Trốn thuế qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới
Ngành thương mại điện tử (TMĐT) đang ăn nên, làm ra trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của iPrice cho thấy, trong top 1.200 sản phẩm bán chạy trên các trang TMĐT, tỷ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt chỉ chiếm 20% trong thời điểm các đợt dịch Covid-19 trong năm 2020. Nửa đầu năm 2021, các mặt hàng trong nước chỉ còn chiếm 14% trong top bán chạy.
Có thể thấy, mô hình kinh doanh TMĐT xuyên biên giới đang tồn tại khoảng trống pháp lý. Ví dụ, chưa có quy định riêng về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT. Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có tổng số thuế từ 100.000 đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định số 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng nghị định này chưa quy định cụ thể số lần hoặc lô hàng được miễn thuế, dẫn đến việc người khai hải quan lợi dụng chính sách, chia nhỏ lô hàng để được miễn thuế.
Bộ Tài chính cho biết, hàng hóa xuất nhập khẩu qua kênh TMĐT thời gian qua tăng nhanh. Có những thời điểm hàng giảm giá, nhưng thủ tục hải quan thực hiện như đối với hàng hóa thông thường, nên gặp phải một số vướng mắc, như người mua không nộp hoặc xuất trình được giấy tờ liên quan đến trị giá hàng để xác định giá tính thuế; số lượng các lô hàng nhỏ tăng, cần có giải pháp thúc đẩy thông quan hàng hóa, giảm nguy cơ ách tắc tại cửa khẩu… Cơ quan hải quan chưa có thông tin trước về hàng hóa, nên không đủ cơ sở để ra quyết định miễn kiểm tra.
Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế quản lý đối với hàng xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, nên đã xuất hiện việc mua hộ hàng trên website và vận chuyển hàng về Việt Nam theo con đường không chính thống, nhất là qua biên giới đường bộ, gây khó khăn trong công tác phòng, chống gian lận thương mại.
Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đánh giá, hoạt động TMĐT tăng rất mạnh trong giai đoạn dịch bệnh và xu hướng sẽ tiếp tục phát triển. Cùng với đó, cơ quan hải quan cũng nhận thấy nguy cơ gian lận thương mại gia tăng.
“Doanh nghiệp muốn giảm chi phí, thông quan nhanh, song cơ quan hải quan vẫn phải đảm bảo công tác quản lý, không để tình trạng gian lận, đưa hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vào nội địa. Trên thực tế, đã có trường hợp chia nhỏ lô hàng để gian lận thuế. Vì thế, cần xây dựng cơ chế, chính sách để tạo ra môi trường ổn định, minh bạch. Điều này cũng phù hợp với sự phát triển của TMĐT”, ông Thành nhấn mạnh.
Từ góc nhìn thị trường, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng nhận xét, TMĐT xuyên biên giới đang tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế. Nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... được công khai mua bán trên website, các sàn giao dịch TMĐT. Theo đó, cần thiết phải có những quy định nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu hàng hóa khi đặt mua trực tuyến từ nước ngoài gửi về Việt Nam.
Đưa vào khuôn khổ pháp lý
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT. Theo Dự thảo, mức thuế thu trên hàng hóa mua bán xuyên biên giới qua kênh TMĐT được tính và nộp theo danh mục thuế với hàng hóa xuất/nhập khẩu thông thường. Số thuế sẽ tính trên toàn bộ giá trị số hàng hóa xuất/nhập khẩu.
Trừ hàng miễn thuế, các loại thuế người mua hàng phải nộp gồm: thuế xuất/nhập khẩu, thuế bổ sung (như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng.
Dự thảo Nghị định quy định thêm các đối tượng là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, website TMĐT bán hàng, như Amazon (ở Mỹ), Alibaba (ở Trung Quốc), quy định này tương đồng với quy định người nộp thuế tại Luật Quản lý thuế. Đồng thời, Dự thảo bổ sung quy định: mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng. Trường hợp hàng hóa có giá trị hơn 1 triệu đồng và số thuế nhập khẩu phải nộp trên 100.000 đồng, thì phải nộp thuế nhập khẩu với toàn bộ trị giá hàng nhập khẩu…
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT được ban hành sẽ tạo sự minh bạch, công bằng, thuận lợi cho các sàn TMĐT, đồng thời bảo đảm công tác quản lý, ngăn chặn trốn thuế, kiểm soát chất lượng, dịch vụ hàng hóa. Việc khống chế số đơn hàng được miễn thuế là một trong những biện pháp để ngăn chặn trục lợi chính sách.
Bày tỏ quan điểm về việc xây dựng hàng rào kỹ thuật, luật pháp để ngăn chặn việc trốn thuế, thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, luật sư Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Công ty Luật Khang & Bros đánh giá, đó là việc rất bình thường. Bên cạnh đó, cần có thêm các phương pháp quản lý dựa trên nền tảng công nghệ, bởi đây là đặc thù của TMĐT.
“Ví dụ, cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu việc phối hợp với ngân hàng để kiểm tra đơn hàng có bị đánh thuế hay không, bởi giao dịch TMĐT xuyên biên giới thường thanh toán qua các thẻ ghi nợ, ví điện tử, nên sẽ là cơ sở để hải quan xác định được trị giá tính thuế. Hoặc sàn TMĐT ở Việt Nam phải yêu cầu nhà cung cấp hàng hóa ở nước ngoài cung cấp thông tin với cơ quan chức năng Việt Nam… Như vậy, sẽ không chỉ quản lý được thuế và chất lượng nguồn hàng, mà còn thuận lợi, tránh phát sinh thủ tục và tiêu cực”, luật sư Khang đề xuất.
Theo Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%; riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.
Báo cáo này cũng dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành TMĐT giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025, quy mô ngành TMĐT Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD.