Chọn phương án hài hòa trong Luật Đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
Luật Đấu thầu thống nhất nguyên tắc vừa đảm bảo lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, vừa xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh bình đẳng.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu

Phương án hài hòa

Kể từ ngày 1/1/2024, các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Đây là một trong những nội dung mới của Luật Đấu thầu vừa được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua với đa số tán thành.

Có thể, với nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước và cả Chính phủ, đây không phải là phương án được mong đợi nhất.

Song theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thể hiện trong giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh ngay trước thời điểm các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết, phương án được chọn nhằm đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức.

“Một mặt, bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, mặt khác, bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh giải trình.

Phải nhắc lại, trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội, phương án đề xuất là chỉ áp dụng với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, khái niệm doanh nghiệp nhà nước được áp dụng theo Luật Doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Quan điểm của Chính phủ là tất cả dự án sử dụng vốn nhà nước, bất kể dự án đó của doanh nghiệp nhà nước hay không, đều phải áp dụng Luật Đấu thầu. Song hành, phương án được Chính phủ trình cũng đảm bảo nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước là vốn của doanh nghiệp nhà nước, phân định rạch ròi cơ chế quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Trong suốt quá trình thảo luận tại tổ cũng như tại hội trường về Dự thảo Luật Đấu thầu trong Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, đây là một trong những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có văn bản xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các phương án được đặt ra.

Ngoài phương án Chính phủ trình, phương án 2 được đưa thêm là dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước. So với phương án của Chính phủ, đối tượng điều chỉnh đã mở rộng ra tới các công ty con của doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả công ty con 100% vốn và công ty có trên 50% vốn của doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu là quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của Nhà nước vào các doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp nhà nước vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.

Có thể thấy, phương án được thông qua đã có sự dung hòa rõ nét, khi không đưa các công ty con có trên 50% vốn của doanh nghiệp nhà nước vào đối tượng điều chỉnh.

Phân định nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư

Theo Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh rộng hơn so với quy định hiện hành, bao gồm 2 trường hợp.

Một là, dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hai là, dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, Luật Đấu thầu không quy định các trường hợp cụ thể phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực; mà chỉ thống nhất thủ tục công bố dự án đầu tư, kinh doanh áp dụng chung cho các dự án đầu tư có sử dụng đất và dự án đầu tư phải tổ chức theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

Trong quá trình thảo luận, cũng có đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về quy mô diện tích sử dụng đất tối thiểu đối với các công trình thương mại, dịch vụ phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, bổ sung quy định đối với trường hợp có 2 nhà đầu tư đăng ký dự án sản xuất, kinh doanh thì thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư. Cũng có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí đánh giá tính chất đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của ngành, vùng, địa phương làm cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư.

Theo giải trình của Chính phủ gửi Quốc hội trước Kỳ họp thứ năm, cách quy định trên đảm bảo nguyên tắc Luật Đấu thầu chỉ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực sẽ quy định về điều kiện, tiêu chí, loại dự án phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp tục nhấn mạnh phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được phân định rõ ràng.

Theo đó, Luật Đất đai quy định về các trường hợp, điều kiện xác định khu đất được lựa chọn để đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định về giao đất, cho thuê đất; quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án có sử dụng đất. Luật Đấu thầu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thuộc trường hợp phải đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều này có nghĩa là, Luật Đất đai sửa đổi tới đây sẽ quy định trường hợp, điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất cũng như đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, bao gồm việc xác định quy mô, diện tích sử dụng đất tối thiểu của công trình thương mại, dịch vụ phải đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ được nghiên cứu quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tương tự, trong từng trường hợp cụ thể, người có thẩm quyền sẽ xem xét tính chất đặc thù của ngành, vùng, địa phương để xác định phương thức lựa chọn nhà đầu tư cho phù hợp.

Điểm đáng chú ý là, Chính phủ được giao quy định chi tiết trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có thủ tục lập, công bố Danh mục dự án cần tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Áp dụng có thời hạn phương thức “máy đặt, máy mượn”

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm và nhà thầu trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, vật tư xét nghiệm đó theo yêu cầu của chủ đầu tư; nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu, chỉ chuyển giao quyền sử dụng thiết bị y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đây là nội dung của điểm a, khoản 1, Điều 55, Luật Đấu thầu, về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Hợp đồng được ký kết theo điểm này được thực hiện trong thời hạn quy định tại hợp đồng, nhưng không quá 5 năm kể từ ngày 1/1/2024 - thời điểm hiệu lực của Luật Đấu thầu 2023.

Lý giải về thời hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy định trên thực chất là hình thức của mô hình máy đặt - máy mượn mà các bệnh viện đang áp dụng và bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập (như không công khai được đơn giá đầu ra của từng dịch vụ kỹ thuật, không công bằng cho các nhà thầu do không cùng một mặt bằng để so sánh, đánh giá, không mang lại hiệu quả kinh tế khi chỉ căn cứ vào khối lượng hóa chất chính để chào thầu…).

Tuy nhiên, để bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật, ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân, đồng thời bảo đảm để các bệnh viện có thời gian chuyển đổi phù hợp với cơ chế giá khám, chữa bệnh được tính đúng, tính đủ theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nên Luật Đấu thầu đã giới hạn thời gian áp dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời hạn áp dụng 5 năm là phù hợp với thực tiễn, đủ đảm bảo thời gian để chuyển sang hình thức khác công khai, minh bạch hơn.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục