Cho vay trực tuyến kết hợp với tiệm cầm đồ: Coi chừng lãi suất “cắt cổ”

0:00 / 0:00
0:00
Không có chức năng cho vay như ngân hàng hay công ty tài chính, song một số ứng dụng cho vay trực tuyến vẫn đang hoạt động với sự hợp tác cùng tiệm cầm đồ.
Hoạt động cho vay cầm đồ đã phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây. Hoạt động cho vay cầm đồ đã phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây.

Vay trực tuyến hợp tác với tiệm cầm đồ

Website B., được quảng cáo đã hoạt động trong lĩnh vực cho vay ở Việt Nam từ năm 2017. Trong 2 năm qua, công ty này đã tiếp nhận 2 triệu lượt đăng ký và có khoảng 320.000 lượt giải ngân. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến (online).

Tìm hiểu sâu hơn, đây là công ty fintech chuyên cung cấp các khoản vay tín chấp có quy mô dưới 10 triệu đồng, kỳ hạn vay lên đến 6 tháng.

Để hợp thức các khoản vay online, nền tảng này sử dụng 2 pháp nhân: một công ty tư vấn tài chính và một công ty kinh doanh tiệm cầm đồ để thực hiện hợp đồng giải ngân trực tiếp với khách hàng.

Đây cũng là cách thức hoạt động phổ biến mà nhiều nền tảng cho vay tín chấp qua Internet, bao gồm cả website và ứng dụng di động, với rất nhiều cái tên vốn đã tồn tại khá lâu trên thị trường. Hoạt động này manh nha ở Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2016 với trào lưu cho vay ngang hàng (P2P), rồi phát triển thành ứng dụng cho vay trong thời gian qua.

Cho vay qua ứng dụng tại Việt Nam diễn ra phổ biến sau khi thị trường cho vay ngang hàng Trung Quốc bị cấm.

Theo Financial Times, 6 tháng đầu năm 2018, tại Trung Quốc có gần 3.000 trang vay P2P hoạt động và đây là thị trường cho vay lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, hàng loạt trang vỡ nợ và các nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi thị trường, tạo hiệu ứng domino. Theo Nikkei Asian Review, tính riêng 20 công ty lớn nhất thị trường vỡ nợ 3,3 tỷ USD; các công ty nhỏ, ước tính có tổng số tiền vỡ nợ vượt quá 4 tỷ USD.

Các nền tảng cho vay đã tháo chạy sang nhiều thị trường khác để tiếp tục kinh doanh. Việt Nam là một đích đến ưa thích, vì theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Việt Nam có dân số đông, phần lớn trong độ tuổi lao động, thu nhập tăng khá nhanh, trong khi khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam còn ở mức khiêm tốn so với khu vực.

Trước tình hình nhiều nền tảng từng bị công an Việt Nam tuýt còi vì vi phạm pháp luật, một số được cho là đã kết hợp với mô hình cầm đồ để tiếp tục hoạt động.

Con sâu làm rầu nồi canh

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cầm đồ là tổ chức cho vay hợp pháp và không quá khó để thành lập về mặt pháp lý (yêu cầu hộ khẩu địa phương hay không có tiền án tiền sự), nên các công ty fintech đã sử dụng mô hình này để hợp thức hóa việc cho vay.

Chính vì thế, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật Basico từng có câu nói đùa khá thú vị về hình thức hợp tác này là “nói sai thì không đúng, mà nói đúng thì cũng sai”.

Quy định giới hạn lãi suất cho vay theo Bộ luật Dân sự 2015 là không được vượt quá 20%/năm. Để lách luật, các tiệm cầm đồ hiện nay đưa thêm phí thỏa thuận ngoài lãi.

Theo luật sư Hải, do chưa chịu sự quản lý chặt chẽ, nhiều công ty fintech lợi dụng kẽ hở để hợp thức hóa việc cho vay nặng lãi, kéo theo các hoạt động thu nợ và xâm phạm quyền riêng tư của người vay. Trước áp lực cạnh tranh của quỹ đầu tư, một số công ty cầm đồ còn chấp nhận rủi ro là chỉ cầm giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe máy, sau đó thành lập đội thu hồi nợ - điều không được phép đối với mô hình cầm đồ.

Bên cạnh đó, cũng do thiếu sự quản lý chặt chẽ, nên ở phía người đi vay cũng phát sinh vấn đề tiêu cực. Chẳng hạn, một người tiêu dùng có thể dựa vào kẻ hở về xác thực thông tin để vay tiền qua nhiều ứng dụng, rồi quỵt nợ. Thậm chí, có người còn thành lập nhóm làm giả hồ sơ vay, chia sẻ nhau cách quịt nợ. Những người này biết rằng, với khoản vay nhỏ, việc bị kiện sẽ khó xảy ra bởi chi phí khởi kiện lớn hơn nhiều so với những khoản cho vay đó.

Những vấn đề nêu trên là tiền đề dẫn đến những rủi ro lớn hơn khi các fintech cho vay vô tội vạ, dẫn đến tình trạng sụp đổ dây chuyền, như đã diễn ra tại Trung Quốc 2 năm trước.

Giám đốc một chuỗi cầm đồ có trụ sở TP.HCM cho rằng, cầm đồ từ trước đến nay chịu sự kỳ thị của xã hội, nhưng vai trò cung cấp vốn cho các đối tượng không tiếp cận được vốn ngân hàng là điều cần phải nhìn nhận.

Chính vì thế, vị này cho rằng, cần có một chính sách để tách bạch giữa các ứng dụng fintech cho vay và chuỗi cầm đồ để chấm dứt tình trạng sống “tầm gửi” vào các tiệm cầm đồ như hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Hải cho rằng, trong hoạt động cầm đồ vẫn có tổ chức hoạt động bài bản, nhưng cũng có loại hình tín dụng đen đan xen. Việc thiếu quản lý có thể dẫn đến các hệ quả từ tín dụng đen, ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp fintech, cầm đồ tuân thủ pháp luật.

Giới cầm đồ, fintech đang kỳ vọng vào sự thay đổi dự kiến vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, khi Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng của Chính phủ (Sandbox) được ban hành.

Khi nghị định này có hiệu lực, hoạt động của các công ty fintech sẽ chịu sự quản lý, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và có những quy định riêng để điều chỉnh hoạt động của các công ty này. Bên cạnh đó, việc đăng ký thành lập các đơn vị fintech cũng trở nên khó khăn hơn, bởi các công ty phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí mà nghị định này quy định và được lựa chọn tham gia Sandbox.

Theo Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, có 7 lĩnh vực fintech được tham gia thử nghiệm, gồm: thanh toán; tín dụng; cho vay ngang hàng; hỗ trợ định danh khách hàng; giao diện lập trình ứng dụng mở; các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như blockchain; các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm...

Công Sang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục