Các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm bình quân 6%. Ở khu vực Ðông Nam Á, thị trường Việt Nam có mức giảm mạnh nhất với 5,5% chỉ trong 2 phiên cuối tuần, cũng là 2 phiên đầu tiên của năm Canh Tý.
Nhìn vào những tác động tiềm tàng của dịch bệnh này đối với nền kinh tế Việt Nam có thể thấy, du lịch và giao thông là những ngành chịu tác động trực tiếp.
Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đã dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ đến/đi từ Việt Nam kết nối với các tỉnh, thành phố có dịch tại Trung Quốc.
Các tour du lịch từ Trung Quốc cũng bị tạm dừng khiến ngành du lịch và hàng không Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là trong mùa cao điểm quý I năm nay.
Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, vẫn còn quá sớm để ước tính thiệt hại kinh tế mà dịch Corona gây ra cho Việt Nam, tuy nhiên, nếu dịch bệnh không sớm được kìm hãm tại Trung Quốc, những lĩnh vực bị ảnh hưởng sẽ không chỉ dừng lại trong các ngành du lịch, giải trí, vận tải hành khách, dầu mỏ, mà còn có thể lan sang một số ngành khác như tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, hàng xuất khẩu sang Trung Quốc…, do nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT thì cho rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là Trung Quốc.
Sự thu hẹp hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể dẫn đến rủi ro nhu cầu xuất nhập khẩu chậm lại trên toàn châu Á và cả thế giới.
Do vậy, nhóm ngành có rủi ro chịu tác động gián tiếp là cảng biển, cảng hàng không, logistic, vận tải…
Không chỉ nhóm cổ phiếu hàng không giảm mạnh, nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên vốn xuất khẩu chính sang Trung Quốc cũng chịu áp lực giảm như PHR.
Bên cạnh đó, nhóm thủy sản như VHC, thực phẩm và đồ uống như VNM, SAB… đều ghi nhận sụt giảm.
Tuy vậy, trong bức tranh tràn ngập màu đỏ của sàn chứng khoán, vẫn có thể kỳ vọng một số điểm sáng ở các doanh nghiệp trong những ngành có cơ hội được hưởng lợi trong ngắn hạn.
Ðó là các ngành nghề nằm ở phân khúc hạ nguồn và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sản phẩm từ Trung Quốc như thép, săm lốp…
Nhóm ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược có thể được hưởng lợi. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc (đặc biệt là thuốc đặc trị) và các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế là các doanh nghiệp có cơ hội “đắt hàng”.
Ở đây, nhà đầu tư cần lưu ý, đa phần các doanh nghiệp dược trong nước chủ yếu sản xuất các sản phẩm kháng sinh, thuốc chữa bệnh đơn giản và thực phẩm chức năng không được hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch.
Ngoài ra, các cổ phiếu ngành dược cũng có đặc thù là thanh khoản thấp nên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nếu tầm nhìn đầu tư không quá dài.
Trong khi đại đa số nhà đầu tư bối rối và tiếp tục tung lệnh bán cổ phiếu, thì ở chiều ngược lại, có không ít lệnh mua được tung vào thị trường.
Thanh khoản cổ phiếu, cả khớp lệnh và thỏa thuận, vượt qua 5.000 tỷ đồng, cao hơn mức trung bình của năm 2019.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản Imai Tsuyoshi đánh giá, hiện tại, có lẽ là hơi sớm để đánh giá tình hình thị trường, nhưng ông tin rằng, tác động của đại dịch tới thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ là nhất thời.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm hơn 21 tỷ USD vào thị trường, giúp tâm lý nhà đầu tư tại thị trường Trung Quốc cũng như nhiều thị trường khác ổn định hơn - yếu tố quyết định cho sự trở về điểm cân bằng của thị trường chứng khoán.
Thực tế, trong 2 phiên giao dịch đầu tuần này, nhiều thị trường xuất hiện sắc xanh, trong đó VN-Index cuối phiên thứ Hai chỉ còn giảm nhẹ và kết thúc phiên sáng thứ Ba ở quanh mức tham chiếu.