Tốc độ này thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành và cho vay kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 7,4% tổng tín dụng (cùng kỳ năm 2017, tăng 9,79% và chiếm tỷ trọng khoảng 6,7%).
Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định, cơ quan này sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dư nợ, tăng hệ số tỷ lệ an toàn đối với các khoản vay bất động sản và tập trung thanh tra để cảnh báo các tổ chức tín dụng.
Theo Thống đốc, NHNN đã thực hiện rất nhất quán và kiên định với chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Nhờ vậy, dư nợ tín dụng với các dự án BT, BOT đến hết tháng 8/2018 tăng khoảng 6,5%, chỉ chiếm tỷ trọng 1,6% tổng tín dụng, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng khoảng 9%, chiếm tỷ lệ 1,57%; dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 0,36%.
Mặc dù tỷ trọng cũng như tốc độ tăng cho vay bất động sản đã được kiểm soát, song để hạn chế nợ xấu bất động sản gia tăng, trong nhiều quyết sách, Chính phủ và NHNN luôn yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng cho vay trong những lĩnh vực này.
Theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN, từ đầu năm 2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ được siết từ 45% xuống còn 40% và tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 250%, thay vì chỉ ở mức 200% hiện nay.
Tín dụng bất động sản từng chiếm tỷ trọng rất cao trong danh mục cho vay của các ngân hàng, đặc biệt là giai đoạn 2007 - 2008 với tỷ lệ trên 30%. Tuy nhiên, qua nhiều hệ lụy từ việc quá phụ thuộc vào tín dụng bất động sản, các ngân hàng hiện nay đã giảm tỷ lệ này về mức phổ biến 5 - 7% tổng dư nợ tín dụng.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, chủ trương của ngân hàng ông không cung ứng vốn cho chủ đầu tư, mà chỉ tập trung cho cá nhân vay mua nhà.
Tuy nhiên, với phân khúc vay mua căn hộ, ngân hàng chỉ ưu tiên cho những dự án có đầu ra tốt, chủ đầu tư uy tín và tập trung chủ yếu cho cá nhân vay mua nhà đã hiện hữu trong khu dân cư. Tỷ lệ cho vay bất động sản tại nhà băng này, được vị lãnh đạo trên cho biết, chiếm khoảng 10 - 15% tổng dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân tính đến hết tháng 9/2018.
Thế nhưng, theo các chuyên gia tài chính - kinh tế, để kiểm soát được nợ xấu, ngân hàng cần thận trọng khi rót vốn vào bất động sản, nhất là đối với tín dụng rót cho các chủ đầu tư dự án. Thực tế thời gian gần đây, ngân hàng đã phải đứng ra xử lý không ít dự án bất động sản vì chủ đầu tư mất khả năng triển khai.
Trong năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, đồng thời yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và hạn chế cho vay vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Chỉ thị 04 về điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm 2018 được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ký ban hành với thông điệp xuyên suốt đó là kiên quyết kiểm soát dòng vốn ngân hàng tránh chảy mạnh vào những lĩnh vực rủi ro như BOT, bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản. Mặt khác, các chuyên gia tài chính cho rằng, dư nợ cho vay bất động sản thực tế cao hơn con số được công bố. Đó là chưa kể dư nợ cho vay bất động sản “núp bóng” tín dụng tiêu dùng cần được kiểm soát.
Vì thế, không phải công ty tài chính, mà chính những ngân hàng lâu nay nhập nhèm dư nợ cho vay bất động sản vào tín dụng tiêu dùng đang bắt đầu phải lo lắng.
NHNN đã và đang tiến hành thanh tra đột xuất tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn tổng dư nợ...
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng cho rằng, việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản không xấu, nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng. Đáng chú ý, đầu tư kinh doanh bất động sản là kênh đầu tư có lợi nhuận kỳ vọng cao dẫn đến hoạt động đầu cơ, thao túng giá thị trường.
Tình trạng mất cân đối cung - cầu đang diễn ra tại nhiều phân khúc, đặc biệt phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung. Trong khi đó, tiến độ xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản khó đẩy nhanh, còn nhiều hạn chế, vướng mắc liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, dù đã có Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Vì lẽ đó, việc các ngân hàng cung ứng vốn vào lĩnh vực này cũng phải thận trọng.