Thực tế cho thấy, bên cạnh một số công ty tài chính đang hoạt động như Home Credit, Prudential Finance…, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang đẩy mạnh việc thành lập công ty tài chính chuyên cho vay tiêu dùng như VPBank mua lại Công ty Tài chính Than Khoáng sản, Maritime Bank mua lại Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may, Techcombank mua Công ty Tài chính Cổ phần Hóa chất…
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) vào SHB và thành lập công ty con là Công ty Tài chính Tín dụng tiêu dùng. SHB và VVF đang hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định về việc tổ chức lại tổ chức tín dụng (TCTD)”.
Song song với đó, các ngân hàng chuyển đổi hoạt động của các công ty tài chính này tập trung vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, nâng số lượng công ty tài chính tín dụng tiêu dùng lên 10/16 công ty tài chính. Ngoài ra, một số tổ chức, tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm trong cho vay tiêu dùng vẫn đang xúc tiến việc thành lập công ty tài chính chuyên cho vay tiêu dùng.
Tuy vậy, hiện tại, vẫn chưa có văn bản pháp luật riêng hướng dẫn hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Còn các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cho vay tiêu dùng theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN về Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng và các văn bản sửa đổi, bổ sung Quyết định 1627 nêu trên. Đây là một trong điểm làm hạn chế khả năng phát triển của các công ty tài chính.
NHNN cũng đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó có quy định về “Những nhu cầu vốn không được cho vay” là vay để trả nợ các khoản nợ vay tại chính công ty tài chính cho vay và/hoặc tại TCTD khác.
Theo các công ty tài chính, mục đích của quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng “đảo nợ”. Hiện nay, việc cho vay đảo nợ được quy định tại Khoản 2, Điều 9 - Quy chế cho vay, theo đó: về việc đảo nợ, các TCTD thực hiện theo quy định riêng của NHNN. Trong khi đó, NHNN chưa có hướng dẫn nào về cho vay “đảo nợ”.
“Thực tế cho thấy, việc đảo nợ chỉ ảnh hưởng xấu đến chính sách tiền tệ, khi nhằm mục đích che giấu nợ xấu; các khoản nợ tốt khi đảo nợ cũng nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, tái cơ cấu vốn của người vay. Do dó, đối với quy định ‘Những nhu cầu vốn không được cho vay’ nên sửa là: vay để trả nợ các khoản nợ vay xấu tại chính công ty tài chính cho vay và/hoặc tại TCTD khác”, các công ty tài chính đề xuất.
Hay như “Quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính” phải được Hội đồng quản trị (đối với Công ty tài chính là CTCP), Hội đồng thành viên (đối với công ty tài chính là Công ty TNHH) phê duyệt. Nhưng các công ty tài chính cho rằng, Điều 93 Luật Các TCTD chỉ liệt kê các quy định nội bộ TCTD phải ban hành, mà không bắt buộc thẩm quyền ban hành các quy định nội bộ của TCTD.
“Thực tế cho thấy, các công ty tài chính khác nhau có quy định nội bộ khác nhau về thẩm quyền ban hành văn bản trong quá trình hoạt động. Do đó, Dự thảo Thông tư cần trao quyền chủ động cho công ty tài chính khi ban hành quy định nội bộ về cho vay. Do vậy, chúng tôi đề xuất NHNN bỏ điểm này”, đại diện một công ty tài chính kiến nghị.
Ngoài ra, các công ty tài chính cũng đề nghị bổ sung một số quy định về việc thu các khoản phí phát sinh trong quá trình hoạt động tín dụng tiêu dùng gồm: Phí trả trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn; Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng; Các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Các loại phí hành chính, phí trả cho bên thứ ba, phí quản lý sau khi đã duyệt cho vay và theo yêu cầu của khách hàng. Bởi theo quy định hiện hành, công ty tài chính không được thu loại phí nào khác liên quan đến khoản vay từ khách hàng, ngoại trừ phí trả nợ trước hạn.
“Điều này là phù hợp với thực tiễn hoạt động, đồng thời giảm gánh nặng chi phí cho các công ty tài chính”, các công ty tài chính nhấn mạnh.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, dự kiến trong tháng 11 tới, NHNN sẽ ban hành đồng thời hai thông tư khác nhau, bao gồm thông tư về cho vay thay thế Quyết định 1627, thông tư về cho vay tài chính tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.