Cổ đông ngoại dập dìu đi và đến
Sau khi cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) rút vốn, VIB đang tìm kiếm đối tác mới. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, sau khi CBA thoái vốn, room ngoại tại VIB còn trống khoảng 25%. HĐQT Ngân hàng đang trao đổi với các ngân hàng, quỹ đầu tư, đơn vị tư vấn để tìm kiếm một hoặc một số đối tác thích hợp, đảm bảo được giá tốt nhất, có thể hỗ trợ thêm về huy động vốn, công nghệ…
Thương vụ lớn nhất đang được trông chờ là thương vụ bán vốn tỷ USD của Vietcombank. Kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ được ngân hàng này đưa ra từ năm 2019, song liên tục bị trì hoãn. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tháng 8/2024, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng kỳ vọng, thương vụ bán vốn có thể hoàn thành trong nửa đầu năm 2025, nếu thị trường diễn biến thuận lợi. Thông tin cụ thể về thương vụ sẽ được Ngân hàng công bố vào Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 4 này.
Trong khi đó, BIDV sau nhiều lần trì hoãn, đã thành công khi phát hành riêng lẻ 123,8 triệu cổ phiếu ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2025, thu về 4.752 tỷ đồng. Theo thông báo mới đây, Ngân hàng đã hoàn tất chào bán số cổ phiếu trên cho 4 nhà đầu tư nước ngoài và 1 nhà đầu tư trong nước.
Trong đó, 4 nhà đầu tư ngoại là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) mua khối lượng lớn nhất với gần 59 triệu cổ phiếu, chiếm 47,7% tổng lượng chào bán; Hanoi Investments Holdings Limited mua 15,7 triệu cổ phiếu; DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua 8,5 triệu cổ phiếu; Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (SSMIT) mua hơn 1,9 triệu cổ phiếu.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhiều ngân hàng cũng có kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài như Techcombank, SHB…
Cuối năm ngoái, trả lời báo chí nước ngoài, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, một cổ đông sở hữu 8-9% vốn của ngân hàng này đang có kế hoạch thoái vốn. Nếu cổ đông này rút vốn, Ngân hàng sẽ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược dài hạn, đặc biệt ưu tiên các đối tác có năng lực về công nghệ. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, thương vụ thoái vốn này chưa diễn ra.
Trước đó, lãnh đạo Techcombank cho biết, không quá tập trung vào việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại trong bối cảnh Ngân hàng đã có khả năng sinh lời lớn và việc huy động vốn mới hiện nay là không cần thiết. Nếu có “kết duyên”, Techcombank mong muốn tìm được đối tác xứng tầm, tương tự thương vụ VPBank “kết duyên” với SMBC.
Trong khi đó, kế hoạch bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của SHB cũng liên tục lỡ hẹn trong năm 2023 và năm 2024. Các cổ đông kỳ vọng, lãnh đạo ngân hàng này sẽ công bố tiến trình bán vốn tại Đại hội đồng cổ đông năm nay.
Theo ông Ivan Tan, Giám đốc Xếp hạng Định chế Tài chính, S&P Global Ratings, các ngân hàng Việt Nam đang chịu áp lực tăng vốn rất lớn và bán vốn cho nhà đầu tư ngoại là một trong những giải pháp tăng vốn tốt nhất. Hiện Hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam là 12,4%, còn tại Campuchia là 22,6%, Thái Lan là 20,5%, Trung Quốc là 15,6%...
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng Việt thu hút cổ đông ngoại không chỉ vì áp lực tăng vốn, mà còn muốn sự bổ trợ về công nghệ và năng lực quản trị, điều hành theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Những tờ giấy phép đắt giá
Chúng tôi hiểu rằng, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ lo ngại việc các ngân hàng nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối có thể ảnh hưởng đến chủ quyền kinh tế. Tuy nhiên, điều này ít ảnh hưởng hơn nếu áp dụng cho các nhà đầu tư tài chính như quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư chiến lược.
- Ông Đỗ Minh, Giám đốc quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn hấp dẫn và còn nhiều dư địa phát triển. Tuy vậy, với nhà đầu tư chiến lược dài hạn, room sở hữu vốn ngoại tối đa 30% là không hấp dẫn; còn đối với nhà đầu tư ngắn hạn, việc nhà băng Việt trả cổ tức chủ yếu bằng cổ phiếu khiến họ không hài lòng.
“Một trong những giải pháp để ngân hàng Việt tăng vốn là bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, giải pháp này đang bị hạn chế bởi giới hạn sở hữu tối đa 30%. Hiện các ngân hàng tốt ở Việt Nam đã kín room vốn ngoại, khó có thể gia tăng. Ngoài ra, nhiều cổ đông nước ngoài cũng không hài lòng vì các ngân hàng Việt những năm gần đây ít trả cổ tức tiền mặt, mà hầu hết trả cổ tức bằng cổ phiếu”, ông Ivan Tan nhận định.
Chia sẻ tại Hội nghị Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam mới đây, ông Đỗ Minh, Giám đốc quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus cho biết, các nhà đầu tư ngoại vẫn mong Việt Nam nới thêm trần sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng. Trần sở hữu vốn ngoại 30% ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ (74%), Indonesia (99%), Thái Lan và Singapore (không giới hạn). Nếu nâng tỷ lệ này lên 50%, lĩnh vực ngân hàng Việt Nam sẽ có bước ngoặt lớn trong thu hút vốn ngoại.
Theo các chuyên gia, nếu nâng tỷ lệ sở hữu lên 49-50%, các tờ giấy phép của ngân hàng Việt sẽ cực kỳ đắt giá. Tuy vậy, nhiều khả năng Chính phủ sẽ chỉ nới room với một số nhóm ngân hàng nhất định.
Trước mắt, theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP, từ ngày 19/5 tới, các ngân hàng nhận chuyển giao được nới room ngoại lên 49% (ngoại trừ ngân hàng thương mại nhà nước). Như vậy, theo quy định, room ngoại của MB, HDBank, VPBank sắp được nới lên 49%.
Ngoài ra, với các ngân hàng được chuyển giao bắt buộc (OceanBank, Dong A Bank, CB, GPBank) đã thành ngân hàng con của các ngân hàng lớn, không loại trừ khả năng trong tương lai, sẽ được ngân hàng mẹ “sang tay” cho đối tác khác. Hiện 3/4 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc đã được đổi tên thành MBV, Vikki Digital Bank, VCBNeo và chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng số.