Minh bạch lãi vay
Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017, đã đưa ra các quy định phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển bền vững.
Thực tế, lãi suất cho vay tiêu dùng của CTTC có phần cao hơn ngân hàng, vì đối tượng khách hàng này rất khó tiếp cận vốn nhà băng, nhưng mức lãi suất áp dụng đối với loại hình tín dụng này được các CTTC áp dụng cũng không thể “cắt cổ” khách hàng. Do vậy, Thông tư 43 yêu cầu các CTTC phải công bố rõ lãi suất cho vay tiêu dùng, trong đó phải công bố mức lãi suất theo năm.
Nếu CTTC công bố lãi suất theo tháng, con số lãi suất sẽ thấp hơn nhiều, còn công bố lãi suất theo năm thì người vay sẽ so sánh được với lãi suất cho vay giữa CTTC và các ngân hàng. Đây là điều mà lâu nay người đi vay tiêu dùng ít hiểu biết về tài chính hay nhầm lẫn.
Xuất phát từ yêu cầu quản lý cần có cơ sở pháp lý cao hơn để định hướng hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo vệ người đi vay, quy định trong Thông tư 43/2016/TT-NHNN về lãi suất cho vay được tính theo tỷ lệ phần trăm/năm giúp người đi vay có thể so sánh với lãi suất ngân hàng và hạn chế tình trạng các CTTC cho vay với lãi suất quá cao.
Trước đó, Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 284/2000/QĐ-NHNN1 ngày 25/8/2000 của Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận. Lãi suất cho vay phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên, được điều tiết bởi quy luật cạnh tranh và cung cầu thị trường.
TS. Cao Sỹ Kiêm
Với các CTTC, do không được phép huy động tiền gửi ngắn hạn từ dân cư nên chi phí vốn cao hơn so với các ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, chi phí vốn của các CTTC (tức chi phí vốn đầu vào) thấp nhất là 11 - 12%/năm, chưa kể các chi phí thẩm định, quản lý khoản vay nhỏ lẻ. Đây là một trong những lý do khiến lãi suất cho vay của các CTTC ở mức cao.
Tuy lãi vay tín dụng tiêu dùng được các CTTC niêm yết công khai, nhưng một số công ty có tình trạng “mập mờ” khiến người vay không thể nắm rõ và dễ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” sau khi vay vì thực tế phải trả lãi suất quá cao, khiến không ít người bức xúc.
Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn cho phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận, nhưng yêu cầu các CTTC phải ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Quy định này trong Thông tư số 43/2016/TT-NHNN đã ràng buộc lãi suất cho vay của CTTC. Đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, đánh giá CTTC, với rủi ro đó thì lãi suất nào phù hợp và sẽ hạn chế bức xúc của người dân, họ dễ dàng so sánh với lãi suất ngân hàng, qua đó hạn chế CTTC đưa mức lãi suất quá cao.
Khung pháp lý riêng
Với sự ra đời của Thông tư 43/2016/TT-NHNN, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC đã có một khung pháp lý riêng, không còn bị quản lý/đối xử như một ngân hàng thương mại như trước. Đây là một thay đổi lớn, tích cực trong quản lý của cơ quan chức năng, ghi nhận sự khác biệt trong hoạt động của các CTTC và ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, Thông tư 43/2016/TT-NHNN có những quy định mới liên quan đến quy đổi lãi suất theo năm, thời gian gọi điện nhắc nợ với khách hàng, đơn giản hóa về hồ sơ vay vốn… Những điều khoản này sẽ góp phần tăng cường việc minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC, đơn giản hóa các thủ tục vay, cũng như hướng đến bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng, nhằm hạn chế những nguy cơ tranh chấp về sau.
Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN nhằm hướng dẫn Nghị định số 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của CTTC và công ty cho thuê tài chính, hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC, đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân ngày một gia tăng.
Khách hàng sẽ có đầy đủ thông tin về khoản vay của mình trước khi quyết định ký, nhưng khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng và có trách nhiệm thực hiện đúng các cam kết.
Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định, CTTC phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký; CTTC phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng; phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của CTTC.
Hợp đồng cho vay của CTTC phải bao gồm các nội dung: hình thức thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh; các biện pháp để đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật; chế tài áp dụng và biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn; điều kiện trả nợ trước hạn, phí trả nợ trước hạn và hình thức thông báo cho khách hàng về kế hoạch trả nợ gốc, lãi đối với dư nợ gốc còn lại đối với trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn một phần khoản vay tiêu dùng…
Một số thách thức
Thông tư 43/2016/TT-NHNN đang đặt ra một số thách thức cho các CTTC cho vay tiêu dùng như: quy định về phương pháp tính lãi tiền vay quy đổi lãi suất theo năm (một năm là 365 ngày thay cho 360 ngày như trước), quy định cụ thể về việc tính lãi chậm trả hoặc lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn…, sẽ buộc CTTC phải điều chỉnh hệ thống cho phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước rất khó xử khi nhiều người phản ánh, công ty tài chính cho vay với lãi suất quá cao, nhưng theo quy định thì không vi phạm
Cách tính lãi quá hạn theo quy định mới có thể gây khó khăn trong việc giải thích rõ ràng về mức phạt khách hàng phải nộp do mức lãi này thay đổi theo ngày và khá khó hiểu đối với phần lớn khách hàng của các CTTC. Do vậy, việc thông tin rõ ràng và dễ hiểu hơn cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng có kiến thức về tài chính chưa cao là một điều khó khăn.
Mặt khác, theo quy định mới, CTTC cho vay tiêu dùng chỉ được cho vay không quá 100 triệu đồng/khách hàng. Mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật. Nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ bao gồm: mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hoá, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở.
Thông tư 43/2016/TT-NHNN cũng quy định, CTTC phải ban hành quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng để hướng dẫn việc thu thập, cập nhật, kiểm tra số liệu, quản lý thông tin khách hàng, nhận dạng các thông tin sai lệch và ngăn ngừa gian lận để quyết định cho vay, kiểm soát khoản vay và thu hồi nợ.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường còn lớn
Mức tăng trưởng bình quân của tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trong 7 năm qua đạt xấp xỉ 20%/năm. Dư nợ cho vay tiêu dùng hiện đạt khoảng hơn 6% GDP và dự kiến sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020.
Việt Nam đang được xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới, với quy mô dân số khoảng 95 triệu người, nên tiềm năng của tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân được đánh giá còn tăng trưởng cao trong tương lai.
Vì thế, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, quy định rõ ràng các hoạt động cho vay tiêu dùng và tách bạch về quản lý đối với hoạt động này là phù hợp với tính chất khác biệt của dịch vụ, đồng thời sẽ giúp cho thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam phát triển minh bạch, lành mạnh và hiệu quả hơn; phù hợp với thông lệ quốc tế, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.