Kỳ sát hạch nghiệt ngã
Nếu đặt một câu hỏi về tình hình kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay, thì có lẽ, câu trả lời của hầu hết doanh nghiệp chính là: “Chưa bao giờ khó khăn như hiện nay”.
Những khó khăn chưa được đong đếm một cách tổng thể. Kết quả cuối cùng cuộc điều tra lần thứ hai của Tổng cục Thống kê về ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng chưa được công bố.
Song những con số thống kê về tình hình phát triển doanh nghiệp trong 9 tháng qua đã cho thấy, đại dịch đã trở thành kỳ sát hạch nghiệt ngã đến chừng nào.
Trong 9 tháng, có 98.955 doanh nghiệp được thành lập mới, 34.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng cũng đã có tới 78.306 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nếu chỉ tính riêng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, con số lên tới 38.629 doanh nghiệp, tăng 81,8% với cùng kỳ năm 2019.
Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong cùng kỳ các năm giai đoạn 2015-2020, cho thấy sự ảnh hưởng lớn và dai dẳng của dịch bệnh đến hoạt động của doanh nghiệp lớn đến chừng nào.
Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần thừa nhận: “Lực lượng doanh nghiệp, bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đang bị tổn thương nặng nề”.
Covid-19 càng bộc lộ rõ các điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp Việt: chẳng chịu lớn, yếu năng lực cạnh tranh, không liên kết được với doanh nghiệp ngoại, cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn quá nhỏ nhoi.
Nhưng trong thách thức, còn có cả cơ hội. Cơ hội ở đây, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính là để doanh nghiệp Việt “sát hạch” lại năng lực, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, từ đó tái cấu trúc theo hướng hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Cơ hội không chỉ với riêng doanh nghiệp, mà với toàn nền kinh tế. Covid-19 cũng là cơ hội để cả thế giới biết đến Việt Nam về một “sự tin cậy chiến lược”, về một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.
Covid-19 tạo nên cú sốc lớn cho kinh tế toàn cầu, nhưng cũng mang tới các cơ hội, khi đã tạo ra xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, đồng thời định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam, nhờ thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, có thể đi trước một bước trong phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.
Đó là thời cơ, mà như các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nói, là “quý báu”, là “không dễ gì có được”, khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ.
Và vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định, ngay lúc này, phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ vàng, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.
Giữ vững “ba chân trụ” của nền kinh tế
Trong 9 tháng qua, để chống suy giảm kinh tế, phục hồi tăng trưởng, Chính phủ đã thực hiện một loạt giải pháp, từ hỗ trợ an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư công…
Nhiều giải pháp được thực hiện đồng thời, nhưng thực chất, cái đích hướng đến cuối cùng cũng là doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp khỏe, nền kinh tế khỏe, kéo theo đó sẽ là việc làm, là thu nhập của người dân, là an sinh xã hội.
Cũng vì thế, các nhóm giải pháp hỗ trợ được nhắm tới cả 3 khu vực doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và cả doanh nghiệp nước ngoài, kể cả là miễn giảm thuế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận thị trường và tín dụng, hay gỡ nút thắt trong kinh doanh...
Từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 đều có các cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng.
Các đoàn công tác của Chính phủ tới các địa phương để thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, vì thế không chỉ lo cho từng dự án sử dụng vốn đầu tư nhà nước, mà còn cả các dự án của nhà đầu tư nước ngoài, của doanh nghiệp tư nhân. Khi cả “3 chân trụ” khỏe, cơ hội để cả nền kinh tế hồi phục càng lớn hơn.
Và cũng vì thế, khi đề xuất các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu rất rõ ràng.
Một mặt, làm sao phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế; tập trung phát triển sản xuất các loại vật liệu cơ bản, vật liệu mới để bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu; đồng thời hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, chuỗi liên kết thuần Việt.
Mặt khác, thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển.
Việc này không chỉ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang hoạt động, mà còn để thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển trên toàn cầu.
Hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, thành tựu lớn cũng có, nhưng hạn chế vẫn còn, nên đã có những ý kiến băn khoăn rằng, có cần thiết thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đối với doanh nghiệp FDI, cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam.
Có điều bây giờ, tư duy và quan điểm đã khác. Không phải là những doanh nghiệp FDI tách biệt với các khu vực khác của nền kinh tế, mà là “xây dựng mối quan hệ tương sinh với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước, với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển”.
Trong bối cảnh ấy, mục tiêu rất rõ ràng cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Đó là, với doanh nghiệp khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần tiếp tục phát huy tính bền bỉ, dẻo dai, sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, để duy trì sản xuất - kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động; đồng thời, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn các chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, Bộ trưởng kỳ vọng lớn hơn. Đó là họ cần củng cố nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tàu, ưu tiên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị của mình; cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.
Với doanh nghiệp nhà nước, khẳng định khu vực này còn nhiều dư địa trong hoạt động đầu tư, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần nghiên cứu một cách sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức để định hình được chiến lược phát triển của mình.
Cần tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, thực hiện quản trị chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể trở thành lực lượng tiên phong, đảm đương vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực, tạo sự lan tỏa, lôi kéo doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước cùng phát triển.
Chớp thời cơ vàng để lớn mạnh và cùng thắng
Chưa bao giờ, tinh thần “win-win” trong hợp tác giữa các doanh nghiệp được đề cao như thế.
Cũng chưa bao giờ, sau hàng loạt nghị quyết đã được ban hành về phát triển doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và thu hút FDI cách đây 1-2 năm, Chính phủ lại ban hành nhiều cơ chế, chính sách và sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện để tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phát triển đến thế.Cả Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, Luật Đầu tư sửa đổi, các chính sách đang được xây dựng đều hướng tới khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy chuỗi giá trị.
Cả Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, Luật Đầu tư sửa đổi, các chính sách đang được xây dựng đều hướng tới khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy chuỗi giá trị.
Để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, cũng như thu hút đầu tư các tập đoàn lớn trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư.
Chẳng hạn, chuẩn bị hạ tầng đất đai, mặt bằng sạch; đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Chưa kể, Chính phủ còn quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để đón các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới. Các đề án, chiến lược thu hút FDI giai đoạn hậu Covid-19, giai đoạn 10 năm tới cũng đã và đang được hình thành.
Lần đầu tiên, rất nhiều cơ chế, chính sách mới đã và đang được xây dựng, để làm sao Việt Nam có thể vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội trong trạng thái “bình thường mới”. Các giải pháp để tái khởi động kinh doanh, thu hút dòng vốn đầu tư lưu động, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nội địa vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng đang tiếp tục được thảo luận và xây dựng.
Dự kiến, vấn đề này sẽ được đưa ra mổ xẻ và thảo luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2020, với mục đích cuối cùng là làm sao tất cả các doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam chớp được cơ hội vàng để cùng lớn mạnh và cùng thắng.
Để cùng lớn mạnh và cùng thắng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai 3 chương trình lớn: đổi mới sáng tạo, liên kết doanh nghiệp và chuyển đổi số doanh nghiệp.
Trong đó, chuyển đổi số là rất quan trọng, bởi dựa trên nền tảng này, doanh nghiệp mới có thể nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Nhưng trước đó, sẽ là các giải pháp để doanh nghiệp Việt lớn mạnh, đủ sức làm đối tác và gia nhập chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI. Đấy cũng là cách để kinh tế Việt Nam vững mạnh.