Chúng được bày ra bàn, để trong hộp giấy hoặc các túi nilon để người chơi có thể xem máy trước khi mua. Đây là những sản phẩm chỉ được sản xuất riêng cho thị trường Nhật Bản, được đưa về Việt Nam bởi các nhà sưu tầm thông qua đường xách tay.
Những chiếc máy "lỗi thời" thế này có giá từ 1 đến 10 triệu đồng, tùy độ quý hiếm.
Các mẫu điện thoại đều có phong cách thiết kế đậm chất Nhật Bản: thiết kế vừa gập vừa xoay, dạng lật và xoay 180 độ, nắp trượt và lật ngang, có ăng-ten để xem tivi... Dù đã ra mắt cách đây nhiều năm nhưng một số máy đã được trang bị kết nối Wi-Fi, máy quét vân tay, hiển thị 3D không cần kính, sạc pin bằng năng lượng mặt trời... thậm chí là máy quét mống mắt trước khi những tính năng này xuất hiện trên smartphone.
Chiếc 903SH của nhà mạng Vodafone ra mắt tháng 8/2005 nhưng đã được tích hợp camera 3,2 megapixel, zoom quang. Ở thời điểm đó, hầu hết điện thoại mới chỉ có camera VGA, cao cấp hơn là 1,3 megapixel.
Những chiếc điện thoại này đều bị khóa mạng. Để sử dụng, người chơi phải dùng sim ghép, bẻ khóa, mở mạng, giải mã... Do đó, chúng rất khó phát huy 100% năng lực khi mang ra khỏi biên giới nước Nhật. Tuy nhiên, yếu tố này không phải là rào cản quá lớn đối với người chơi.
Anh Lê Quân, một người chơi ở quận 11, cho biết, anh đam mê điện thoại Nhật đã nhiều năm, và cũng có một bộ sưu tập hơn 10 chiếc. "Tôi thích điện thoại Nhật, không chỉ vì thiết kế độc đáo mà còn có nhiều tính năng đi trước smartphone, nhưng chỉ được người dân Nhật biết đến. Ví dụ, SH 12C ra tháng 4/2011. Lúc đó, nó là chiếc điện thoại 3D đầu tiên trên thế giới có thể quay, chụp, xuất phim và hình ảnh 3D chất lượng cao không cần dùng kính", anh Quân chia sẻ.
Anh Tuyền (ngoài cùng bên phải), quản trị nhóm và cũng là người chơi hơn 10 năm tiết lộ, nhóm chơi điện thoại Nhật Bản có khoảng 3.000 thành viên trên Facebook. "Nếu so sánh với các hội chơi Nokia, BlackBerry... thì không nhiều về số lượng, nhưng độ nhiệt huyết thì không hề kém. Nhóm gặp và giao lưu với nhau thường xuyên. Thực ra, do điện thoại Nhật Bản chỉ sản xuất cho người dùng trong nước họ, nên người chơi bị hạn chế khá nhiều", anh Tuyền cho biết.
Theo anh Tuyền, rào cản lớn nhất khiến người chơi điện thoại Nhật cổ chùn bước, đó là khả năng sửa chữa. "Bên trong có kết cấu khác điện thoại phổ thông, thợ sửa chữa loại điện thoại này tại Sài Gòn lại ít nên chúng rất khó phục hồi nếu hỏng. Nhưng nếu là người chơi mới, bạn có thể yên tâm bởi hàng Nhật nổi tiếng về độ bền, khó mà bị gặp trục trặc một sớm một chiều", anh nói.
Ngoài các mẫu điện thoại Nhật cũ, những người chơi ở đây còn giao lưu cả những sản phẩm đời mới. Tiêu chí của chúng vẫn là hàng Nhật Bản, có yếu tố độc lạ, đi đầu về công nghệ... như chiếc Disney Mobile SH02G (hình trên) hay Aquos Crystal X 402SH với màn hình không viền là ví dụ.