Chồng bà Trương Mỹ Lan cũng muốn thu hồi nợ để khắc phục hậu quả

0:00 / 0:00
0:00
Sau bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Chu Lập Cơ cũng muốn ủy quyền cho con gái và cháu thu hồi công nợ bên ngoài để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Chu Lập Cơ Bị cáo Chu Lập Cơ

Chiều ngày 7/3, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, và các tổ chức khác.

Sau thời gian nghỉ giải lao, đại diện HĐXX thông báo, luật sư của bị cáo Chu Lập Cơ cũng mới có đơn đề nghị HĐXX xem xét việc để bị cáo Chu Lập Cơ ủy quyền cho con gái và cháu nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan đến khoản nợ bên ngoài để nộp bổ sung khắc phục hậu quả.

Đại diện HĐXX cho rằng, cũng như bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX chưa có bất kỳ lệnh cấm nào đối với các bị cáo về việc này. Đại diện HĐXX cũng đề nghị bị cáo cung cấp danh sách cụ thể, ủy quyền để xử lý cái gì, với ai… không thể nói chung chung. Trong trường hợp cần thì HĐXX sẽ hỗ trợ các bị cáo thu hồi các khoản nợ để nộp bổ sung khắc phục hậu quả.

Sau đó, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi về hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng của các bị cáo đồng phạm với Trương Mỹ Lan.

Trước HĐXX, các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình đúng như theo nội dung cáo trạng truy tố. Đồng thời, các bị cáo cũng nhận thức được hành vi của mình là sai và cho rằng bản thân chỉ là những người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì nên mong HĐXX xem xét.

Ngay cả bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB cũng nhận mình chỉ là người làm thuê ăn lương, không được hưởng lợi gì.

Riêng bị cáo Chiêm Minh Dũng, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB thì có ý kiến bổ sung thêm rằng, bị cáo chỉ làm quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB 2 tháng 9 ngày, chứ không phải là 2 năm như trong cáo trạng. Hơn nữa, bị cáo làm quyền Tổng giám đốc trong thời gian ngắn, chỉ biết các hồ sơ liên quan đến khoản vay của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra.

“Khi làm những việc này, bị cáo không được nhận thêm bất cứ khoản lời gì, mà chỉ nhận lương đúng theo quy định của Ngân hàng”, bị cáo Dũng nói.

Bị cáo Hoàng Nhân, Diệp Bảo Châu (Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB); Đỗ Phú Huy (nguyên Chủ tịch Ủy ban kinh doanh và đầu tư SCB) cũng đều thừa nhận hành vi của mình đúng như trong cáo trạng truy tố, các bị cáo cũng chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì trong việc giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét về hành vi của các bị cáo.

Bị cáo Khổng Minh Thế, nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng, gây thiệt hại cho SCB số tiền gần 20 nghìn tỷ đồng. Tại phiên tòa, bị cáo xác nhận hành vi của mình đúng như cáo trạng truy tố.

Bị cáo Trần Hoàng Giang (nguyên Phó giám đốc Khối phê duyệt tín dụng Ngân hàng SCB), Từ Văn Tuấn (nguyên Giám đốc Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale SCB, Mai Hồng Chín (nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB) đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại với tổng số tiền hơn 292 nghìn tỷ đồng. Trả lời HĐXX, các bị cáo đều nhận mình là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì thêm.

Các bị cáo là đồng phạm của Trương Mỹ Lan đều xác nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng

Các bị cáo là đồng phạm của Trương Mỹ Lan đều xác nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng

Bị cáo Lương Thị Hồng Quế (Giám đốc Phòng Phê duyệt tín dụng Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng SCB) bị truy tố về hành vi giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại hơn 348 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng. Ngoài ra, bị cáo có trình bày thêm rằng bị cáo không hề biết số tiền trên là bà Lan vay, mà chỉ biết là cấp vốn để các doanh nghiệp tham gia kinh doanh, sản xuất. Vì vậy kính mong HĐXX xem xét.

Trong đó, có một số bị cáo đang lẩn trốn như Trầm Thích Tồn (nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), vì vậy HĐXX đề nghị luật sư bào chữa cho bị cáo này lưu ý để bào chữa trước tòa.

Bởi cáo trạng truy tố, hành vi của Trầm Thích Tồn đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB 7.176 tỷ đồng.

Cụ thể, theo cáo trạng, Trầm Thích Tồn làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2004 với nhiều chức vụ lãnh đạo tại Công ty An Đông, Công ty CP đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Đại Trường Sơn. Đến năm 2010, Trương Mỹ Lan đưa Trầm Thích Tồn lên làm thành viên HĐQT ngân hàng SCB (cũ).

Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng, Trầm Thích Tồn được giữ chức vụ thành viên HĐQT, Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB mới. Đến khoảng tháng 3/2014, Trầm Thích Tồn nghỉ việc xuất cảnh đi nước ngoài.

Do làm việc tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan từ trước khi làm thành viên HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB nên Trầm Thích Tồn biết rõ bản chất các khoản vay đã ký tại SCB là của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Từ ngày 25/7/2012 đến ngày 24/5/2013, Trầm Thích Tồn với vai trò là Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB đã ký 4 Biên bản họp/Phiếu biểu quyết của HĐQT cho 80 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 80 khoản vay tại Ngân hàng SCB, có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 56.478 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ gốc là 23.301 tỷ đồng, dư nợ lãi/phí là 33.177 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản bảo đảm được phân bổ cho các khoản vay nêu trên đã được định giá và được SCB chấp nhận đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro là 49.302 tỷ đồng.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục