Tổng giám đốc FE Credit, ông Kalidas Ghose cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng trong những năm gần đây đã đạt được bước nhảy vọt đáng kinh ngạc. Và diễn biến tích cực này chưa dừng lại, bởi số lượng người đến tuổi lao động gia tăng, tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam ở mức nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á (theo Tập đoàn Tư vấn Boston - Boston Consulting Group) sẽ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và gián tiếp gia tăng nhu cầu tài chính tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.
Theo BMI và Ngân hàng Thế giới, tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo sự tăng trưởng lớn của thị trường tài chính tiêu dùng. Ước tính Việt Nam có khoảng 18 triệu người trưởng thành sinh sống ở đô thị. Đây là nguồn khách hàng tiềm năng sử dụng các dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các tổ chức tài chính và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng theo quy mô đô thị hóa ở Việt Nam.
Với tiềm năng lớn của thị trường, cuộc đua cạnh tranh của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ ngày càng gay gắt hơn.
Ông Kalidas Ghose cho biết, FE Credit sẽ tiếp tục triển khai thêm các sản phẩm mới, đồng thời gia tăng tiện ích, ưu đãi và quyền lợi cho những sản phẩm hiện hữu, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Trong năm 2016, FE Credit đã có thêm 2,7 triệu tài khoản mới cùng cơ sở khách hàng hoạt động chạm mốc 3,3 triệu người, mang lại cho Công ty lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Cuối năm 2016, FE Credit có thị phần đạt gần 70%, đạt 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Bên cạnh đó, FE Credit vừa ký hợp đồng hợp vốn 100 triệu USD với Credit Suisse, giúp Công ty gia tăng tiềm lực tài chính để phát triển kinh doanh trong năm 2017.
Không riêng FE Credit, các công ty tài chính tiêu dùng khác cũng đang tích cực chuẩn bị cho chặng đua năm 2017. Với Home Credit, lũy kế đến cuối năm 2016, tổng số khách hàng của Công ty là 4,9 triệu người, tăng trưởng doanh số cho vay đạt 94%. Công ty tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trong năm 2017, với các dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như cho phép ký hợp đồng vay trực tuyến.
Ông Ivo Slanina, Giám đốc điều hành Home Credit Việt Nam cho biết, có đến 78% khách hàng được mời vay tiền mặt mong muốn ký hợp đồng trực tuyến. Do vậy, tính năng mới này không chỉ giúp tạo thuận lợi cho khách hàng mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Ký hợp đồng trực tuyến có thể sẽ được áp dụng cho cả những khách hàng vay tiền mặt mới trong thời gian tới.
Kể từ đầu năm 2017, Home Credit triển khai thêm tính năng giải ngân khoản vay tiền mặt qua tài khoản, cho phép khách hàng có tài khoản ở bất kỳ ngân hàng nào tại Việt Nam, sau khi ký hợp đồng vay tiền mặt có thể yêu cầu giải ngân tiền vào tài khoản ngân hàng của mình.
Tham gia cuộc đua này, các ngân hàng cũng nhanh chân mua lại hoặc thành lập công ty tài chính tiêu dùng. Không chỉ các nhà băng trong nước mà nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài cũng gia tăng việc mua lại công ty tài chính trong nước để tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam như: Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản) đã nắm 49% của HD Saison; MB vừa chuyển 49% vốn góp tại MCredit cho ngân hàng Nhật (Shinsei Bank); đối tác châu Âu muốn mua cổ phần Công ty Tài chính tiêu dùng SHB. Công ty Tài chính tiêu dùng SHB sẽ ra mắt quý I/2017.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) sáp nhập vào SHB. Quyết định chấp thuận này có hiệu lực từ ngày 12/1. Sau khi hoàn tất thủ tục, SHB sẽ tăng vốn điều lệ lên gần 12.000 tỷ đồng và lập Công ty Tài chính tiêu dùng SHB (SHB Finance) với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng.
“Năm 2017 là năm bản lề với việc hàng loạt các ngân hàng nhảy vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng bằng cách thành lập các công ty tài chính. Diễn biến này khiến thị trường thực sự sôi động”, một chuyên gia tài chính nhận định.