Chọn đúng cổ phiếu, nhiều quỹ ngoại kiếm lợi nhuận bằng lần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với tốc độ tăng trưởng thần tốc của doanh nghiệp được rót vốn, các quỹ ngoại cũng gặt hái lợi nhuận tính bằng lần.
Vinamilk luôn được các quỹ truyền tai nhau là câu chuyện thành công. Vinamilk luôn được các quỹ truyền tai nhau là câu chuyện thành công.

Những câu chuyện thành công kinh điển

Trong nhiều cuộc xúc tiến đầu tư do các công ty quản lý quỹ nước ngoài tổ chức, câu chuyện về sự phát triển của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) luôn được kể lại như một điển hình thành công trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đó cũng là câu chuyện thành công của những quỹ nước ngoài đã đồng hành với doanh nghiệp.

Bỏ vốn vào VNM từ năm 2009, 10 năm sau, số tiền nhà đầu tư bỏ ra tăng gấp 14 lần. Nếu tính cả số cổ tức mà nhà đầu tư đã nhận được thì số vốn họ bỏ vào VNM sinh lời 16,5 lần, bình quân 165%/năm. Không có khoản đầu tư nào ở Việt Nam đạt siêu lợi nhuận hơn thế.

Và chắc chắn mọi quỹ đầu tư tiếng tăm trên thế giới đều mơ ước có được thành công tuyệt vời như vậy.

Cũng không khó để kể thêm các khoản đầu tư thành công khác. Chẳng hạn, trước khi CTCP Hàng không VietJet (VJC) niêm yết cổ phiếu trên HOSE, VinaCapital đã rót vốn đầu tư 20 triệu USD, sau đó, quỹ này đầu tư thêm 18 triệu USD nữa.

Sau 3 năm, VinaCapital đã thu về 80 triệu USD, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của khoản đầu tư đạt 86%.

Đây là một khoản đầu tư "cất cánh và hạ cánh thành công” như đánh giá của lãnh đạo VinaCapital.

Tỷ suất lợi nhuận thậm chí còn cao hơn khi VinaCapital rót vốn vào CTCP Y khoa Hoàn Mỹ, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Nhà Khang Điền, Dược Hậu Giang, Xuất nhập khẩu y tế Domesco…

“Trong quá trình đầu tư, chúng tôi xác định phải cùng hỗ trợ phát triển hạ tầng, con người, sản phẩm mới, hệ thống phân phối”, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư VinaCapital nói và nhấn mạnh, mục tiêu của các nhà đầu tư khi rót vốn luôn là cải thiện hoạt động doanh nghiệp bên cạnh kỳ vọng lợi nhuận.

Quỹ Red River Holding với quy mô đầu tư hơn 300 triệu USD vào thị trường Việt Nam cũng gặt hái không ít thành công với CTCP Vĩnh Hoàn, Thủy sản Minh Phú…

Lãnh đạo quỹ này mỗi khi trao đổi với báo giới đều mong muốn thị trường có thêm nhiều câu chuyện thành công như VNM, Thế giới di động để các nhà quản lý quỹ có thể thuyết phục thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm và bỏ vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Về phần mình, doanh nghiệp Việt Nam đánh giá không nhỏ vai trò của dòng vốn ngoại trong hành trình phát triển.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Traphaco kể, Mekong Capital đến với Traphaco bằng cách mua gom cổ phần trước khi Công ty lên sàn chứng khoán hơn 5% vào năm 2007, rồi tăng dần tỷ lệ sở hữu lên 24,7%.

Họ kết hợp với Vietnam Holding (sở hữu 15% cổ phần Traphaco) cử ứng viên tham gia Hội đồng quản trị Công ty.

“Thực tâm mà nói, thuở ban đầu ấy, mình như ngồi đáy giếng. Họ đến từ các nền kinh tế phát triển, có kiến thức và tầm nhìn, đã đưa đến nhiều phương thức quản trị công ty tốt, xây dựng chiến lược bài bản. Từ đó, mình lớn dần lên”, bà Thuận nhớ lại.

Trong 10 năm, từ một công ty dược phẩm phục vụ ngành giao thông vận tải, với máy móc cũ kỹ lạc hậu, Traphaco đã vươn lên Top đầu ngành dược trong nước, doanh thu và lợi nhuận tăng 6 - 8 lần.

Đến cuối năm 2017, Mekong Capital đã thoái 24,99% vốn Traphaco với giá 141.500 đồng/cổ phần, thu về hơn 64,5 triệu USD, đạt tỷ suất lợi nhuận gộp 6,3 lần từ khoản đầu tư này (tính theo USD).

Ngoài việc đưa ra nhiều ý kiến tham vấn tại các cuộc họp hội đồng quản trị, các quỹ ngoại thường mời chuyên gia giỏi đến nói chuyện với lãnh đạo doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung của doanh nghiệp.

Họ cũng thường cố gắng đóng vai trò cầu nối đưa thêm đối tác, giới thiệu thêm các thị trường mới với doanh nghiệp.

Ảnh tác giả

Vốn ngoại có mặt trong các doanh nghiệp Việt Nam là xu hướng không thể đảo ngược, khi nền kinh tế mở cửa và ngày càng hội nhập.

Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Công ty cổ phần Traphaco

Cộng hưởng về chiến lược, công nghệ và thị trường cũng là những mục tiêu mà doanh nghiệp Việt Nam hướng đến khi bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh nhu cầu bổ sung vốn cho sự phát triển.

Quỹ Private Equity New Markets II K/S (PENM II) do Bank Invest quản lý đã mạnh tay bỏ vốn vào Hòa Phát (HPG) tham gia đầu tư khu liên hiệp gang thép Hòa Phát Hải Dương ở thời điểm giới đầu tư còn rất mơ hồ về sản xuất thép công nghệ lò cao từ quặng sắt và thị trường thép được đánh giá là khá rủi ro khi cung lớn hơn cầu.

Từ nguồn vốn huy động của quỹ, HPG đầu tư thành công dự án giúp doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ngoạn mục. Trong 6 năm bỏ vốn vào HPG, PENM II lãi ròng hơn 930 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời bình quân mỗi năm khoảng 32%.

Với mối quan hệ tương hỗ như vậy, bà Thuận nhận định: “Vốn ngoại có mặt trong các doanh nghiệp Việt Nam là xu hướng không thể đảo ngược, khi nền kinh tế mở cửa và ngày càng hội nhập. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nhìn nhận, nếu mình có năng lực, tạo được giá trị tốt cho doanh nghiệp, cổ đông nào cũng cần”.

Minh bạch hóa giúp nhau cùng đi xa

Nhiều thương vụ thành công vang dội như vậy nhưng các quỹ vẫn xếp đầu tư tư nhân ngay sau đầu tư mạo hiểm về mức độ rủi ro.

Riêng ở Việt Nam, nơi đang được đánh giá là một trong các điểm đến của dòng vốn đầu tư tư nhân hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á theo Grant Thornton, thì rủi ro còn liên quan đến môi trường, văn hóa kinh doanh và thể chế luật pháp đang trong quá trình hoàn thiện.

Là người có kinh nghiệm trong quản lý quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán và bất động sản ở Việt Nam nhưng ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) lại gặp thất bại khi đầu tư vào công ty tư nhân chưa niêm yết.

Đó là thương vụ đầu tư vào hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu. Giá trị khoản đầu tư không quá lớn, nhưng lý do thương vụ thất bại lại rất kinh điển.

SAM đầu tư mua 15% cổ phần của Nhà thuốc Mỹ Châu năm 2016 nhưng sau đó không thể lấy lại tiền khi hệ thống nhà thuốc không phát triển đúng kế hoạch cam kết.

SAM có thời gian đã không liên lạc được với bà chủ của hệ thống và khi đưa ra trọng tài kinh tế thì cũng không thể giải quyết vì hợp đồng không đủ mạnh về pháp lý.

“Việc đã lâu rồi, tôi cũng không muốn nhắc lại nữa”, ông Louis Nguyễn chia sẻ. Nhưng từ bài học thất bại này, ông đúc kết, đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân thì yếu tố quyết định giá trị công ty nằm ở người sáng lập, người dẫn dắt công ty đó có đầu óc cởi mở, suy nghĩ rộng rãi hay không.

Là người trong nghề, ông Louis Nguyễn cho biết, hoạt động đầu tư tư nhân đang rất sôi động bởi các quỹ, các nhà đầu tư có khẩu vị đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới rất nhiều.

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng khi phát triển trong một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và đang được hưởng lợi từ sự tái cấu trúc hệ thống nhà cung ứng và sản xuất trên thế giới.

Không ít công ty có nền tảng tốt và người dẫn dắt có mục tiêu và hoài bão lớn. Tuy nhiên, đầu tư vào những công ty này, rủi ro cho các quỹ đầu tư lớn nhất nhiều khi lại nằm ở chính người đứng đầu doanh nghiệp.

Hiểu được đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam, có quỹ đầu tư nước ngoài chọn cách chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết.

Hoặc họ sẽ đưa ra điều khoản: song song với việc nhận vốn của nhà đầu tư, doanh nghiệp phải đại chúng hóa và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đây cũng là cách để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư ngoại liên quan đến cam kết minh bạch và theo đuổi chiến lược của người sáng lập công ty nhận vốn.

Anh Việt – Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ