Thông báo về tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, dù vẫn còn diễn biến phức tạp, song tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang có những tín hiệu khả quan, cả số người nhiễm mới, số ca tử vong, trường hợp nguy kịch đều có xu hướng giảm.
Tại Việt Nam, thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc hợp tác cùng chính quyền thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình.
Các ý kiến khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là đất nước an toàn. Ngay tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), nơi có số người nhiễm bệnh nhiều nhất, thì tình hình cũng đang được kiểm soát rất tốt. Nhờ đó, sau liên tiếp nhiều ngày, tính từ thời điểm xuất hiện ca bệnh gần nhất (từ ngày 13/2) đến thời điểm hiện tại, nước ta không xuất hiện thêm ca bệnh mới.
Đặc biệt là, việc điều trị tất cả các ca bệnh đều tiến triển rất khả quan. Trong số 16 ca mắc bệnh (3 người ở TPHCM, 1 người ở Khánh Hòa, 1 người ở Thanh Hóa và 11 người ở Vĩnh Phúc), thì 7 bệnh nhân đã khỏi và xuất viện. Còn lại 9 người, tình hình điều trị cũng rất khả quan.
Về công tác điều trị, đối với 3 bệnh nhân ở TPHCM, thì 2 bệnh nhân người Trung Quốc cũng đã khỏi bệnh và xuất viện. Bệnh nhân còn lại là Việt kiều, 73 tuổi, qua điều trị, xét nghiệm đã 2 lần âm tính, song vì bệnh nhân này còn mắc những bệnh nền khác nên đang được giữ lại để tiếp tục theo dõi và xét nghiệm thêm.
Đối với 11 bệnh nhân ở Vĩnh Phúc thì có 5 người được điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, còn lại được cách ly và điều trị tại địa phương.
Trong số 5 ca điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì 3 người đã khỏi bệnh và được cho xuất viện. 2 trường hợp còn lại cũng đã xét nghiệm 2 lần và đều âm tính, cũng đang theo dõi thêm.
Trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm lần thứ nhất đã cho kết quả âm tính. Người mẹ cũng không bị lây.
Còn các bệnh nhân dương tính với COVID-19 đang điều trị tại Vĩnh Phúc (phòng khám Quang Hà) thì 4 ca xét nghiệm 2 lần đều là âm tính (có thể tuyên bố khỏi bệnh); còn 1 trường hợp đã âm tính 1 lần, đang được tiếp tục theo dõi.
Các chuyên gia y tế khẳng định, đối với việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh, nhưng Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm, tự tin chữa khỏi bệnh bằng các phương pháp điều trị khác. Nếu có ca nhiễm mới thì chúng ta đủ năng lực khoanh vùng, chữa khỏi bệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, kể từ khi bệnh nhân khỏi bệnh, tỉnh Khánh Hòa đã qua 30 ngày không có ca nhiễm mới, Thanh Hóa qua 23 ngày không xuất hiện thêm ca nhiễm mới. Theo quy định hiện hành (sau 28 ngày từ thời điểm chữa khỏi bệnh và không xuất hiện ca nhiễm mới), thì tỉnh Khánh Hòa đã đủ điều kiện để công bố hết dịch. Ban Chỉ đạo cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh tại tỉnh Thanh Hóa.
Hiện Bộ Y tế đang hướng dẫn tỉnh Khánh Hòa hoàn thiện các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền công bố hết dịch. Trong 5 ngày nữa nếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không xuất hiện thêm ca nhiễm mới thì Bộ cũng sẽ hướng dẫn địa phương để làm thủ tục để công bố hết dịch.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang kiểm soát chặt chẽ công tác nhập cảnh; công tác cách ly, khoanh vùng dập dịch được thực hiện nghiêm theo quy định; trong các cơ sở điều trị chưa có tình trạng lây chéo; hệ thống xét nghiệm, phát hiện bệnh cũng hoạt động nhuần nhuyễn và nhanh hơn;…
Ảnh: VGP/Đình Nam
Về công tác phòng chống dịch bệnh, trong thời gian tới, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo đều thống nhất nhấn mạnh, dù tình hình dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt song không được chủ quan, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, công tác xuất nhập cảnh để ngăn chặn rủi ro; làm tốt công tác sàng lọc, tổ chức cách ly nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ,…
Tuy nhiên Ban Chỉ đạo cũng ghi nhận vừa qua, một số địa phương đã vào cuộc chống dịch rất quyết liệt, đồng bộ, song đâu đó, do hiểu chưa đúng nên còn có hành vi ứng xử chưa phù hợp. Nhắc lại trường hợp, vừa qua lãnh đạo Chính phủ đã nhắc nhở, phê bình việc tỉnh Quảng Ninh không cho du thuyền cập cảng (dù không phải đối tượng ngăn chặn – du thuyền không đi qua vùng dịch), các đại biểu cũng nêu trường hợp một số địa phương, do hiểu chưa đúng về tình hình dịch bệnh tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nên có những ứng xử chưa đúng, thậm chí còn có biểu hiện cực đoan, coi người Vĩnh Phúc là “đối tượng” phải cách ly. Các đại biểu nhấn mạnh rằng: Hiện ở tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có dịch tại xã Sơn Lôi, hiện đã được khoanh vùng, kiểm soát, cách ly chặt chẽ theo quy định.
Cũng tại cuộc họp, Bộ VHTTDL và Bộ Y tế nêu ý kiến kiến nghị là cần thực hiện nghiêm các chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là đối tượng đến từ vùng dịch, đi qua vùng dịch trong vòng 14 ngày không được nhập cảnh hoặc nếu vào Việt Nam phải cách ly theo quy định. Trường hợp cụ thể là hành khách đi tàu biển mà trên đó đã có người nhiễm bệnh thì coi như đã di qua vùng dịch. Như vậy, hành khách đi trên tàu có người nhiễm bệnh, thì hành khách không thuộc đối tượng được nhập cảnh vào Việt Nam. Còn nếu vào thì phải thực hiện cách ly y tế theo quy định.