Chống thất thu thuế từ quảng cáo xuyên biên giới: Cần “cây gậy” hơn “củ cà rốt”

0:00 / 0:00
0:00
Xử lý việc thu hàng tỷ USD nhưng không nộp thuế, trốn thuế, né thuế của các tập đoàn công nghệ xuyên biên giới là vấn đề không hề đơn giản…
Chống thất thu thuế từ quảng cáo xuyên biên giới: Cần “cây gậy” hơn “củ cà rốt”

Doanh thu hàng tỷ USD, nhưng trốn, né thuế tại Việt Nam

Tổng cục Thuế cho hay, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động xuyên biên giới kiếm tiền “đầy chậu, đầy bát” tại Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam là khoảng 1 tỷ USD, thì bộ đôi Google, Facebook chiếm hơn 80%, tức hơn 800 triệu USD, theo báo cáo của Vietnam Digital Marketing Trends 2021.

Dù thu hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm, nhưng số tiền thuế Việt Nam thu được từ 15 tập đoàn trên rất ít ỏi, chỉ hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, số tiền này không phải do họ chi trả, mà buộc các nhà thầu, đại lý phải nộp, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam.

“Thống kê cho thấy, từ năm 2018 đến hết tháng 10/2021, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền hơn 4.263 tỷ đồng, trong đó Facebook hơn 1.641 tỷ đồng; Google hơn 1.573 tỷ đồng; Microsoft hơn 560 tỷ đồng… Năm 2020, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt trên 1.143 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết.

Riêng năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... là 1.314 tỷ đồng, trong đó, Facebook là 521 tỷ đồng, Google 490 tỷ đồng, Microsoft 164 tỷ đồng…

Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, “số thuế thu được chưa tương xứng với doanh thu, tiềm năng của thương mại điện tử”. Với mô hình hoạt động xuyên biên giới, không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam, việc quản lý, giám sát, thu thập thông tin số liệu rất khó khăn, khiến việc kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế không được chính xác và thực chất đây là hành vi trốn thuế…

Còn ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, hiện dữ liệu về hành vi người đọc thông tin và người mua hàng đều nằm trong tay các nền tảng công nghệ xuyên biên giới, khiến phần lớn chi phí quảng cáo đều chảy vào các công ty công nghệ nước ngoài.

Theo đó, sự chi phối về kinh tế quảng cáo của các mạng xã hội nước ngoài hoặc mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới không chỉ làm mất đi nguồn lực to lớn giúp ngành quảng cáo vươn lên, mà còn khiến quảng cáo của doanh nghiệp Việt nhiều lúc bị xuất hiện bên cạnh các nội dung nhảm, kém chất lượng, chưa kể đến việc nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật có thể xuất hiện trên những trang báo điện tử chính thống.

Làm gì để thu đúng, thu đủ?

Ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, cần làm chủ được công nghệ để dữ liệu người dùng không bị doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát, từ đó điều tiết nguồn lực quảng cáo về những nội dung tốt, lành mạnh để phục vụ người dùng.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về xử lý thông tin vi phạm, thanh toán và đóng thuế tại Việt Nam.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế là thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục yêu cầu cục thuế các địa phương chủ động rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube…, để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế.

Trường hợp các tổ chức, cá nhân cố ý không kê khai, nộp thuế, cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thương mại truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Bộ Tài chính đã ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công thương, trong đó có nội dung phối hợp xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trên cơ sở thỏa thuận phối hợp công tác, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) và Bộ Công thương sẽ triển khai chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước”, bà Lan Anh cho biết.

Tổng cục Thuế cũng đề xuất Bộ Tài chính xây dựng các chương trình hợp tác, phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ chế kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế.

Cơ quan thuế sẽ tiếp tục nâng cấp, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, tích hợp giữa hệ thống ngân hàng, các nhà cung cấp nền tảng số để nắm bắt được đối tượng quản lý thuế, số giao dịch phát sinh, doanh số, số thuế phải nộp, nhất là đối với các giao dịch xuyên biên giới, giao dịch thương mại trên các nền tảng số, kinh doanh qua mạng.

Một lãnh đạo cấp bộ, ngành từng tiết lộ, các “ông lớn” xuyên biên giới đang không ngừng gây sức ép qua các con đường ngoại giao, kinh tế để không phải mở văn phòng, đặt máy chủ tại Việt Nam. Việt Nam đã có những giải pháp mềm dẻo, phù hợp với thông lệ và luật quốc tế, nhưng thời gian tới, cũng cần có thêm những “cây gậy” cứng rắn để buộc các “ông lớn” xuyên biên giới phải tuân thủ luật chơi.

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các mạng xã hội bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Cụ thể, Facebook thông báo đã ngăn chặn, gỡ bỏ 3.020 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Trong khi đó, Youtube thông báo đã ngăn chặn, gỡ bỏ 9.885 video đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước...

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục