Tìm nhóm ngành triển vọng
Theo nhiều nhà đầu tư, diễn biến thị trường nói chung, giá cổ phiếu nói riêng trong thời gian qua rất khó lường nên họ chủ yếu thực hiện lướt sóng, tức mua nhanh, bán nhanh, nhằm hạn chế rủi ro. Mặc dù vậy, một bộ phận nhà đầu tư dần chuyển hướng sang đầu tư trung và dài hạn, tập trung vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có triển vọng sáng trong quý cuối năm 2022.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư Hoàng Mạnh Cường (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận xét, bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới vẫn đang bất ổn, không ít doanh nghiệp có nguy cơ không thực hiện được kế hoạch kinh doanh đã đề ra cho năm nay vì nhu cầu giảm, chi phí đầu vào gia tăng. Vì vậy, tìm được cổ phiếu của doanh nghiệp tốt và nắm giữ cho đến cuối năm kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả đầu tư cao, thay vì “đánh vật” với thị trường hàng ngày cũng chỉ để “tồn tại”.
“Tôi dự tính sẽ rút gọn danh mục, đồng thời tăng tỷ trọng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm hưởng lợi từ thúc đẩy đầu tư công”, anh Cường cho biết.
Về vấn đề này, góc nhìn của chuyên gia và nhà đầu tư lớn như thế nào? Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ chia sẻ, nhóm đầu tư công với chính sách thúc đẩy đầu tư công, nhóm ngân hàng với câu chuyện nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và nhóm năng lượng tái tạo với việc Quy hoạch Điện VIII có khả năng sớm được phê duyệt là các nhóm ngành mà ông đang quan tâm đầu tư.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, các nhóm ngành có triển vọng kinh doanh khả quan trong quý cuối năm 2022 bao gồm khu công nghiệp, hàng không, công nghệ thông tin, ngân hàng, dược phẩm, săm lốp, thủy sản, thực phẩm, đồ uống.
Công ty Chứng khoán ACB nhận định, thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm 2022 sẽ được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, vận tải. Thị trường sẽ khởi sắc hơn nhờ thu nhập của các doanh nghiệp có khả năng giữ được sự ổn định và môi trường vĩ mô duy trì quỹ đạo tích cực hiện tại trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Liên quan đến triển vọng thị trường chứng khoán, Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng, thanh khoản khớp lệnh có thể đạt 17.000 - 19.000 tỷ đồng/phiên trong những tháng cuối năm, cải thiện ít nhất 20% so với hiện nay.
Nhóm kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách
Đầu tư công được ví là một bánh xe quan trọng trong “cỗ xe tam mã” kéo kinh tế đi lên sau đại dịch Covid-19.
Dòng vốn trong nền kinh tế đang dần được khơi thông khi hạn mức tăng trưởng tín dụng của 18 ngân hàng đã được nới và kênh trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có những hy vọng mới.
Theo FiinGroup, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020NĐ-CP về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được Chính phủ ban hành ngày 16/9/2022. Những quy định mới không “siết” hoạt động phát hành trái phiếu như các bản dự thảo ban đầu, giúp giải tỏa lo ngại của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến sẽ sớm gia tăng trở lại, đáp ứng nhu cầu về vốn cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là những ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản, năng lượng.
Trong nhóm ngành năng lượng, cổ phiếu BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital được Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị mua vào, với mức giá mục tiêu là 21.520 đồng/cổ phiếu.
Bamboo Capital đã hoàn tất việc tăng tỷ lệ sở hữu tại dự án Nhà máy điện mặt trời BCG - CME Long An 1 và 2. Các dự án chuyển tiếp khác mà doanh nghiệp làm chủ đầu tư như Nhà máy điện mặt trời Krong Pa, Nhà máy điện gió Đông Thành 1, Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long 1 đang được triển khai. Trong đó, dự án Krong Pa (công suất 49 MWp) đã hoàn tất việc nhập thiết bị cho giai đoạn 1, dự kiến sẽ được công nhận vận hành thương mại (COD) vào cuối tháng 10/2022. Dự án Đông Thành 1 (công suất 80 MW) và Khai Long 1 (công suất 100 MW) đang được thi công phần trạm và đường dây truyền tải.
Tuy nhiên, Bamboo Capital vẫn đang đối mặt với “điểm nghẽn chính sách” trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), bởi Quy hoạch điện VIII chưa được thông qua, chưa có quy hoạch không gian biển...
Trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu BCG gần đây dao động quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu, ở vùng thấp nhất trong vòng 1 năm qua, phản ánh Bamboo Capital bị ảnh hưởng bởi chủ trương kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản và sự chậm trễ hoàn thành Quy hoạch điện VIII đối với lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo mà doanh nghiệp đang triển khai.
Không ít cổ phiếu khác được nhìn nhận đang có định giá hấp dẫn. Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, cổ phiếu thép sẽ được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công trong tương lai. Hiện tại, nhu cầu thép đang yếu, nhưng rủi ro này đã phản ánh vào giá cổ phiếu trong đợt điều chỉnh từ tháng 4/2022.
Ngoài thép thì cổ phiếu của các doanh nghiệp xây dựng như HHV, C4G, VCG, CTD, CII, HBC, HUT, HTN, LCG… được đánh giá cao trong nhóm hưởng lợi từ đầu tư công, một bánh xe quan trọng trong “cỗ xe tam mã” kéo kinh tế đi lên sau đại dịch Covid-19.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận xét, Việt Nam đang dành nguồn lực rất lớn cho đầu tư cơ sở hạ tầng với 5 dự án mới được chấp thuận, tổng số dự án cao tốc - hạ tầng cấp trọng điểm quốc gia được Quốc hội phê duyệt theo hình thức đầu tư công trong năm 2022 đã tăng lên 17 dự án.
Trong ngắn hạn, biên lợi nhuận của ngành xây dựng chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, trong dài hạn, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam vẫn đặt kỳ vọng vào cổ phiếu ngành này, bởi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam rất lớn. Khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa tăng trưởng của các công ty xây dựng sẽ rộng mở.