công ty không thu”.
Tuy nhiên, hiện Đất Lành đã gần như rút chân khỏi thị trường bất động sản, nên việc giữ uy tín không phải là vấn đề mà công ty này e dè. Thế nên, thiệt thòi vẫn thuộc về khách hàng.
Ngoài ra, cũng phải kể đến nhiều cư dân bị chính chủ đầu tư đem căn hộ của mình đi thế chấp ngân hàng, như tình trạng xảy ra tại Dự án The Hamora…
Sau khi lỗi hẹn bàn giao nhà 2 năm, chủ đầu tư Dự án Bảy Hiền Tower (quận Thủ Đức, TP. HCM) đã bàn giao căn hộ dự án này cho khách hàng dọn về ở. Tuy nhiên, khi người dân đã dọn về ở, chính quyền địa phương thông báo cắt điện, nước do dự án chưa hoàn thiện. Như vậy, hàng chục hộ dân tại dự án này phải rời khỏi căn hộ của mình do lỗi của chủ đầu tư.
Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong các trường hợp trên, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sảnViệt Nam cho rằng: “Việc chủ đầu tư gian dối đã rõ, nên không thể có chuyện đuổi người mua ra khỏi căn hộ của họ. Mua bán đã có hợp đồng ký kết, người mua đã nộp tiền. Việc tranh chấp sở hữu, thì chủ đầu tư và ngân hàng phải giải quyết với nhau, nếu có tranh chấp thì đưa nhau ra toà”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com