Ông có nghĩ rằng, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa gần đây có xu hướng giảm?
Lợi dụng ưu đãi thuế quan mà các đối tác áp dụng đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam, đã xuất hiện tình trạng gian lận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu. Kể từ giữa năm 2018 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa đã trở thành vấn đề nóng bỏng, gây nguy hại tới hoạt động sản xuất trong nước, làm giảm uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Nếu không có các giải pháp xử lý mạnh tay, kiên quyết thì tình trạng gian lận xuất xứ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước thực tế đó, Tổng cục Hải quan đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để thực thiện chuyên đề chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Tổ công tác đặc biệt cùng các cơ quan hữu quan đã tiến hành thu thập, phân tích thông tin và phát hiện 19 nhóm hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, từ đó lập danh sách doanh nghiệp có rủi ro cao về gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ để tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Kết thúc giai đoạn I, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu có chiều hướng giảm. Chúng tôi sẽ triển khai tiếp giai đoạn II nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại.
Giai đoạn II sẽ tiếp tục làm gì, thưa ông?
Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng kiểm tra sau thông quan trên toàn quốc mở rộng kiểm tra để ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu.
Trước mắt, chúng tôi tập trung vào các địa bàn có dấu hiệu rủi ro cao; tập trung vào doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2018 trở lại đây có hiện tượng nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu, phụ tùng, đầu tư rất ít tại Việt Nam, nhưng lại có kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu vào Mỹ và EU tăng đột biến.
Nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, nâng mức xếp hạng Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới lên 5 - 10 bậc theo mục tiêu đã được Nghị quyết 02/NQ-CP (ngày 1/1/2020), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 đặt ra, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hóa sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa và sẽ xử lý ngay các trường hợp gian lận.
Như vậy, công tác chống gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu cũng không quá phức tạp?
Phát hiện ra hiện tượng vi phạm thì không khó, nhưng xử lý vi phạm mới phức tạp, vì các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này còn chưa rõ ràng, không đầy đủ, dẫn đến việc đấu tranh của cơ quan hải quan với doanh nghiệp vi phạm rất… cam go. Một trong cách gian lận xuất xứ phổ biến là chuyển tải bất hợp pháp, tức là doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, chi tiết, phụ tùng, thiết bị, máy móc, sản phẩm gần như hoàn chỉnh về Việt Nam và chỉ thực hiện gia công, lắp ráp, đóng gói lại bao bì.
Theo quy định, công đoạn gia công, chế biến đơn giản không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa, nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể, nên việc xác định hành vi chuyển tải bất hợp pháp rất phức tạp. Hơn nữa, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cao nhất theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm chỉ có 50 triệu đồng, nên doanh nghiệp không sợ.
Vì vậy, với doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi phải căn cứ vào Luật Xử phạt vi phạm hành chính để tịch thu toàn bộ tang vật là sản phẩm hoàn chỉnh, sản phẩm bán thành phẩm và linh kiện chưa xuất khẩu đang được lưu ở trong kho của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực hiện việc tịch thu tang vật, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính không hề đơn giản, vì doanh nghiệp sẽ chống đối quyết liệt.
Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam mang nguyên vật liệu sang nước ngoài thuê gia công, sau đó nhập trở lại sản phẩm và chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn, đóng gói bao bì và ghi xuất xứ Việt Nam thì xử lý thế nào?
Nếu sản phẩm sản xuất và tiêu thụ trong nước hoặc nhập khẩu để tiêu thụ trong nước thì phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
Cụ thể, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện rõ ràng tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa. Hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó, đồng thời phải ghi tên và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức, cá nhân này cho phép.
Tuy nhiên, Nghị định 43/2017/NĐ-CP lại không điều chỉnh việc ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa và trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đưa nguyên vật liệu, máy móc thiết bị sang nước ngoài thuê gia công, sau đó nhận lại sản phẩm. Đây chính là lỗ hổng của luật pháp, khiến việc đấu tranh chống gian lận xuất xứ rất phức tạp.