1 và 100
“Với tư cách là bị đơn, đến nay, Việt Nam phải đối mặt với gần 100 vụ kiện, điều tra về sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại từ các đối tác thương mại trên toàn cầu. Ngược lại, với tư cách là nguyên đơn, việc Bộ Công thương ngày 5/9 vừa qua ban hành Quyết định 7896/QĐ- BCT về áp dụng thuế chống bán phá giá, đánh dấu lần đầu tiên các DN Việt Nam bước đầu thành công trong kiện các đối tác nước ngoài bán phá giá tại thị trường Việt Nam…”, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương, cho hay tại Hội thảo “Vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên ở Việt Nam: kết quả và bài học kinh nghiệm”, do cơ quan này phối hợp với Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vừa tổ chức.
Vụ kiện trên xuất phát từ hồ sơ yêu cầu mà Cục Quản lý cạnh tranh nhận được ngày 6/5/2013 của nguyên đơn là hai DN: Công ty TNHH Posco VST (thuộc Tập đoàn Posco, Hàn Quốc) và CTCP Inox Hòa Bình. Theo hồ sơ khởi kiện và các chứng cứ mà nguyên đơn nêu ra, hiện tượng các sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các thị trường: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan bán phá giá tại thị trường Việt Nam, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Trên cơ sở hồ sơ khởi kiện, Cơ quan điều tra là Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu nguyên đơn bổ sung các chứng cứ, để chứng minh thiệt hại mà ngành sản xuất thép không gỉ trong nước phải hứng chịu do hành vi bán phá giá của các sản phẩm cùng chủng loại nhập khẩu từ 4 thị trường nói trên gây ra, Cơ quan điều tra đã đến thẩm tra trực tiếp tại các DN sản xuất thép không gỉ có sản phẩm xuất khẩu vào Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả điều tra, bà Giang cho biết, ngày 25/12/2013, Bộ Công thương ban hành Quyết định 9990/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ 4 thị trường trên. Điều này đồng nghĩa, kết luận điều tra sơ bộ của Bộ Công thương khẳng định, có việc bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép không gỉ nội địa.
Từ quyết định bước ngoặt trên, ngày 5/9 vừa qua, Bộ Công thương ban hành Quyết định 7896/QĐ-BCT về áp dụng thuế chống bán phá giá, đánh dấu lần đầu tiên các DN Việt Nam đã thành công trong sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là kiện chống bán phá giá tại thị trường Việt Nam. Điều này đánh dấu bước chuyển mới trong lịch sử thương mại Việt Nam, đó là từ chỗ chỉ bị các đối tác nước ngoài kiện, thì nay các DN Việt Nam kiện ngược các đối tác nước ngoài.
Thắng một nửa
Việc Bộ Công thương ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với các DN thuộc 4 thị trường nêu trên, theo bà Giang, được coi là chiến thắng… một nửa. Lý do là bởi từ phán quyết áp thuế này, đến buộc các DN trong diện bị kết luận có hành vi bán phá giá tuân thủ phán quyết này là cả chặng đường dài phía trước, với nhiều cam go.
Để biện pháp trừng phạt là áp thuế chống bán phá giá phát huy tối đa hiệu quả trong ngăn chặn các hành vi bán phá giá tại thị trường Việt Nam, đòi hỏi ngành hải quan cần phối hợp với cơ quan quản lý cạnh tranh trong kiểm soát chặt các mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là những vấn đề kỹ thuật rất phức tạp, nên đòi hỏi cơ quan hải quan rất tỉ mỉ, chặt chẽ trong quá trình kiểm hóa trước khi thông quan.
Bà Giang cảnh báo, kinh nghiệm thực tế cho thấy, sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, các DN sản xuất thép không gỉ từ 4 thị trường nói trên có thể tìm cách thay đổi chứng nhận xuất xứ mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam, để né nghĩa vụ nộp thuế chống bán phá giá. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, đòi hòi sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của nguyên đơn, cơ quan quản lý cạnh tranh và hải quan.
Tuy các DN Việt Nam lần đầu tiên thành công trong kiện các DN nước ngoài bán phá giá tại thị trường Việt Nam, nhưng bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), cho rằng, kiện chống bán phá giá là chuyện cực chẳng đã.
Các DN Việt Nam không muốn làm việc này, nhưng do tính chất cạnh tranh ngày một gay gắt trong thương mại toàn cầu, với không ít chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh, các DN Việt Nam cần dần làm quen với công cụ kiện chống bán phá giá tại thị trường nội địa, thay vì thụ động “chịu trận” để cho các đối tác nước ngoài kiện DN Việt Nam bán phá giá ở các thị trường quốc tế.