NIM ngân hàng tiếp tục thu hẹp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng ròng rã đi xuống trong hai năm qua và khả năng tiếp tục “mỏng” hơn trong năm 2025.
Theo dự phóng của VNDirect, NIM năm 2025 của BIDV có thể giảm xuống mức 2,27% Theo dự phóng của VNDirect, NIM năm 2025 của BIDV có thể giảm xuống mức 2,27%

Áp lực hai đầu

Bà Nguyễn Thảo Linh, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect dự phóng về biên lãi ròng (NIM) của một số nhà băng. Cụ thể, tại BIDV, mặc dù tín dụng có thể tăng mạnh nhưng NIM năm 2025 có thể giảm xuống mức 2,27%, giảm 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Nguyên nhân là, chi phí vốn (COF) của nhà băng này dự kiến tăng 7 điểm cơ bản so với cùng kỳ, trong khi lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp khi Chính phủ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hạn chế khả năng mở rộng thu nhập lãi của ngân hàng. Ngày 25/2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 1328/NHNN-CSTT nhằm ổn định lãi suất huy động, qua đó, hỗ trợ duy trì lãi suất cho vay thấp.

Trong năm 2025, tỷ lệ tiền gửi/vay từ Kho bạc Nhà nước/Ngân hàng Nhà nước được tính vào LDR sẽ bị giảm từ 40% (năm 2024) xuống còn 20%, làm giảm lợi thế huy động vốn giá rẻ của BIDV. Để phục vụ nhu cầu vốn cao hơn từ thị trường, Ngân hàng có thể phải huy động từ các nguồn có chi phí cao hơn như phát hành trái phiếu hoặc tiền gửi khách hàng.

NIM năm 2025 của Sacombank được chuyên gia VNDirect dự báo giảm 9 điểm cơ bản so với năm ngoái, về mức 3,63%, do sự cạnh tranh gay gắt về cho vay trong ngành ngân hàng và sự gia tăng của chi phí huy động vốn.

Tại Techcombank, NIM được dự báo giảm xuống mức 4,3% do tình trạng cạnh tranh huy động vốn và cho vay trong ngành ngân hàng và thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn kỳ vọng, chi phí tín dụng cao hơn dự kiến do đẩy mạnh cho vay bán lẻ.

VPBank, “quán quân” NIM toàn ngành trong năm 2024, với mức 6,2%, được nhận định sẽ duy trì mức NIM đi ngang trước áp lực tăng chi phí huy động vốn và cạnh tranh lãi suất cho vay để mở rộng thị phần.

NIM của TPBank trong năm 2025, theo dự báo của chuyên gia VNDirect, sẽ duy trì ở mức 3,5%. Cơ sở cho nhận định này là Ngân hàng sẽ tiếp tục chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng như đã thực hiện trong suốt năm 2024, song tỷ lệ CASA có thể cải thiện lên mức 25% vào cuối năm 2025, tạo ra một số hỗ trợ cho chi phí vốn.

OCB nằm trong số ít nhà băng được nhận định có NIM tăng nhẹ trong năm nay. Theo đó, NIM của OCB sẽ tăng nhẹ 4 điểm cơ bản so với cùng kỳ, lên mức 3,53% trong năm 2025, do chi phí vốn tăng chậm hơn lợi suất tài sản. Lợi suất tài sản của OCB được kỳ vọng cải thiện 28 điểm cơ bản so với cùng kỳ, nhờ tỷ trọng cho vay dài hạn gia tăng, chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh giải ngân vào lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, kỳ vọng chi phí vốn (COF) năm 2025 sẽ chỉ tăng nhẹ 13 điểm cơ bản so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi sự cải thiện của tỷ lệ CASA từ 14,9% trong năm 2024 lên 16% trong năm 2025…

Từ góc nhìn của bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS), “NIM của các ngân hàng khó có thể tăng mạnh trong năm 2025”.

Theo bà Hiền, các ngân hàng sẽ duy trì lãi suất cho vay thấp trong năm 2025 để thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh áp lực cạnh tranh lớn. Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi hiện trong tình thế “ép” giảm nhưng không loại trừ xu hướng tăng trong thời gian tới do tăng trưởng tiền gửi chậm hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng - tình trạng vốn đã diễn ra trong năm 2024.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 12/3/2025, dư nợ tín dụng trong nền kinh tế đạt 15.810.723 tỷ đồng, tăng 1,24% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước giảm 0,60%); trong đó, tín dụng VND tăng 1,16%, tín dụng ngoại tệ tăng 3,25%. Trong khi đó, huy động vốn đạt 15.389.283 tỷ đồng, tăng 0,55% từ đầu năm đến nay (cùng kỳ năm trước giảm 1,23%); trong đó, huy động vốn bằng VND tăng 0,85%, bằng ngoại tệ giảm 3,36%. Trước đó, tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng niêm yết tại thời điểm cuối năm 2024 đạt 13,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng 17,7% so với cùng kỳ.

Áp lực của hệ thống ngân hàng

Ông Lê Hoài Ân, CFA, Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp nêu quan điểm, việc cắt giảm lãi suất huy động để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay đang vô tình gây sức ép lên hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lên biên lãi ròng (NIM) và thanh khoản của các nhà băng.

Cụ thể hơn, ông Ân giải thích, khi lãi suất huy động giảm, chi phí vốn của ngân hàng giảm theo, nhưng nếu tốc độ hạ lãi suất cho vay nhanh hơn tốc độ giảm chi phí vốn thì NIM của ngân hàng sẽ bị thu hẹp. Trên thực tế, NIM của hệ thống ngân hàng đã giảm liên tục trong 6 - 7 quý gần đây và nếu tiếp tục giảm, lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có nguồn thu nhập phụ thuộc nhiều vào tín dụng sẽ chịu tác động lớn nhất khi chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động bị thu hẹp.

“Điều này không chỉ khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc duy trì hiệu quả kinh doanh, mà còn làm giảm khả năng gia tăng vốn tự có, ảnh hưởng đến năng lực mở rộng tín dụng trong tương lai”, ông Ân nói.

Trong thông điệp về điều hành lãi suất, chính Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, “không phải cứ giảm đã là tốt, vì giảm lãi suất huy động quá thì không có người gửi”.

Thực tế cho thấy, việc lãi suất huy động giảm xuống mức thấp đang thúc đẩy nhiều người dân tìm kiếm cơ hội sinh lời tốt hơn cho đồng tiền nhàn rỗi, thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng.

Với hơn 2 tỷ đồng được bố mẹ chia cho từ tiền bán mảnh đất ở quê, chị Hồng Nhung ở Cầu Giấy, Hà Nội liên tục tìm tòi thông tin về các kênh đầu tư. Quan sát cơn sóng giá vàng và đọc được những bài viết phân tích giá vàng vẫn trong xu hướng tăng nhờ nhiều trợ lực, chị Nhung quyết định đầu tư vào kênh tài sản này.

Chị tiết lộ, ngày 8/3/2025, chị mua vào với giá 93,1 triệu đồng/lượng và đến ngày 19/3/2025, khi thấy giá vàng tiến sát mốc 100 triệu đồng/lượng, chị đã bán ra chốt lời. “Tôi đang đợi giá vàng xuống để tiếp tục mua vào”, chị Nhung chia sẻ.

Không riêng kênh đầu tư vàng, thị trường bất động sản, chứng khoán đang thu hút dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, với thanh khoản cải thiện tích cực.

Việc đưa mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đi xuống không chỉ tạo áp lực lên NIM và thanh khoản của các nhà băng, mà còn tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Tại kỳ họp gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,25 - 4,5%/năm và phát đi thông điệp có thể chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm.

Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Lào và Campuchia, nhìn chung, năm 2025, lãi suất tại Mỹ có thể tiếp tục giảm, điều này sẽ giúp giảm bớt phần nào vấn đề chênh lệch lãi suất giữa USD và VND. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều yếu tố bất định liên quan đến lạm phát tại Mỹ và cách phản ứng của Fed trước tình hình đó.

“Nếu lãi suất tại Mỹ không giảm nhanh như kỳ vọng, điều đó có thể hạn chế dư địa của Ngân hàng Nhà nước trong việc tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Andrea Coppola nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục