Chọn cơ hội khi VN-Index phá đáy tháng 6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán trải qua tháng 9 đầy thử thách khi chỉ số VN-Index đã phá vỡ “bức tường thành” 1.150 điểm. Một lần nữa, câu chuyện “bắt đáy” lại được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Chỉ số VN-Index đã rơi về vùng thấp nhất trong vòng 19 tháng Chỉ số VN-Index đã rơi về vùng thấp nhất trong vòng 19 tháng

Ảnh hưởng từ chu kỳ thắt chặt tiền tệ

Sau nhiều phiên liên tục mất điểm trong tuần qua, chỉ số VN-Index đã xuyên thủng vùng đáy ngắn hạn 1.150 điểm. Trong phiên cuối tuần (30/9), có thời điểm chỉ số này đã rơi xuống dưới mốc 1.100 điểm. Để đánh giá đầy đủ được các yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán tháng 10 và quý IV, trước hết, chúng ta nên nhìn lại những thông tin vĩ mô quan trọng trong nước và quốc tế.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất đang đẩy các nền kinh tế lớn đi vào suy thoái. Điều này cũng phần nào làm giảm nhu cầu hàng hóa và áp lực lạm phát. Fed cũng dự kiến tăng lãi suất thêm lần lượt 0,75%/năm và 0,5%/năm trong 2 cuộc họp cuối năm, tạo áp lực lên tỷ giá USD so với các đồng tiền còn lại, đặc biệt là đồng tiền của các nước đang phát triển.

Về vĩ mô trong nước, nếu như bài toán tăng trưởng và kiềm chế lạm phát có vẻ đã nằm trong tầm tay của Chính phủ thì việc ổn định tỷ giá vẫn là bài toán khó. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng tất cả các công cụ để can thiệp tỷ giá như bán USD dự trữ, tăng lãi suất đồng nội tệ, song áp lực lên tỷ giá vẫn lớn. Dù vậy, việc VND mất giá ít nhất so với các đồng tiền trong khu vực cũng là điều đáng ghi nhận.

Giai đoạn này, nhà đầu tư nên ưu tiên các nhóm cổ phiếu ít mang tính chu kỳ, các doanh nghiệp có cơ cấu tài chính an toàn, dự trữ được lượng tiền mặt tốt.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán HSC

Thị trường chứng khoán trong nước đã đối mặt với tình trạng dòng tiền suy yếu và tâm lý tiêu cực trong suốt thời gian qua. Không chỉ mốc 1.200 điểm mà vùng 1.150 điểm của chỉ số VN-Index không còn đứng vững khi mặt bằng lãi suất tăng, kéo theo định giá của các kênh đầu tư kém hấp dẫn. Trong bối cảnh đó, ông Bùi Nguyên Khoa, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng, yếu tố sớm ổn định tỷ giá và không tăng lãi suất vào cuối năm nay sẽ là yếu tố quan trọng giúp cho thị trường ổn định tích lũy lại xung quanh đáy ngắn hạn tại 1.100 điểm.

Trong trung hạn, bức tranh tổng quan của thị trường được mường tượng vẫn còn những mảng xám. Để tìm ra những điểm sáng, có lẽ sẽ đến từ vĩ mô có phần ổn định hơn của Việt Nam so với mặt bằng chung các nước trong khu vực và định giá thị trường có vẻ trở nên hấp dẫn sau khi điều chỉnh sâu.

Một trong những thông tin được chờ đợi trong tháng 10 là kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, thị trường vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước chắc chắn chịu tác động bởi chính sách thắt chặt tiền tệ từ bên ngoài và cả trong nước.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, nhà đầu tư Việt Nam cũng cần chấp nhận thực tế là chu kỳ thắt chặt có thể vẫn tiếp tục kéo dài, thậm chí khi thị trường thế giới tạo đáy, chu kỳ kinh tế Việt Nam có độ trễ và thị trường chứng khoán Việt Nam có thể còn tạo đáy sau. Do đó, các nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ, chịu ảnh hưởng lớn bởi các biến số vĩ mô như lãi suất, tỷ giá nên có sự cẩn trọng cần thiết.

Cũng theo vị chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, cần phân tích các yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực, Việt Nam đang có một nền tảng vĩ mô ổn định, đứng vững trước những biến động toàn cầu, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt trong quý III và định giá thị trường hấp dẫn khi đã giảm sâu.

Trong khi đó, những yếu tố tiêu cực có thể kể đến như áp lực lạm phát, nền lãi suất dần tăng trong nước; dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác; lạm phát và suy thoái toàn cầu; ẩn số từ xung đột Nga - Ukraine; khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, hay ẩn số từ nền kinh tế Trung Quốc; áp lực thanh khoản thị trường chung từ các trái phiếu đến hạn.

Việc USD tăng giá đã ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá nội tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điều này dẫn đến một hệ quả về nhu cầu chuyển đổi và dự trữ USD của khối ngoại để đầu cơ hoặc đầu tư vào một số loại tài sản khác, cũng như ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư tại thị trường Việt Nam. Đây là hai nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường.

Xu hướng rút ròng khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu cũng diễn ra trên toàn cầu. Hàng loạt chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới đang có dấu hiệu thủng mức đáy tháng 6.

Câu chuyện tỷ giá sẽ là yếu tố chi phối quan trọng, chưa kể đến xu hướng điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương, trong đó việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền tham gia vào thị trường, tâm lý nhà đầu tư, kể cả hành vi của các nhà đầu tư tổ chức...

BSC cho rằng, thời điểm hiện tại, có quá nhiều biến động lớn và khó lường từ trong nước và quốc tế.

Dòng tiền có cơ hội “bắt đáy”

Có nên bắt đáy ở thời điểm này, khi chỉ số VN-Index đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 19 tháng qua, là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm.

Theo chuyên gia BSC, “nếu lựa chọn cơ hội bắt đáy thì chúng tôi vẫn cho rằng các ngành cuối chu kỳ chứng khoán, những ngành có tính phòng thủ cao như tiện ích, tiêu dùng thiết yếu, bán lẻ, dược phẩm, bảo hiểm vẫn có lợi thế nhất định. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III tích cực cũng có lợi thế khi thị trường đi vào ổn định và giao dịch phân hóa”.

Và dù diễn biến ra sao thì thị trường chứng khoán vẫn thu hút được dòng tiền nhất định và vẫn có những cổ phiếu có cơ hội tăng giá. Nhìn lại lịch sử, tháng 10 thường không phải là giai đoạn chứng khoán có diễn biến quá tệ. Do đó, sau tháng 9 u ám, giới đầu tư có cái nhìn không quá bi quan về triển vọng thị trường trong tháng 10. Quan trọng là nhà đầu tư phân bổ đúng cổ phiếu, nhóm ngành. Ông Bùi Văn Huy cho rằng, giai đoạn này, nhà đầu tư nên ưu tiên các nhóm cổ phiếu ít mang tính chu kỳ, các doanh nghiệp có cơ cấu tài chính an toàn và dự trữ được lượng tiền mặt tốt. Bên cạnh đó, câu chuyện đầu tư công sẽ sôi động trở lại trong quý IV khi Chính phủ đang có quyết tâm rất lớn để hoàn thành mục tiêu giải ngân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

VN-Index đã có nhịp điều chỉnh với biên độ lớn, nếu nhìn vào góc độ tích cực có thể thấy lực cầu bắt đáy vẫn xuất hiện tại vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, để xác định vùng giá nào là đáy thì cần theo dõi thêm diễn biến chỉ số trong các phiên tiếp theo. Mặc dù vậy, như chia sẻ của ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank, vùng giá hiện tại là hấp dẫn để giải ngân vì VN-Index hiện đang giao dịch với định giá P/E quanh mức 12,5 lần, là mức thấp hơn 1 lần độ lệch chuẩn của trung bình lịch sử và dự kiến sẽ còn thấp hơn khi kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp được công bố.

Ông Khoa khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn các nhóm cổ phiếu đang được hưởng lợi trong xu thế tăng lãi suất khi có lượng tiền gửi lớn như bảo hiểm, khu công nghiệp hay bia – rượu; hay nhóm cổ phiếu có mặt bằng định giá thấp so với lịch sử và kết quả kinh doanh vẫn duy trì đà tăng trưởng hoặc trả cổ tức đều đặn như dược phẩm, tiện ích…

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục