Chóng mặt với cổ phiếu nóng

(ĐTCK) Thời gian qua, thị trường chứng kiến hiện tượng nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh để rồi nhanh chóng rơi sâu. Nhà đầu tư kiếm lời khủng từ những cổ phiếu này không phải không có, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều người hao hụt mạnh tài khoản.
Chóng mặt với cổ phiếu nóng

Từ mức giá 3.700 đồng/cổ phiếu ở thời điểm 3 tháng trước, cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược H.A.I đã phi thẳng lên mức 20.900 đồng/cổ phiếu, để rồi hạ nhiệt dần xuống mức 10.100 đồng/cổ phiếu hiện tại.

Đà tăng của HAI khởi nguồn từ thông tin 6 tháng đầu năm nay, HAI đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu và 72,6% kế hoạch lợi nhuận, với 61 tỷ đồng.

Tuy vậy, căn cứ báo cáo tài chính bán niên năm 2017, giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu HAI chỉ đạt 11.689 đồng tại thời điểm 30/6. Với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng trong năm 2017, lợi nhuận trên mỗi cố phiếu HAI đạt 716 đồng, tương ứng P/E 13,9 lần.

Ngoài ra, thông tin nới room ngoại lên 100% để đón cổ đông chiến lược cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của HAI.

Tăng nhanh rồi rơi cũng nhanh, những nhà đầu tư chậm chân, những nhà đầu tư trót ôm cổ phiếu ở mức giá cao mà không kịp thoát hàng chắc hẳn phải choáng váng khi giá trị tài khoản rơi rụng.

Trong nhóm cổ phiếu nóng thời gian qua, còn có ATG của CTCP An Trường An. Niêm yết vào tháng 8/2016 với giá 11.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ATG có thời điểm tăng lên 15.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó là chuỗi ngày rớt giá thê thảm, xuống 1.710 đồng/cổ phiếu trong vòng hơn 6 tháng.

Trong 3 tháng đầu năm nay, cổ phiếu ATG từ mức 2.000 đồng/cổ phiếu tăng mạnh lên 4.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 100%.

Về tình hình kinh doanh của ATG, nếu như năm 2015, doanh thu của Công ty tăng mạnh so với năm trước đó, thì năm 2016 lại sụt giảm mạnh, khi chỉ bằng 55,9% so với thực hiện năm 2015, đạt 22% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 2016 đạt vỏn vẹn 363 triệu đồng, chỉ đạt 2,2% chỉ tiêu đề ra.

Sáu tháng đầu năm 2017, dù doanh thu của Công ty đạt hơn 48,4 tỷ đồng, cao gấp hơn 5,7 lần cùng kỳ 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 684 triệu đồng, giảm hơn 85%. So với kế hoạch kinh doanh năm 2017, nửa đầu năm, ATG chỉ đạt 48,4% chỉ tiêu doanh thu và 22,8% chỉ tiêu lợi nhuận.

Mặc dù cổ phiếu ATG đang giao dịch với mức giá 3.800 đồng, ATG có mức P/E dự phóng năm 2017 hơn 19 lần.

Với kết quả như vậy, mức tăng phục hồi vừa qua của ATG có bền vững hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ câu trả lời.

Một trường hợp cổ phiếu thăng giáng bất ngờ không thể không kể đến là TNT (của CTCP Tài Nguyên). Từ mức 2.280 đồng/cổ phiếu vào thời điểm giữa tháng 3/2017, cổ phiếu TNT đã tăng lên 5.490 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 7 và hiện đang giao dịch trên mức 4.000 đồng/cổ phiếu. 

Đáng nói là đà tăng của cổ phiếu này không xuất phát từ kỳ vọng lợi nhuận khởi sắc. Sáu tháng đầu năm 2017, TNT đạt doanh thu 40,2 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,7 tỷ đồng trên vốn điều lệ 225 tỷ đồng.

Thực tế, TNT là cổ phiếu liên tục được tạo sóng trên thị trường. Năm 2016, dù TNT ghi nhận kết quả không mấy khả quan, cụ thể doanh thu đạt 86,8 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2015 nhưng lợi nhuận giảm gần 79%, đạt 7,1 tỷ đồng, nhưng có nhiều thời điểm, thị giá cổ phiếu được đẩy lên trên 30.000 đồng/cổ phiếu. 

Các đợt tăng giá của TNT thường gắn với thông tin Chủ tịch Công ty mua vào cổ phiếu, hay kế hoạch đầu tư vào dự án nhà ở tít tận một tỉnh miền núi xa xôi, để rồi sau đó không có những thông tin cụ thể về hiệu quả của đợt đầu tư đó…

Có câu “bạo phát bạo tàn”, rủi ro mất tiền lớn khi đầu cổ phiếu tăng nóng luôn là bài học đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư cần phải thật sự sáng suốt để lựa chọn cổ phiếu đầu tư và cuộc đua giá chắc chắn không dành cho những người yếu tim.    

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục