Việc đảo nợ xét về khía cạnh tích cực là hoạt động cần thiết trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng, bởi nó giúp cả ngân hàng và khách hàng cùng cân đối được hoạt động và xử lý khoản vay phù hợp nhu cầu thực tế của khách hàng.
Vậy mà sau thời gian rất dài, đến nay, quy định pháp luật về đảo nợ mới bắt đầu rõ ràng hơn nhờ Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư này quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Gần 20 năm hoang mang về pháp lý “đảo nợ”
Nhìn lại lịch sử quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, cụm từ “đảo nợ” đã được nhắc đến trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn, tại Khoản 4, Điều 54 về “Chấm dứt cho vay, xử lý nợ, điều chỉnh lãi suất”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 quy định, “Việc đảo nợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Tuy nhiên, bao năm nay, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định rõ ràng về đảo nợ. Ngay cả Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN và các quyết định, thông tư sửa đổi, bổ sung quy định này cũng chỉ ghi nhận nguyên tắc: “Việc đảo nợ, các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Theo Nghị định số 202/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi đảo nợ không theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt.
Thực tế, đảo nợ vẫn chưa có cơ sở pháp lý, thậm chí còn không có định nghĩa về “đảo nợ”. Ngành ngân hàng chỉ “ngầm” hiểu rằng, đảo nợ là cho vay nợ mới để trả nợ cũ.
Có khá nhiều lý do để ngân hàng chấp nhận cho khách hàng đảo nợ như: cho khách hàng vay mới để trả nợ cũ tại một ngân hàng để chuyển dư nợ của khách hàng đó về ngân hàng mình; cho vay để trả nợ lãi tại chính ngân hàng đó và sau đó, lãi cho vay được nhập vào nợ gốc của khách hàng; cho khách hàng có tình hình tài chính tốt vay dài hạn nhằm trả nợ cho những khoản vay ngắn hạn tại chính ngân hàng, với mục đích cơ cấu lại thời hạn của khoản vay; cho vay đảo nợ nhằm che giấu nợ xấu của khách hàng…
Suốt gần 20 năm, các tổ chức tín dụng vẫn luôn ở tình trạng hoang mang vì không có căn cứ pháp lý để xác định rõ rằng, đảo nợ được hay không được làm.
Thực tế các tổ chức tín dụng vẫn thực hiện việc cho vay đảo nợ, nhưng không dám dùng trực tiếp từ “đảo nợ” và cũng phải rất thận trọng trong thực thi để tranh bị quy kết đang đảo nợ nhằm che giấu nợ xấu, vi phạm hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại một số công văn.
Hiện nay, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã không còn xử phạt hành vi đảo nợ, nhưng không có nghĩa đã loại trừ nguy cơ tổ chức tín dụng có bị quy kết cho vay đảo nợ không theo quy định của pháp luật, hoặc đảo nợ nhằm che giấu nợ xấu khi khách hàng sau đó mất khả năng trả nợ.
Nỗi lo được giải tỏa
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng, sau 20 năm, quy định về “đảo nợ” chính thức được Ngân hàng Nhà nước ghi nhận tại Khoản 5, Khoản 6, Điều 8 về “Những nhu cầu vốn không được cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Mặc dù pháp luật không còn sử dụng khái niệm “đảo nợ”, nhưng quy về bản chất thì cũng tương tự như cách hiểu về đảo nợ hiện nay.
Theo quy định này, pháp luật nghiêm cấm việc cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay, cho vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác, hoặc trả nợ vay nước ngoài, chỉ trừ 02 trường hợp sau đây:
Một là, nếu cho khách hàng vay trả nợ khoản vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay, thì khách hàng chỉ được dùng tiền vay mới để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình đã được tổ chức tín dụng cho vay, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Quy định này đặt ra điều kiện, tổ chức tín dụng muốn cho vay để trả nợ lãi đúng luật thì rất cần cán bộ tín dụng có sự am hiểu nhất định về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, nhằm xác định chính xác cấp có thẩm quyền dự toán xây dựng công trình trong từng công trình xây dựng cụ thể.
Về phía khách hàng, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt hồ sơ để dự liệu trường hợp có thể phải xin tổ chức tín dụng cho vay nhằm trả nợ lãi vay cho công trình xây dựng, dự án đang triển khai.
Hai là, nếu cho khách hàng vay để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác, hoặc trả nợ khoản vay nước ngoài, thì tổ chức tín dụng chỉ được cho vay để trả nợ trước hạn đối với những khoản vay đáp ứng 3 điều kiện: khoản vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ và khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Quy định này sẽ khiến tổ chức tín dụng phải cân nhắc rất kỹ trong việc xây dựng chính sách và thỏa thuận với khách hàng về thời hạn trả nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngoài ra, trước khi đặt bút ký hợp đồng tín dụng, khách hàng và tổ chức tín dụng sẽ phải lựa chọn rất kỹ loại hình cho vay, thời hạn trả nợ phù hợp với nhu cầu và dự án của khách hàng sẽ triển khai.
Điều này nhằm tránh trường hợp, ký xong hợp đồng, giải ngân xong tiền, thực hiện một thời gian lại thấy thời hạn vay không hợp lý và là nguyên nhân dẫn đến việc khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Đứng dưới góc độ hoạt động của các tổ chức tín dụng, quy định trên sẽ tác động rất lớn đến hoạt động “đảo nợ”, cho vay mới - trả nợ cũ mà hiện nay các tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện.
Trước mắt, quy định mới đã chặn đứng việc cho vay để trả nợ ngân hàng khác nhằm cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng. Tuy nhiên, nó lại dẫn đến việc cho vay mới - trả nợ cũ chỉ mang tính chất chuyển nợ từ chỗ này sang chỗ khác, mà không đạt được mục tiêu cơ cấu hợp lý lại thời hạn trả nợ cho khách hàng trong những trường hợp cần thiết.
Hệ quả là, một khoản vay của khách hàng chưa phải là xấu, cần phối hợp xử lý để tránh nguy cơ nợ xấu vì thời hạn trả nợ không tính toán hợp lý, lại không thể thực hiện được kể từ ngày 15/3/2017.