Chợ sôi động, nhưng nhiều “gian hàng” IPO vẫn ế khách

(ĐTCK) Hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn Nhà nước đang được đẩy nhanh, bổ sung lượng hàng hóa lớn cho thị trường chứng khoán, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tấp nập tìm cơ hội đầu tư. Song, không phải “gian hàng” nào cũng hút khách mua.
Được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng đợt thoái vốn của SCIC tại Vinaconex chỉ có 5,6% lượng cổ phiếu chào bán thành công Được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng đợt thoái vốn của SCIC tại Vinaconex chỉ có 5,6% lượng cổ phiếu chào bán thành công

Trong hai tháng cuối năm 2017, trên thị trường chứng khoán đã diễn ra hai cuộc thoái vốn nhà nước gây tiếng vang. Đó là thương vụ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán đấu giá 3,33% vốn cổ phần Vinamilk, thu về gần 9.000 tỷ đồng, vượt gần 2.000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu và Bộ Công thương đấu giá 53,59% vốn cổ phần tại Sabeco, thu về gần 5 tỷ USD.

Trước đó, đợt đấu giá cổ phần của IDICO cũng rất “nóng” trên thị trường khi có đến 40 tổ chức nước ngoài tranh mua cổ phần, 55 triệu cổ phần đã được bán hết, thu về 1.324 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài trúng đấu giá chiếm đến 74,8% lượng cổ phần.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích trên thị trường, quy mô và thanh khoản thị trường tăng mạnh trong năm 2017, quan trọng hơn cả là dòng tiền chảy vào thị trường là dòng tiền mới, không phụ thuộc vào dòng tiền margin như trước đây. Đây chính là bối cảnh rất thuận lợi cho các đợt thoái vốn.

Dù vậy, vẫn nhiều cuộc đấu giá, thậm chí cả những cuộc đấu giá quy mô lớn, doanh nghiệp sở hữu tài sản có giá trị, dư địa tăng trưởng tốt… vẫn ế. Chung quy  cũng do hoạt động lõi của doanh nghiệp, định giá không phù hợp và một phần phụ thuộc vào công tác truyền thông từ chính doanh nghiệp. Cũng có cuộc đấu giá thất bại vì nhà đầu tư “bỏ cuộc chơi”.

Đợt bán vốn của SCIC tại Tổng công ty Vinaconex (VCG) từng được kỳ vọng sẽ thành công với mức giá cao, cổ phiếu VCG cũng có diễn biến tăng giá tốt trước thông tin đấu giá, tuy nhiên, chỉ có 3 nhà đầu tư đăng ký mua vỏn vẹn 5 triệu cổ phần, bằng 5,6% số lượng chào bán. Kết quả chào bán, chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư tổ chức và 2 nhà đầu tư cá nhân mua tổng số hơn 5,3 triệu cổ phiếu VCG trong tổng số 96,2 triệu cổ phiếu được SCIC đưa ra đấu giá. Giá trúng đấu giá thành công 25.600 đồng/cổ phiếu.

Thông tin đấu giá Becamex ban đầu được kỳ vọng sẽ là thương vụ thoái vốn “bom tấn”, nhưng thực tế lại ế ẩm khi chỉ có 6% số cổ phần đăng ký chào bán được mua, với giá trúng bình quân 31.008 đồng/cổ phiếu.

Mới đây, Becamex thông báo sẽ bán tiếp số cổ phần không bán hết trong đợt IPO đầu tháng 12 vừa qua. Theo đó, Becamex sẽ bán tiếp 296,46 triệu cổ phiếu, với giá khởi điểm bằng mức giá khởi điểm cũ 31.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, phiên đấu giá lần hai này sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá 1/12/2017, tức không có sự tham gia của nhà đầu tư mới. Thời gian tổ chức phiên đấu giá là lúc 15h00 ngày 3/1/2018 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Thêm một cuộc đấu giá quy mô lớn là Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà với vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, nhưng kết quả đăng ký mua đáng thất vọng: Chỉ 801.500 cổ phần, tương ứng 0,3% lượng chào bán được nhà đầu tư đặt mua. Giá trúng thầu trung bình chỉ đạt 11.159 đồng/cổ phiếu, thu về tổng giá trị gần 9 tỷ đồng.

Sông Đà là đơn vị có tổng tài sản công ty mẹ hơn 15.000 tỷ đồng, nhưng hệ số nợ cũng rất lớn, đây có thể là yếu tố khiến nhà đầu tư quan ngại. Tính đến ngày 30/6/2017, nợ phải trả trên vốn điều lệ của Tổng công ty lên tới 6,6 lần; trong đó, tổng vốn vay và nợ thuê tài chính là 6.845,5 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nợ phải trả. Tình trạng này đã diễn ra trong giai đoạn 2013 - 2016, luôn ở mức 13 - 15 lần.

Mới đây, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục công bố đấu giá cổ phần tại CTCP Du lịch Bưu điện. Số lượng mang ra đấu giá gần 8,8 triệu cổ phần, giá khởi điểm 24.600 đồng/cổ phiếu. Nếu đấu giá thành công, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ thu về khoảng 216 tỷ đồng. Thời gian và địa điểm đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ 8 giờ 30 ngày 18/12/2017 đến 10/1/2018. Địa điểm đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Điều đáng nói, đây không phải đợt đấu giá đầu tiên mà là đợt đấu giá thứ hai sau phiên đấu giá hồi tháng 9. Tại thời điểm đấu giá tháng 9/2017, có 10 nhà đầu tư đăng ký tham gia, gồm 3 tổ chức và 7 nhà đầu tư cá nhân. Kết thúc phiên đấu giá, một nhà đầu tư là tổ chức đã trúng thầu với mức giá đặt mua cao nhất 41.500 đồng/cổ phần, cao 2,2 lần so với giá khởi điểm 18.500 đồng/cổ phiếu.

Tính theo mức giá trúng, nhà đầu tư cần chi khoảng 365 tỷ đồng để sở hữu 90,22% vốn tại CTCP Du lịch Bưu điện. Tuy nhiên, trong thời gian nộp tiền mua cổ phần từ 29/9 đến ngày 7/10, nhà đầu tư này đã từ chối thanh toán số tiền trên, dẫn đến việc phải tổ chức đấu giá lại.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục